1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sở giao dịch vàng sẽ hạn chế “chảy máu” ngoại tệ

Sở giao dịch vàng quốc gia sẽ làm giảm nhu cầu tích trữ vàng vật chất, đưa nguồn vốn dự trữ trong dân ra lưu thông. Tuy nhiên việc thành lập phải mất từ 3-5 năm.

Sở giao dịch vàng sẽ hạn chế “chảy máu” ngoại tệ - 1
Sẽ có Sở giao dịch vàng vào năm 2011. Ảnh: Internet.
 
Mặc dù để có thể thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia, cần rất nhiều thời gian, kinh nghiệm, và trình độ kỹ thuật; khi thực hiện cũng không dễ thành công nhưng để đưa hoạt động thị trường vàng vào khuôn khổ thì việc thành lập sở này là cần thiết.

Đó là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế khi trao đổi với TBKTSG Online về việc thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Đinh Nho Bảng, hiện hiệp hội đang bàn với Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia để tổ chức các hội thảo lấy ý kiến về việc thành lập sở giao dịch vàng quốc gia. Theo ông Bảng, việc làm này là cần thiết song phải được thực hiện chặt chẽ, cẩn thận vì ảnh hưởng của thị trường vàng đến toàn bộ nền kinh tế là rất lớn.

Vấn đề hiệp hội còn lo ngại là hiện tại việc thành lập các sở giao dịch hàng hóa phải do Bộ Công Thương quản lý, mà vàng lại là một loại hàng hóa đặc biệt, cần có sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Hiệp hội đang đề nghị xây dựng quy chế để chính phủ phê duyệt và phân cấp quản lý cho các cơ quan có liên quan trước khi đi vào thực hiện.

Nói về việc thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng nhu cầu mua bán, kinh doanh vàng ở Việt Nam là rất lớn, bằng chứng là trong các năm trước các sàn vàng ra đời đã thu hút một nguồn tiền không nhỏ trong dân. Vì vậy, nếu không có sàn vàng chính thức thì người dân cũng kinh doanh vàng bằng cách này hay cách khác.

“Dù không dễ thực hiện nhưng vẫn phải thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia được quản lý tập trung, dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước để thỏa mãn nhu cầu mua bán của người dân”, ông Nghĩa nói.

Thêm vào đó, Sở giao dịch vàng sẽ giải quyết tình trạng nhiều cá nhân và doanh nghiệp mở tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài, khiến chảy máu ngoại tệ; đồng thời sẽ giúp cho giá vàng trong nước và quốc tế không còn chênh lệch do vàng được kiểm soát cung cầu một cách khoa học.

Còn theo ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng, đã đến lúc phải quản lý thị trường vàng một cách khoa học hơn, mà việc thành lập Sở giao dịch vàng hoạt động như Sở giao dịch chứng khoán là rất cần thiết.

Thông qua sàn này, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có thể quản lý thị trường vàng tốt hơn. Khi cần bình ổn giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động vào sàn giao dịch để tiến hành các biện pháp quản lý khác như thu thuế, hay tăng, giảm phí giao dịch. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước có thể giám sát được các giao dịch vàng với khối lượng lớn, nắm được nguồn vốn vào ra thị trường vàng.

Trong lúc đó, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam, cho rằng Sở giao dịch vàng quốc gia sẽ làm giảm nhu cầu tích trữ vàng vật chất, đưa nguồn vốn dự trữ trong dân ra lưu thông. Có sàn vàng được quản lý tập trung sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư khi không phải tham gia đầu tư trên các sàn không chính thức.

Tuy vậy, ông Lê Thẩm Dương cho rằng thời gian chuẩn bị thành lập Sở giao dịch vàng sẽ mất từ 3 đến 5 năm do phải chuẩn bị quy chế quản lý, thông tư, và hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Và một vấn đề quan trọng nữa là do giao dịch vàng thông qua chứng chỉ do Ngân hàng Nhà nước phát hành sẽ chưa quen với một bộ phận người dân thích dùng vàng miếng để trao đổi. Vì vậy, theo ông Dương, muốn thay đổi thói quen này sẽ mất nhiều thời gian.

Và một điều rất quan trọng là việc thành lập Sở giao dịch vàng phải đi kèm với các luật lệ áp dụng cho sàn và phải tổ chức sàn thật khoa học, tránh xảy ra các tranh chấp, khiếu nại trên sàn.

Theo Thanh Thương
TBKTSG

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm