SJC "chảnh" với vàng miếng một chữ, tiệm vàng khác cũng ngại mua vào

Mỹ Tâm

(Dân trí) - Một số tiệm vàng lo dòng vốn có hạn nên nếu mua vàng một chữ không bán được sẽ rủi ro. Thực tế, đây không phải lần đầu có hiện tượng thị trường "chê" vàng miếng một chữ.

Cửa tiệm không muốn mua vàng một chữ vì sợ tồn kho

Một vài ngày gần đây, không ít người nắm giữ vàng miếng một chữ (seri có một ký tự chữ nằm trước) và vàng miếng SJC bị móp méo, cong vênh... lo lắng vì nghe tin Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tạm thời ngưng mua vàng miếng loại này.

Tại hội sở Công ty SJC (quận 3, TPHCM), nhân viên tại cửa hàng thông báo công ty tạm ngưng mua vào loại vàng một chữ, vàng móp méo. Đại diện SJC cho biết không phải công ty không muốn thu lại vàng một chữ do khách hàng mang bán mà công ty chưa có thông tin Ngân hàng Nhà nước khi nào mới mở xưởng cho dập lại các loại vàng này.

Thông thường với các loại vàng này cũng như vàng bị móp méo khi công ty mua lại trên thị trường với khối lượng khoảng 1.000 lượng thì sẽ xin cơ quan quản lý tiền tệ gia công lại.

Nhưng từ 2 tuần trở lại đây, công ty đã dừng thu mua vì lượng tồn kho đã lên khá cao nhưng chưa biết khi nào mới được phép gia công.

SJC chảnh với vàng miếng một chữ, tiệm vàng khác cũng ngại mua vào - 1

Công ty SJC ngưng mua vàng miếng SJC để chờ gia công vàng tồn kho (Ảnh minh họa: Thành Đông).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chủ một tiệm vàng tại Hà Nội, cho biết sau khi nghe thông tin trên, ông cũng sẽ ngừng mua vàng miếng một chữ cũng như vàng móp méo của khách hàng. "Dòng vốn của chúng tôi có hạn nên phải liên tục được luân chuyển, chứ mua mà không bán được sẽ bị tồn và rất rủi ro", ông nói.

Một số tiệm vàng khác thì đưa ra mức trừ tiền cao hơn và chỉ dám mua nếu có hóa đơn do chính tiệm vàng của mình bán ra. "Hiện chưa có khách hàng đến bán vàng một chữ, song tôi sẽ tham khảo thêm trên thị trường. Nếu có tôi sẽ chỉ mua với giá rẻ hơn giá niêm yết của vàng miếng SJC trên thị trường", chủ một tiệm vàng tại Cầu Giấy (Hà Nội) nói.

Người dân cũng không có nhu cầu mua mặt hàng vàng một chữ này là nguyên nhân khác khiến các chủ tiệm ngại thu mua. Khảo sát trên các diễn đàn vàng, người dân chủ yếu có nhu cầu mua vàng miếng SJC do 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC bán theo chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước. Việc đăng ký lượt mua online khó nên trên các hội nhóm tràn lan thông tin bán 300.000 đồng/lượt đăng ký. 

Các doanh nghiệp lớn khác như PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Châu... theo khảo sát của phóng viên Dân trí thì hiện vẫn chỉ thu mua lại sản phẩm vàng miếng do chính công ty bán ra và có hóa đơn. 

Chuyên gia: Người dân sẽ thiệt thòi

Vàng miếng SJC một chữ là những mẫu mã có một ký tự chữ ở trước dãy số seri trên miếng vàng. Những loại vàng này được Công ty SJC sản xuất giai đoạn từ năm 1992 đến năm 1996. Nghị định 24/2012 quản lý thị trường vàng quy định rõ "Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng".

Trên thực tế, lượng vàng gia công qua các năm khá lớn, chẳng hạn trong năm 2014, Công ty SJC đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép gia hạn mức gia công vàng miếng loại một chữ trong số seri và vàng móp méo 50.000 lượng vàng; năm 2015 là 65.000 lượng; năm 2016, Công ty SJC xin phép gia công 60.000 lượng… Còn hiện nay chưa có hạn ngạch gia công từ phía Ngân hàng Nhà nước thì Công ty SJC cũng phải chờ.

Phía Công ty SJC cho biết đã thu mua vào khoảng 1.000 lượng loại một chữ và móp méo trong 2 tháng qua. Số vàng này mua với giá bán vàng bình thường nhưng không được bán ra lưu thông trên thị trường. "Công ty đang chờ đợi cơ quan quản lý cấp phép cho gia công trở lại số vàng móp méo, một chữ", phía SJC thông tin với phóng viên Dân trí.

SJC chảnh với vàng miếng một chữ, tiệm vàng khác cũng ngại mua vào - 2

Giao dịch vàng tại cửa hàng (Ảnh minh họa: Thành Đông).

Trước tình trạng này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, từ góc độ người dân, sau khi mua vàng của SJC và cần bán lại, phía SJC phải mua. "Vấn đề nếu có là về giá cả, chứ SJC không thể từ chối mua lại sản phẩm của chính mình", chuyên gia nhận định và cho biết người dân sẽ rất thiệt thòi. 

Tuy nhiên, thời điểm này, phía Công ty SJC chưa thể gia công vàng miếng, trong khi lượng vàng trong kho đã nhiều. Ông Hiếu cho rằng cả bên bán và bên mua đều có lý, vấn đề cần nhìn nhận liên quan tới chính sách hiện hành..

Cách giải quyết tiếp theo ông đề xuất là chuyển vàng miếng đó thành dạng vàng nguyên liệu và bán theo giá vàng nguyên liệu. Nhưng như vậy rất thiệt thòi cho người dân, vì khi mua vàng miếng SJC là người dân mua cả thương hiệu SJC. Phải bán với giá vàng nguyên liệu sẽ làm mất đi ưu điểm thương hiệu SJC.

Thực tế, đây không phải lần đầu Công ty SJC "chảnh" với vàng một chữ. Năm 2012, việc Công ty SJC ngưng mua vàng miếng móp méo cũng đã từng xảy ra. Lúc đó, đại diện SJC cho biết máy móc thiết bị gia công vàng miếng của công ty đã thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước sau Nghị định 24 có từ ngày 25/5/2012. Do đó, công ty không thể gia công các miếng vàng SJC móp méo..., và có thu mua vào cũng chỉ cất vào kho.

Hay năm 2015, người dân đem vàng miếng SJC một chữ đi bán cũng bị SJC và các doanh nghiệp trừ tiền. Khi ấy, cho rằng vàng miếng một chữ bị thị trường chê khiến lượng tồn kho lớn, Công ty SJC trừ 40.000 đồng/lượng vàng khách đem bán. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định không phân biệt vàng một chữ hay hai chữ và khuyến cáo người dân nên bình tĩnh kẻo mất tiền oan.

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân nhận định việc này khiến nhiều người nắm giữ vàng thời điểm trước hoang mang. Nhưng do Ngân hàng Nhà nước chưa cho mở xưởng dập lại các loại vàng này, dẫn đến việc SJC bị tồn kho.

Ông Huân nói Ngân hàng Nhà nước cần mở hạn mức cho gia công lại vàng một chữ, dập vàng miếng theo khuôn hiện tại. Khi đó, SJC mới có thể giảm hàng tồn và tiếp tục bán vàng miếng ra thị trường.

Việc gián đoạn thu mua vàng miếng SJC này cho thấy, thủ tục cấp phép của nhà điều hành tiền tệ cần phải nhanh hơn, đơn giản hơn nhằm không làm gián đoạn việc thu mua vàng trên thị trường của các đơn vị.