Phó tổng giám đốc VietCredit:

Sinh viên là phân khúc có tỷ lệ trả nợ tốt nhất

Thảo Thu

(Dân trí) - Phó tổng giám đốc VietCredit Lê Phương Hải cho biết nợ quá hạn của nhóm khách hàng sinh viên luôn ở mức dưới 1%. Trong khi đó, nhóm thu nhập cao, sống ở thành thị có nợ lớn.

Phát triển thẻ cần đặc biệt lưu ý 2 chữ "tiện" và "lợi"

Tại hội thảo "Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai" diễn ra ngày 26/9, ông Phạm Tiến Dũng - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết thanh toán không tiền mặt, thanh toán thẻ đã được tận dụng trong mọi lĩnh vực,.

"Trước đây, khi nói tới thanh toán thẻ không dùng tiền mặt chỉ thấy ở siêu thị lớn, nhưng giờ chúng ta có thể thấy ở mọi nơi, với các hoạt động thường nhật", ông Dũng nói.

Cả nước có hơn 140 triệu thẻ đang lưu hành. Trong đó, hơn 103 triệu thẻ nội địa và 36,7 triệu thẻ quốc tế với hơn 40 ngân hàng và 4 công ty tài chính tham gia phát hành thẻ. Tính đến cuối năm 2022, có trên 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.

"Nhiều hình thức thẻ mới ra đời, tiêu chuẩn bảo mật ngày càng nâng cao. Đặc biệt, số hóa thẻ ngân hàng để khách hàng không cần cầm thẻ vật lý, tránh rủi ro mất mát, bị lợi dụng", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói.

Sinh viên là phân khúc có tỷ lệ trả nợ tốt nhất - 1

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ảnh: TP).

Để thúc đẩy thị trường thẻ phát triển, Phó thống đốc cho biết bên cạnh vấn đề bảo mật, an toàn thì 2 chữ "tiện" và "lợi" phải đặc biệt quan tâm, vì dù có làm gì thì người dân cũng cần phải thấy tiện dụng, dễ dùng, và tiếp đó phải thấy có lợi ích về kinh tế.

Ông cũng yêu cầu các ngân hàng, các tổ chức phát hành thẻ cần lắng nghe, ghi nhận phản hồi của người dùng về sản phẩm thẻ. "Vì dù có nói hay, nhưng phản hồi của người dùng không tốt thì cũng không giải quyết được gì", ông nhấn mạnh.

Sinh viên là phân khúc có tỷ lệ trả nợ tốt nhất - 2

Tỷ lệ sử dụng thẻ vật lý ngày càng thấp (Ảnh minh họa: Thảo Thu).

Ông Nguyễn Quang Minh - Tổng giám đốc Napas - đưa ra thông tin trong năm 2022, thị trường có trên 33 triệu thẻ mở mới, thể hiện sức sống của thị trường thẻ.

Ông Minh cho biết thói quen của người dân cũng dần thay đổi đối với sự phát triển của các phương thức thanh toán. "Trước đây mọi người có thói quen sử dụng thẻ thanh toán để rút tiền tại ATM và mang đi chi tiêu, một số nơi như khu công nghiệp, trung tâm thương mại...

Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, người dân đã chuyển sang sử dụng thẻ thanh toán trực tiếp tại các điểm chấp nhận thanh toán hay thanh toán trực tuyến trên các trang thương mại điện tử", vị này nói.

Sinh viên là phân khúc có tỷ lệ trả nợ tốt nhất

Ông Lê Phương Hải - Phó tổng giám đốc VietCredit - thông tin tệp khách hàng của đơn vị này định vị hướng tới là người làm công ăn lương, sinh viên, hộ kinh doanh cá thể…. có thu nhập chưa cao, chưa ổn định hoặc mới bước đầu có thu nhập.

"Trong đó, sinh viên là phân khúc có tỷ lệ trả nợ tốt nhất. Hạn mức cho sinh viên là 5 triệu đồng, mức trả thấp nhất hàng tháng 300.000 đồng", ông Hải nói. Việc để sinh viên tiếp cận với thẻ tín dụng từ sớm, biết thế nào là vay nợ, trả nợ, theo ông Hải sẽ giúp các em có thể đương đầu với bài toán lớn hơn khi bước vào đời.

Bên cạnh những ưu điểm, ông Hải chỉ ra khó khăn khi tiếp cận đối tượng khách hàng sinh viên. Cụ thể, nếu làm theo phương thức trực tiếp thì chi phí khá lớn so với hạn mức chỉ 5 triệu đồng. Hạn mức như vậy không đem lại doanh thu lớn.

Tuy nhiên, với sự góp sức công nghệ, chuẩn hóa căn cước công dân quốc gia, xác thực bằng chữ ký, đơn vị này tiết kiệm được nhiều chi phí thẩm định.

Ông Hải chia sẻ thông tin gây bất ngờ: với sinh viên, công ty ông không cần quản lý nhiều, nhưng nợ quá hạn lúc nào cũng dưới 1%. "Các em quản lý chi tiêu tốt hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Trong khi đó, nhóm thu nhập cao, sống ở thành thị có nợ lớn hơn", ông cho hay.