1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Siêu ủy ban" có vai trò gì với 19 tập đoàn, tổng công ty lớn nhất Việt Nam?

(Dân trí) - “Vụ hạ tầng của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) có 14 người, chưa nói đến trình độ có siêu việt hay không, nhưng chắc chắn Vụ hạ tầng của UBQLVNN không thể thẩm định được dự án mà 500 ông chuyên gia giỏi đã xây dựng”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đã cho biết như vậy khi đề cập tới vai trò của UBQLVNN tại doanh nghiệp.

14 người và 500 chuyên gia

Theo ông Kiên, Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương vừa qua nhấn mạnh năm 2020 phải tập trung giải quyết tốt các vấn đề của UBQLVNN. Tuy nhiên, ông Kiên cho rằng nếu vẫn quan niệm doanh nghiệp Nhà nước và quản lý của UBQLVNN tại doanh nghiệp như là một bộ máy quản trị doanh nghiệp thì không bao giờ gỡ được khó khăn của UB này. 

“Phải thay đổi tư duy của UBQLVNN là quản trị người đại diện phần vốn chứ không phải ngồi duyệt, xem dự án của dầu khí hay nhà máy là bao nhiêu tiền, dự án của ngành giao thông là bao nhiêu, thế này thế kia... thì không bao giờ làm được.” - Đại biểu Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Siêu ủy ban có vai trò gì với 19 tập đoàn, tổng công ty lớn nhất Việt Nam? - 1
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dẫn chứng về Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai): Bộ Giao thông vận tải phải thuê 6 công ty tư vấn thiết kế ở cả trong nước và nước ngoài thực hiện thiết kế, lập Dự án. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thuê 4 đơn vị khác để thẩm định lại.

“Hai Bộ đã phải thuê 10 đơn vị, nếu mỗi đơn vị có 50 chuyên gia thì họ đã có 500 chuyên gia đầu ngành để làm 1 dự án. Trong khi đó, Vụ hạ tầng của UBQLVNN chỉ có 14 người, chưa nói đến trình độ có siêu việt hay không, nhưng chắc chắn Vụ hạ tầng của UBQLVNN không thể thẩm định được dự án mà 500 ông chuyên gia giỏi đã xây dựng” - Đại biểu Nguyễn Đức Kiên cho hay. 

Cũng theo vị Đại biểu Quốc hội này, vấn đề ở đây là phải thay đổi tư duy quản trị của UBQLVNN, bởi nếu cứ để tiếp diễn như thế này sẽ rất còn khó khăn.

Cơ chế gây khó cho "siêu ủy ban"?

Tuần trước, tại Hội nghị đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch UBQNLVNN tại doanh nghiệp - cho biết: Sau khu được thành lập, UBQLVNN đã tiếp nhận quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước từ 5 Bộ.

“UBQLVNN đã tiếp nhận để xử lý 259 việc các Bộ đang xử lý dở dang, trong đó có nhiều việc phức tạp, nhiều vướng mắc, khó khăn tồn đọng qua nhiều năm, có việc liên quan đến thanh tra, kiểm tra, điều tra, kỷ luật và thay thế cán bộ; giải quyết nhiều vấn đề phức tạp như dự án ngành dầu khí, điện, than, khoáng sản, cảng hàng không...” - Chủ tịch UBQLVNN nói.

Siêu ủy ban có vai trò gì với 19 tập đoàn, tổng công ty lớn nhất Việt Nam? - 2
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch UBQLVNN tại doanh nghiệp

Cũng theo Chủ tịch UBQLVNN, sau 1 năm tiếp nhận 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, cơ quan này đã phân loại công việc theo mức độ cần thiết, cấp bách để ưu tiên xử lý nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp, bao gồm: Bổ sung chức danh lãnh đạo quản lý chủ chốt, phê duyệt quỹ lương, giải quyết theo thẩm quyền một số dự án của doanh nghiệp, xử lý các dự án thua lỗ...

Ông Nguyễn Hoàng Anh bày tỏ tâm tư có những dư luận không tốt về UBQLV, có luồng dư luận cho rằng UBQLVNN đang làm khó các Bộ trong việc triển khai dự án. Nhiều tập đoàn, tổng công ty trình UBQLVNN xin cơ chế đặc thù nhưng phải xử lý theo quy định của pháp luật.

“Toàn dự án lớn mà đòi quyết định trong một sớm, một chiều, đâu có được, nhất là với những vấn đề chưa phù hợp với quy định của pháp luật” - Chủ tịch UBQNLVNN cho hay.

Trong buổi làm việc với UBQLVNN tại doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định: UBQLVNN không phải là tổ chức kinh doanh vốn nhà nước mà là đại diện chủ sở hữu vốn của nhà nước tại doanh nghiệp.

“Các tập đoàn, tổng công ty có quyền của họ. Luật đã có những quy định rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn doanh nghiệp được làm gì, Chủ tịch làm gì, Tổng Giám đốc làm gì...” - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh và yêu cầu UBQLVNN cần tập trung “làm đúng phận sự là đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước. Quản lý nhà nước là quản lý nhà nước, còn đại diện chủ sở hữu phải làm cho đúng vai, đúng chủ trương đường lối”.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu “siêu ủy ban” quán triệt sâu sắc Nghị định 131/2018 về chức năng, nhiệm vụ, tránh tình trạng QLNN muốn làm chức năng đại diện chủ sở hữu và đại diện sở hữu lại “mon men” làm chức năng quản lý.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm