SK Group hoàn tất chuyển nhượng 76 triệu cổ phiếu MSN cho các "cá mập"
(Dân trí) - Masan Group (mã: MSN) vừa công bố thông tin SK Group đã hoàn tất chuyển nhượng 76 triệu cổ phiếu của Masan Group, cho thấy sức hút của cổ phiếu khi có những nhà đầu tư lớn sẵn sàng chi hàng nghìn tỷ đồng để mua cổ phần.
Giao dịch chuyển nhượng được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và không tác động đến giá cổ phiếu trên sàn. Theo đại diện Masan Group, do số cổ phần được chuyển nhượng đi kèm quyền chọn bán lại cho Masan theo như ghi chú trong báo cáo tài chính của Masan, việc chuyển nhượng một lượng lớn cổ phần cho nhà đầu tư bên ngoài sẽ giảm thiểu gánh nặng lên bảng cân đối kế toán của Masan một cách đáng kể.
Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của SK Group tại MSN là 3,67% vốn điều lệ, qua đó không còn là cổ đông lớn tại MSN. Số cổ phiếu còn lại của SK Group tại MSN sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo thông lệ.
Ngày 31/10, cổ phiếu MSN có lượng lớn cổ phiếu giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị là hơn 5.600 tỷ đồng. Đây có thể là giá trị giao dịch chuyển nhượng của SK. Như vậy, tính luôn giao dịch chuyển nhượng 7,1% cổ phần tại WinCommerce cho Masan với giá 200 triệu USD (khoảng hơn 5.100 tỷ đồng) vào đầu tháng 9 vừa qua, động thái tái cơ cấu danh mục đầu tư của SK Group tại Masan đã giúp tập đoàn Hàn Quốc này mang về tổng cộng khoảng 10.700 tỷ đồng, gần như tương đương số tiền đầu tư vào Masan trong năm 2018.
Giao dịch này là một trong những vụ chuyển nhượng đáng chú ý đối với cổ phiếu chưa chạm giới hạn sở hữu nước ngoài (non-FOL) tại Việt Nam, đồng thời thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư toàn cầu đối với câu chuyện của MSN. Giao dịch diễn ra vào thời điểm Masan cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý III với các con số tích cực.
Kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng
Quý III, Masan mang về 701 tỷ đồng lợi nhuận, gần gấp 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 130% kế hoạch lợi nhuận ở kịch bản cơ sở. Doanh thu thuần của Masan đạt 21.487 tỷ đồng, tăng 6,6% so với mức 20.155 tỷ đồng của quý III/2023 nhờ sự tăng trưởng bền vững từ các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ.
Mảng hàng tiêu dùng có thương hiệu của Masan, Masan Consumer (mã: MCH), tiếp tục ghi nhận tích cực trong quý thứ 3 của năm nay. Doanh thu quý III của Masan Consumer tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7.987 tỷ đồng.
Đối với mảng bán lẻ của Masan, WinCommerce (WCM) ghi nhận doanh thu tăng trưởng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý III, đạt 8.603 tỷ đồng trên toàn mạng lưới, được đóng góp chủ yếu bởi các mô hình cửa hàng mới WIN (phục vụ người mua sắm ở thành thị) và WinMart+ Rural (phục vụ cho người mua sắm ở nông thôn). Lợi nhuận sau thuế của WCM đạt dương 20 tỷ đồng trong quý III, lần đầu tiên kể từ thời điểm bùng phát Covid-19.
Trong quý III, mảng thịt có thương hiệu của Masan, Masan MEATLife (MML) ghi nhận mức tăng lợi nhuận hoạt động (EBIT) 43 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 105 tỷ đồng so với cùng kỳ cho lợi nhuận sau thuế trước phân bổ cổ đông thiểu số (NPAT Pre-MI). Đây là quý thứ ba liên tiếp MML báo cáo EBIT dương và quý đầu tiên đạt NPAT Pre-MI dương (20 tỷ đồng) kể từ năm 2023.
Nhận định về kết quả kinh doanh của Masan, báo cáo mới nhất của Chứng khoán Vietcap cho biết vì lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 9 tháng đầu năm 2024 vượt kỳ vọng, Vietcap nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng đối với dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của Masan. Cho cả năm 2024, Vietcap dự báo tổng doanh thu thuần Masan đạt được là 85.185 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.609 tỷ đồng.
Tiến gần đến kịch bản lợi nhuận tích cực 2.000 tỷ đồng
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, chia sẻ: "Tôi tin rằng Masan tiến gần đến kế hoạch lợi nhuận sau thuế theo kịch bản tích cực là 2.000 tỷ đồng. Chúng tôi đã và đang tập trung kết hợp toàn bộ nền tảng tiêu dùng bán lẻ của mình, hướng đến mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hợp nhất hai chữ số cho năm 2025".
Theo đó, hướng về quý cuối năm nay, ban lãnh đạo Masan cho biết tiếp tục cải thiện kết quả kinh doanh với kỳ vọng tiến gần đến kế hoạch lợi nhuận kịch bản tích cực của năm 2024 nhờ vào các trọng tâm chiến lược: tiếp tục tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận với trọng tâm là mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi; tối ưu hóa chương trình Hội viên WIN để tạo ra giá trị cho doanh nghiệp và các thương hiệu đối tác của Masan; giảm nợ hơn nữa để cải thiện bảng cân đối kế toán và giảm chi phí tài chính; giảm sở hữu ở các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành trong khi vẫn duy trì chiến lược phân bổ vốn chặt chẽ.