SMBC và Eximbank: Từ thương vụ "mua rẻ" tới "nội chiến"

Vân Khánh

(Dân trí) - Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) sớm đầu tư vào Eximbank sau thương vụ "mua rẻ". Nhưng đây lại là câu chuyện "đầu xuôi, đuôi chẳng lọt" khi mà Eximbank đang chìm sâu trong "nội chiến".

Thương vụ "mua rẻ"

Thị trường chứng khoán Việt Nam "sốt" từ năm 2006. Ở giai đoạn đó, cổ phiếu các ngân hàng  được xem là "cổ phiếu vua". Dù chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu Eximbank của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng nhận được sự quan tâm từ các tổ chức lớn.

Cuối năm 2007, cổ phiếu ngành ngân hàng "leo đỉnh" với nhiều mã vượt mốc 100.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu Eximbank có lúc gần đạt 150.000 đồng/cổ phiếu. Tới đầu năm 2008, "cổ phiếu vua" chứng kiến đợt sụt giảm sâu nhưng cổ phiếu Eximbank vẫn đứng ở mức cao với giá dưới 70.000 đồng/cổ phiếu.

SMBC và Eximbank: Từ thương vụ mua rẻ tới nội chiến - 1

Giá cổ phiếu Eximbank có lúc gần đạt 150.000 đồng/cổ phiếu (Ảnh: IT).

Trong bối cảnh đó, vào đầu tháng 7/2008, Eximbank đã trao giấy chứng nhận cổ đông cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC - Nhật Bản). SMBC trở thành cổ đông chiến lược tại Eximbank khi nắm giữ 15% cổ phần Eximbank trị giá 225 USD. Ở mức này, mỗi cổ phiếu Eximbank trị giá 20.150 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng 30% thị giá.

Đây được xem là thương vụ "mua rẻ" của SMBC.

SMBC đánh giá cao thương vụ này. Đích thân Chủ tịch SMBC, ông Masayuki Oku, thông báo buổi lễ ký kết chính thức thỏa thuận liên minh kinh doanh với Eximbank đã diễn ra tại Tokyo. SMBC cho rằng, Eximbank là "một trong những các ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam".

SMBC đánh giá thị trường tài chính tại Việt Nam đang phát triển với tốc độ đáng kể. Bằng việc thiết lập khuôn khổ hợp tác trong nhiều lĩnh vực kinh doanh với Eximbank, SMBC sẽ có thể nâng cao cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.

SMBC đề ra 4 mục tiêu cho thương vụ này.

Thứ nhất, SMBC sẽ phát triển hoạt động kinh doanh ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam bằng cách cung cấp bí quyết kinh doanh trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng và thẻ tín dụng cho Eximbank.

Thứ hai, SMBC tăng cường hỗ trợ các khách hàng Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam

Thông qua liên minh này, các khách hàng doanh nghiệp của SMBC tại Việt Nam có thể tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính và thông tin địa phương của Eximbank. Ngoài ra, SMBC Chi nhánh TP.HCM sẽ sử dụng khoản vay bằng đồng Việt Nam của Eximbank và mạng lưới trong nước của ngân hàng để cung cấp nhiều dịch vụ tài chính giá trị gia tăng hơn cho khách hàng của SMBC.

Thứ ba, hai bên sẽ thúc đẩy tài trợ thương mại và chứng khoán hóa các khoản phải thu liên quan đến thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Thứ tư, SMBC hỗ trợ kỹ thuật cho Eximbank. SMBC sẽ cung cấp bí quyết quản trị công ty, bao gồm cả quản lý rủi ro, để hỗ trợ các nỗ lực hiện đại hóa của Eximbank.

Khủng hoảng giá cổ phiếu EIB

Sau khi SMBC trở thành "người nhà" của Eximbank, "cổ phiếu vua" lao đao nên cổ phiếu Eximbank cũng tụt dốc thê thảm. Dù vậy, so với mức giá mua vào, SMBC vẫn có lời.

Cụ thể, vào thời điểm trước khi cổ phiếu EIB chào sàn (ngày 27/10/2009), giá EIB rơi xuống 27.000 đồng/cổ phiếu. Trong 2 ngày giao dịch đầu tiên, EIB tăng nhẹ lên 29.300 đồng/cổ phiếu rồi bước vào chuỗi ngày suy giảm mạnh nhưng giữ được "giá vốn" cho SMBC.

Tuy nhiên, đến ngày 21/5/2010, EIB đã rơi vào tình trạng "giá lỗ" cho SMBC khi giảm xuống 19.900 đồng/cổ phiếu.

Sau đó, nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Vì vậy, thị trường chứng khoán lao đao. Cùng với các vấn đề nội tại, tới ngày 3/11/2016, cổ phiếu EIB lần đầu lao đao tới mức rơi xuống dưới mệnh giá. Đóng cửa phiên giao dịch "lịch sử" này, EIB chỉ còn 9.800 đồng/cổ phiếu. Sau đó, mức "đáy" mà EIB rớt xuống là 8.800 đồng/cổ phiếu.

Ở mức "đáy", giá EIB giảm 11.350 đồng/cổ phiếu, tương đương 56,3% so với giá mua vào của SMBC.

7 năm không cổ tức, 5 quý 4 lỗ thảm

Thời gian đầu mới hợp tác, SMBC không may mắn về thị giá cổ phiếu EIB nhưng ngân hàng đến từ Nhật Bản vẫn được "an ủi" bằng tỷ lệ cổ tức lớn mà Eximbank dành cho cổ đông.

"Gây sốc" nhất có lẽ chính là năm 2008. Trong năm đầu tiên của "cuộc hôn nhân" này, Eximbank trả cổ tức lên đến 82,55%, trong đó 12% bằng tiền mặt và 70,55% bằng cổ phiếu. Như vậy, SMBC được nhận gần 230 tỷ đồng tiền mặt và hơn 133 triệu cổ phiếu. Lượng cổ phiếu này tương đương 3.600 tỷ đồng.

4 năm sau đó, dù không duy trì tỷ lệ sốc như 2008 nhưng Eximbank vẫn giữ được cổ tức khá cao, lần lượt là 12% (2009), 13,5% (2010), 19,3% (2011) và 13,5% (2012). Dù vậy, nếu so với lãi suất thời điểm đó, tỷ lệ này vẫn thấp vì có lúc lãi suất lên "đỉnh" 21%/năm.

2013 là năm "bản lề" khi cổ tức tại Eximbank lao dốc xuống chỉ còn 4%. Nhưng tới đây, bi kịch mới thực sự bắt đầu. Kể từ năm 2014 cho đến 2020, cổ đông Eximbank nói chung và SMBC nói riêng chưa từng nhận thêm được đồng cổ tức nào nữa. Quá trình này đã là 7 năm.

Diễn biến cổ tức liên quan chặt chẽ đến lợi nhuận ngân hàng. Năm 2014, Eximbank gây sốc nặng khi công bố khoản thua lỗ lên đến 222 tỷ đồng trong quý 4/2013. Đây là quý đầu tiên Eximbank rơi vào tình cảnh này kể từ khi cổ phiếu EIB niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ngoại hối là "thủ phạm" khiến Eximbank lỗ thảm.

Nhưng đây không phải "cú sốc" duy nhất với cổ đông Eximbank. Tính tới nay, Eximbank đã trải qua 5 quý thua lỗ thảm. Bất ngờ ở chỗ, tất cả đều là quý 4.

Cụ thể, quý 4/2013, ngân hàng lỗ 222 tỷ đồng. Con số thua lỗ "đạt đỉnh" 678 tỷ đồng trong quý 4/2014 rồi giảm xuống 463 tỷ đồng trong quý 4/2015, giảm tiếp xuống 247 tỷ đồng hồi quý 4/2018. Tới quý 4/2019, khoản thua lỗ không còn là trăm tỷ đồng nữa mà giảm xuống "chỉ" còn 16,3 tỷ đồng.

SMBC và Eximbank: Từ thương vụ mua rẻ tới nội chiến - 2

Việc liên tục hoãn họp Đại hội cổ đông càng khiến mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank trở nên gay gắt hơn (Ảnh: Đại Việt).

"Nội chiến" chưa hồi kết

Cuối năm 2020, Eximbank gây chú ý khi hoãn họp ĐHĐCĐ thường niên lần thứ 3. Lý do hoãn là để chấp hành chỉ đạo của Sở Y tế thành phố Hà Nội liên quan đến dịch Covid-19. Trước đó, 2 lần ngân hàng không thể tiến hành họp vì không đủ túc số, 2 lần khác bị hủy vì lý do phòng dịch Covid-19.

Việc liên tục hoãn họp càng khiến mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank trở nên gay gắt hơn. Ngày 8/12/2020, Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát Eximbank tiếp tục nhận được văn bản của đại diện các cổ đông sở hữu trên 10% vốn Eximbank đề nghị Hội đồng quản trị đưa vào chương trình họp đại hội cổ đông thường niên 2020 tổ chức vào ngày 15/12 việc miễn nhiệm đối với 4 thành viên HĐQT là các ông Yasuhiro Saitoh, Lê Minh Quốc, Cao Xuân Ninh và Lê Văn Quyết.

Trước đó, SMBC cũng đã yêu cầu HĐQT bổ sung nội dung vào Đại hội đồng cổ đông thường niên lần 3 việc thanh lọc HĐQT thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với từng thành viên.

"Nội chiến" tại Eximbank kéo dài gần thập kỷ. "Cuộc chiến" này từng gắn liền với những cái tên như NamA Bank, Lương Thị Cẩm Tú - hiện là Thành viên HĐQT Eximbank.