“Sốc toàn tập” với một doanh nghiệp BOT mới lên sàn

(Dân trí) - Vừa mới lên sàn từ 14/2, cổ phiếu BOT của Công ty CP BOT Cầu Thái Hà khiến không ít người sửng sốt khi đã đạt được mức tăng phi mã tới 411%. Doanh nghiệp này vừa được chấp thuận cho thu phí sử dụng đường bộ tại trạm thu phí BOT cầu Thái Hà từ 10/1/2019 và lên kế hoạch lãi… hơn 2 tỷ đồng trong năm nay.

bot cau thai ha.jpg

Trạm BOT cầu Thái Hà được cho phép thu phí từ 10/1/2019 (ảnh minh hoạ: TTXVN)  

Trong khi thị trường đang đối mặt với áp lực chốt lời khá mạnh thì cổ phiếu BOT của Công ty CP BOT Cầu Thái Hà vẫn tăng thêm 0,2% lên 51.100 đồng. Sàn UPCoM nơi mã này đang giao dịch giảm 0,15% còn 55,9 điểm.

BOT đang là mã cổ phiếu “gây sốt” trên thị trường khi liên tục tăng giá kể từ khi mới được giao dịch trên sàn UPCoM kể từ ngày 14/2/2019 vừa qua cho đến nay và chưa bị điều chỉnh phiên nào.

Mã này lên sàn với giá tham chiếu 10.000 đồng, đến sáng nay, mã này đã tăng giá cực mạnh tới 411% và mức tăng giá trong 1 tuần qua cũng đạt tới 23,73%

Mặc dù có diễn biến giá rất tốt nhưng không phải ai hễ cứ đặt lệnh là cũng có thể sở hữu cổ phiếu này bởi thanh khoản tại mã này vốn rất thấp, xuất phát từ thực trạng cơ cấu cổ đông cô đặc.

Hiện BOT có 4 cổ đông lớn, chiếm tới 95,17% vốn điều lệ công ty (tương ứng với 38 triệu cổ phiếu BOT). Cụ thể, Công ty TNHH Tiến Đại Phát nắm 23,79 triệu cổ phiếu tương ứng 59,48%; bà Nguyễn Thị Lan Hương nắm 2,725 triệu cổ phiếu tương ứng 6,81%; Công ty CP CNC Captital Việt Nam nắm 7,6 triệu cổ phiếu tương ứng 19% và Công ty CP PIV nắm 3,95 triệu cổ phiếu tương ứng 9,88%.

Trong thời gian kể từ khi niêm yết đến nay, khối lượng giao dịch tại BOT chỉ khoảng vài trăm đơn vị, bình quân đạt 247 cổ phiếu được chuyển nhượng mỗi phiên. Phiên nhiều nhất cũng chỉ có 700 cổ phiếu được chuyển nhượng (vào 26/2/2019).

Screen Shot 2019-03-06 at 1.40.53 PM.png

Diễn biến giá cổ phiếu BOT 

Giá cổ phiếu BOT tăng phi mã khi nguồn cung hạn hẹp còn nhu cầu mua lớn hơn là điều khá dễ hiểu. Tuy nhiên, điều khá bất ngờ là kế hoạch kinh doanh của công ty này không mấy ấn tượng.

Cuối năm 2018, công ty này mới bắt đầu được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho việc thu phí sử dụng đường bộ tại trạm thu phí BOT cầu Thái Hà từ 10/1/2019. Lên kế hoạch cho năm 2019, BOT dự kiến doanh thu thuần đạt 88,2 tỷ đồng, lãi ròng đạt 2,27 tỷ đồng – những con số không mấy nổi trội so với những doanh nghiệp khác trên sàn hiện nay.

Tính đến thời điểm ngày 31/12/2018, tổng tài sản của BOT đạt gần 1.500 tỷ đồng, tăng 8% so đầu năm, trong đó chi phí xây dựng cơ bản dở dang đã chiếm 92,86% (hơn 1.300 tỷ đồng). Công ty này đang phải gánh gần 1.088 tỷ đồng nợ phải trả.

Trong phiên giao dịch sáng nay, chỉ số tiếp tục điều chỉnh giảm và nới khoảng cách so với mốc 1.000 điểm. VN-Index mất 5,12 điểm tương ứng 0,52% còn 982,33 điểm trong khi HNX-Index cũng mất 0,36 điểm tương ứng 0,33% còn 107,89 điểm.

Độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm. Có 290 mã giảm giá, 26 mã giảm sàn so với 244 mã tăng và 45 mã tăng trần.

Mặc dù vậy, thanh khoản vẫn đạt khá tốt với khối lượng giao dịch trên HSX đạt 141,1 triệu cổ phiếu tương ứng 2.343,92 tỷ đồng và trên HNX là 31,77 triệu cổ phiếu tương ứng 304,23 tỷ đồng.

VNM sáng nay mất 2.400 đồng và qua đó kéo lùi VN-Index mất 1,27 điểm. GAS giảm cũng khiến VN-Index thiệt hại 1,17 điểm. VCB, NVL, HPG giảm giá. Mặc dù VHM đạt được trạng thái tăng, song mức tăng khiêm tốn tại mã này không đủ để gây ảnh hưởng mạnh đến thị trường chung.

Sau những diễn biến giằng co quanh vùng kháng cự 1.000 điểm trong một số phiên gần đây, Công ty chứng khoán VCBS cho rằng, chỉ số sẽ cần tích lũy lại thêm một thời gian để tạo tiền đề cho một nhịp bứt phá mới.

Do đó nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời ngắn hạn những cổ phiếu đã đạt kỳ vọng về lợi nhuận, đồng thời tích lũy thêm những số cổ phiếu tăng trưởng với triển vọng kinh doanh khả quan trong năm 2019 mà giá vẫn chưa thực sự bứt phá mạnh trong giai đoạn vừa rồi.

Mai Chi

“Sốc toàn tập” với một doanh nghiệp BOT mới lên sàn - 1