Chủ tịch "siêu ủy ban" quản lý vốn chia sẻ cách quản lý khối tài sản trên 2,3 triệu tỷ đồng

(Dân trí) - Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty với trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản trên 2,3 triệu tỷ đồng. Theo nhận định của Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh, người đứng đầu quản lý "siêu uỷ ban" này là một thách thức lớn...

Sau nhiều chờ đợi, ​sự kiện ra mắt của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước hay còn gọi là "siêu ủy ban" đã diễn ra vào ngày 30/9/2018. "Siêu ủy ban" quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty với trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản trên 2,3 triệu tỷ đồng.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho hay: "Ủy ban được thành lập, nhiều kỳ vọng được đặt ra cho Ủy ban, bên cạnh đó thì cũng không ít băn khoăn về việc Ủy ban sẽ hoạt động như thế nào, làm thế nào để khối tài sản lớn của Nhà nước tại doanh nghiệp được quản lý tốt, gia tăng giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Được giao trọng trách là người đứng đầu, tôi luôn trăn trở và đặt ra mục tiêu để hoàn thành trọng trách được giao. Ủy ban xác định doanh nghiệp là trung tâm và mọi hoạt động của Ủy ban sẽ xoay quanh sự phát triển của doanh nghiệp, từ đó có đóng góp thiết thực vào tăng trưởng kinh tế đất nước; 4 quan điểm chính luôn được quán triệt là: hiệu quả, đúng luật, minh bạch và bền vững".

Chủ tịch siêu ủy ban quản lý vốn chia sẻ cách quản lý khối tài sản trên 2,3 triệu tỷ đồng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Sẽ xây dựng 4 trung tâm Logictics

Theo chia sẻ của Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh, ủy ban sẽ tập trung vào hai mảng nội dung chính là: Xây dựng chiến lược phát triển; Triển khai các công việc liên quan đến công tác quản trị, giám sát.

Ủy ban sẽ triển khai việc xây dựng Chiến lược phát triển Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. Theo đó, chiến lược được xây dựng ngoài mục tiêu đảm bảo cho nhiệm vụ bảo toàn vốn thì vấn đề phát triển vốn, phát huy sức mạnh tổng thể được ủy ban hết sức chú trọng.

Tại chiến lược này, ủy ban sẽ nghiên cứu trình Chính phủ xem xét phê duyệt định hướng về việc gắn kết, phát huy nguồn lực của các doanh nghiệp. Ủy ban quản lý các doanh nghiệp lớn, đa ngành, các doanh nghiệp chuyển giao về Ủy ban sẽ không còn khái niệm sở hữu chéo, đầu tư ngoài ngành với các lĩnh vực mà Ủy ban đang quản lý. Vì vậy, các doanh nghiệp có tiềm năng, lợi thế có thể cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ/dự án cụ thể đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phát huy tối đa hiệu quả về kinh tế.

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh ví dụ, đối với nhiệm vụ xây dựng sân bay Long Thành và thành phố sân bay, để huy động và phát triển vốn xây dựng sân bay, Ủy ban đã làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về quy hoạch thành phố sân bay để tạo nguồn lực huy động vốn đầu tư cho Long Thành mà nhà nước có thể không phải bố trí vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách hàng năm. Ủy ban sẽ xem xét, báo cáo Chính phủ việc huy động nguồn lực các doanh nghiệp thuộc Ủy ban, ngoài Tổng công ty Cảng Hàng Không Việt Nam thì một số doanh nghiệp khác (Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là đơn vị đang quản lý đất…) thuộc Ủy ban cũng có tiềm năng và lợi thế để tham gia Dự án. Việc hợp tác trên sẽ tạo được nguồn lực lớn mạnh đầu tư cho Dự án.

Ủy ban đang quản lý các doanh nghiệp đầu ngành về vận tải ở cả 4 loại hình: hàng không, hàng hải, đường sắt, đường bộ. Ủy ban thấy rằng cần phải kết hợp cả 4 loại hình vận tải này để tạo thành những Trung tâm Logictics có sức cạnh tranh cao trong nước và quốc tế… Ủy ban đang nghiên cứu và cũng sẽ đưa vào chiến lược phát triển nội dung xây dựng 4 Trung tâm Logictics có thể kết nối 4 loại hình này tại các miền Bắc, Trung, Nam và khu vực Quy hoạch sân bay Long Thành.

"Nhìn nhận trách nhiệm với quốc gia trong hệ thống bán buôn, bán lẻ toàn quốc, Ủy ban có tiềm lực trong hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống phân phối trải dài trên cả nước của Petrolimex, các nhà ga, các Tổng công ty lương thực miền Nam và miền Bắc... Vì vậy, các sản phẩm tiêu dùng của các tập đoàn, tổng công ty của Ủy ban có thể là lợi thế để phát triển mạng lưới phân phối các sản phẩm một cách sâu rộng trên toàn quốc và cạnh tranh được với các nhà phân phối trong và ngoài nước. Cùng với đó, các sản phẩm tiêu dùng của nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước sẽ được đưa vào tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện ích của Ủy ban", Chủ tịch "siêu ủy ban" khẳng định.

Đánh giá lại thực trạng của từng tập đoàn, đề xuất cơ chế xử lý

Người đứng đầu "siêu ủy ban" cho biết, trong thời gian tới, ủy ban sẽ tổ chức rà soát, đánh giá lại thực trạng của từng tập đoàn, tổng công ty (TĐ/TCT) và xác định nguyên nhân, giải pháp xử lý từng dự án lớn có vấn đề; đề xuất cơ chế xử lý và có lộ trình khả thi thực hiện cơ cấu lại tài sản/doanh nghiệp (DN), tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính; Gắn xử lý dự án tồn đọng với cơ cấu lại DN, kiện toàn cả về nhân sự và quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Tiếp tục chỉ đạo và thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các DN theo quyết định/chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng tính giám sát và thực hiện minh bạch, công bố thông tin kịp thời hơn. Gắn thoái vốn tại các đơn vị thành viên của TĐ/TCTvới kế hoạch tái cơ cấu TĐ/TCTvề cả tài chính và tổ chức quản trị; chú trọng chất lượng và tăng trưởng hơn số lượng đơn vị...

Ủy ban sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương xử lý các vấn đề tồn đọng hoặc phát sinh mới, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN. Trong việc thực hiện nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN, Ủy ban xác định phải làm tốt vai trò cầu nối giữa DN với Chính phủ, thể hiện ở cả 3 khía cạnh là: lắng nghe DN; chỉ đạo DN kịp thời và thực tiễn, có hiệu quả; tham mưu kịp thời, đầy đủ cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc thực hiện tốt đồng thời cả 3 nội dung này sẽ tạo môi trường thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, giúp DN hoạt động hiệu quả.

"Riêng về nguồn nhân lực, chúng tôi kiến nghị chính sách cán bộ và tiền lương với DNNN sớm áp dụng theo hướng thị trường trong năm 2019, phù hợp với cam kết WTO là chậm nhất năm 2019 Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường, góp phần tạo động lực cho sản xuất kinh doanh, khai phóng nguồn lực con người trong DNNN", Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.

Ngoài ra, Uỷ ban cũng sẽ tổ chức giám sát thường xuyên, nâng cao trách nhiệm thông tin và giải trình, gắn chặt việc giám sát, đánh giá với khen thưởng và chính sách cán bộ; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và có định hướng cụ thể về vấn đề này trong quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Nguyễn Hiền - Phương Dung

Chủ tịch siêu ủy ban quản lý vốn chia sẻ cách quản lý khối tài sản trên 2,3 triệu tỷ đồng - Ảnh 2.