Sở hữu trí tuệ ở EVFTA: Doanh nghiệp không nhận thức rõ, sẽ chịu gánh nặng
(Dân trí) - Tham gia EVFTA, với những quy định về việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh hơn có thể khiến doanh nghiệp của Việt Nam nếu không nhận thức rõ nguy cơ, sẽ phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị “Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) - Các cam kết quan trọng về sở hữu trí tuệ và những điều cần lưu ý” do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay, 27/8.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, với EVFTA, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%.
Sau 7 năm, 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Điều này sẽ giúp Việt Nam tận dụng mạnh hơn nữa cơ hội xuất khẩu vào thị trường EU.
Tuy nhiên theo ông Tuấn Anh, bước ký kết Hiệp định mới chỉ là khởi đầu cho một chặng đường mới.
“Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai bên”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Công Thương, những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì phạm vi không chỉ dừng ở các cam kết mở của thị trường hàng hóa, ngoài ra còn có vấn đề sở hữu trí tuệ.
Đây được coi là một nội dung mới chỉ xuất hiện trong một số ít FTA mà Việt Nam tham gia, trong đó có Hiệp định EVFTA.
Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, với mức độ cam kết khá cao về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, dự kiến Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ về sửa đổi pháp luật trong nước. Trong khi đó, nhận thức chung về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn còn thấp.
Theo ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhìn chung, đa số các cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA là phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, EVFTA cũng đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn pháp luật Việt Nam, trong đó có thể kể đến như bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU với mức độ bảo hộ cao như mức độ mà pháp luật Việt Nam đang bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý đối với rượu vang và rượu mạnh; hoặc gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp trong vòng 2 năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực…
Do đó, theo ông Chu Ngọc Anh, cùng với việc tích cực chuẩn bị hồ sơ để trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, chúng ta đã và đang có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo thi hành đầy đủ và hiệu quả các cam kết này.
Vị này cũng cảnh báo thêm, việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh hơn có thể khiến doanh nghiệp của Việt Nam nếu không nhận thức rõ nguy cơ, sẽ phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát (ví dụ như kiểm soát tại biên giới), đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng.
Đừng để vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà không hay biết
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho hay, EU là khu vực xuất khẩu các sản phẩm trí tuệ hàng đầu thế giới, vì thế cũng có nhu cầu tăng cường bảo hộ cũng như thực thi việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ. EU cũng đồng thời có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền sở hữu trí tuệ này.
Về phía mình, Việt Nam cũng muốn có không gian cho phép các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận các sản phẩm sở hữu trí tuệ phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, khoa học, xã hội với chi phí thấp nhất có thể.
Do đó, theo ông Linh không phải ngẫu nhiên mà vấn đề sở hữu trí tuệ, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý, trở thành một trong những vấn đề khó đàm phán nhất trong EVFTA; chương Sở hữu trí tuệ cũng là một trong những chương có dung lượng lớn nhất trong toàn hiệp định.
Bà Ngyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập nêu thực tế, rất nhiều người dùng đồ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà không hay biết. Thêm nữa, đối với doanh nghiệp chủ thể quyền nhiều khi chưa chủ động, ngại đấu tranh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Bàn về giải pháp, bà Trang cho rằng các doanh nghiệp chủ thể quyền và đại diện sở hữu trí tuệ phải thay đổi nhận thức, nhận biết được các quyền mới và tham gia mạnh hơn vào quá trình nội luật hoá.
“Nhiều khi các dự thảo luật được đăng trên cổng mãi không nhận được ý kiến nào, đến lúc thực thi rồi thấy có vấn đề mới lại bắt đầu có ý kiến”, bà Trang nêu thực tế.
Nguyễn Mạnh