Siêu thị giữ giá, hàng ăn lên không xuống

Có một nghịch lý là, khi CPI liên tục giảm thì người dân và giới kinh doanh các mặt hàng thiết yếu khẳng định giá hầu như vẫn không suy suyển. Người dân chưa thực sự cảm nhận được thành quả của việc lạm phát được kiềm chế.

Siêu thị: 20 ngàn mặt hàng không hề giảm

 

Lãnh đạo các hệ thống phân phối lớn tại Hà Nội đều phản ánh, đến nay vẫn chưa có nhà cung cấp nào điều chỉnh giá sản phẩm theo hướng giảm. Mặt bằng giá vẫn giữ như cũ, thậm chí một số ít mặt hàng trong tuần gần đây còn tăng giá nhẹ.
 
Siêu thị giữ giá, hàng ăn lên không xuống

 

Bà Vũ Thị Hậu - hệ thống siêu thị Fivimart - cho biết, trung tuần tháng 6, 14 siêu thị thuộc hệ thống này đã áp dụng giảm giá một số mặt hàng thực phẩm như nước mắm, dầu ăn Neptune, Simply, đồ hộp Hạ Long, gia cầm của công ty CP trong khoảng từ 1-9%. Còn thực tế 20.000 mặt hàng của gần 1.000 nhà cung cấp vẫn chưa có thông báo giảm giá. Thậm chí, hệ thống lại đang ghi nhận chiều hướng nhích giá nhẹ từ 3 - 5%, đến 7% của một số sản phẩm bánh kẹo trong nước.

 

Bà Đinh Thị Nga - Giám đốc Ban Quản lý siêu thị Công ty Cổ phần Intimex Việt Nam - cho biết, giá đầu vào 20.000 mặt hàng của siêu thị này (trong đó chiếm 60% là hàng thực phẩm) chưa thấy giảm tương đồng với CPI.

 

Bà Trần Huyền - hệ thống siêu thị Co.op Mart - cũng thừa nhận, gần như chưa thấy nhà cung cấp nào độc lập và chủ động điều chỉnh giá theo hướng giảm.

 

Chỉ số CPI giảm nhưng giá hàng hóa không giảm. Điều đó cho thấy mối liên quan lỏng lẻo, không phản ánh hết được diễn biến giá cả thị trường của CPI. Trong khi đó, chính các nhà phân phối cũng khẳng định chưa có tín hiệu nhìn thấy xu hướng giảm giá nào trong thời gian tới.

 

Một điểm đáng chú ý khác mà giới kinh doanh siêu thị ghi nhận đó là rất ít xuất hiện tình trạng hàng hóa tồn đọng cũng như áp lực xả hàng của nhà sản xuất, cung ứng ở nhóm hàng lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu.

 

"CPI âm như một dạng giảm phát do người dân ngày càng co chặt chi tiêu. Còn giá cả trong nước thường tăng nhanh, giảm khó. Xăng dầu giảm không đáng kể nhưng lương và các chi phí vẫn tăng. Các chỉ số kinh tế hiện nay cũng chưa có gì để nói mặt bằng giá tới đây sẽ giảm. Ngay cả lãi suất ngân hàng nói là giảm nhưng thực sự đã giảm đâu" - bà Đinh Thị Nga nhận xét.

 

Hiện tại, rổ hàng hóa tính CPI của Việt Nam được đại diện bằng gần 500 mặt hàng, chia làm 10 nhóm hàng với tỷ trọng được tính toán theo cơ cấu chi tiêu cho đời sống tiêu dùng của người dân. Theo đó, các mặt hàng ăn và dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng cao nhất là 42,85%. Nhà ở và vật liệu xây dựng, bao gồm cả điện, nước, chất đốt chiếm 9,99%; thiết bị, đồ dùng gia đình chiếm 8,62%; may mặc, mũ nón, giày dép chiếm 7,21%... Nhu cầu dành cho ăn, mặc, ở, đồ dùng gia đình chiếm tỷ trọng 60 - 70% trong rổ hàng hóa. Vì thế, khi các nhà sản xuất các mặt hàng nói trên chưa có tín hiệu giảm giá thì người dân chưa thực sự được hưởng lợi từ lạm phát giảm.

 

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội -  đúc kết, chỉ số giá tiêu dùng CPI chỉ đại diện cho 50% mức sinh hoạt cuộc sống nói chung. Riêng lương thực, thực phẩm cũng đã có đến cả nghìn loại, không gói gọn như danh mục mặt hàng mà Tổng cục Thống kê tính nên CPI chưa phản ứng hết được thực tế.

 

Hàng ăn: Chỉ lên không xuống

 

Có một nghịch lý ai cũng thấy là khi giá xăng dầu tăng thì ngay lập tức giá dịch vụ ăn uống lao theo, thậm chí tăng cao gấp mấy lần giá xăng dầu. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu giảm 4 lần liên tiếp mà giá dịch vụ ăn uống từ cao cấp đến bình dân không hề giảm đi dù chỉ một ít.
 
Siêu thị giữ giá, hàng ăn lên không xuống

 

Khảo sát tại một số quán cơm bình dân tại địa bàn quận Cầu Giấy, giá cho mỗi suất cơm tại đây dao động từ 25.000 - 35.000 đồng, các quán cơm văn phòng giá 40.000 - 60.000 đồng/suất...

 

Chị Kim Thoa - nhân viên một ngân hàng ở Cầu Giấy, Hà Nội - cho biết: "Ngày trước, lấy lý do tăng giá xăng, quán phở ở ngõ 165 Xuân Thủy tăng dần từ 25.000 đồng lên 35.000 đồng/bát. Nay xăng giảm được 2.600 đồng/lít, giá thực phẩm đầu vào giảm nhưng phở vẫn không chịu giảm".

 

Anh Nguyễn Nhật Minh - sinh viên năm 3 Đại học Quốc gia HN - bức xúc: "Ba năm ăn cơm bụi, em chỉ thấy tăng chứ chưa bao giờ thấy giảm giá khi xăng giảm. Năm đầu xuống đây giá chỉ 12.000 - 15.000 đồng/suất, giờ lên tới 25.000 - 30.000 đồng/suất, hôm nào gọi thêm chút nữa giá còn lên tới 35.000 đồng/suất".

 

Anh Nguyễn Thành Long - Nhà D5, Nghĩa Đô, Cầu Giấy - bức xúc, hầu hết các nhà hàng, dịch vụ ăn uống chỉ có tăng chứ không bao giờ có chuyện giảm. Đơn cử, quán lẩu ếch tại phố Trúc Bạch đã nâng giá từ 450.000 đồng lên 500.000 đồng/nồi cho 4 người ăn với lý do ngoài giá xăng, giá thực phẩm nhân công đều tăng cả. Nay giá xăng, thực phẩm đã giảm mà chẳng thấy giảm theo.

 

Hết lấy lý do giá xăng, giá thực phẩm đầu vào, nhiều chủ quán lại lấy lý do hàng ế, giá nhân công bây giờ thuê cao gấp đôi, chi phí thuê nhà, các chi phí khác tăng cao. Tuy nhiên, có nhiều chủ quán cũng tiết lộ: Quán ăn vào giờ cao điểm lúc nào cũng đông khách, có khi kín chỗ. Hầu hết khách chỉ quan tâm tới món ăn chứ không để ý tới chuyện tăng giảm. Có khách thắc mắc nhưng sau đó vẫn vui vẻ trả tiền.

 

Trong khi đó, dù đa số hàng nông sản giảm giá thì vẫn có những loại thủy sản, hoa quả và hàng chế biến tăng lên. Các loại thực phẩm đông lạnh, thực phẩm qua chế biến như: chả cá, cá đông lạnh các loại... giá cũng không hề giảm.

 

Tương tự, mặt hàng hoa quả không những không giảm giá so với tháng trước mà tháng này, một số loại hoa quả còn tăng, có loại giá tăng gần gấp đôi. Tăng mạnh nhất là các loại quả như mận, vải, đào, giá tháng 6 cao gấp đôi so với tháng 5. Hiện mận giá 30.000 - 35.000 đồng/kg, vải 30.000 đồng/kg, đào 30.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại.

 

Tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội, giá các mặt hàng lương thực vẫn giữ nguyên. Bác Ngọc Hà ở đường Bưởi (Ba Đình, Hà Nội) mua gạo tại siêu thị Metro Thăng Long, cho biết: "Tháng trước mua loại gạo xi dẻo ở đây giá gần 15.000 đồng/kg, tháng này đi xem giá vẫn thế. Nghe nói giá lúa gạo đang giảm mạnh nhưng dân đi mua gạo ở đây vẫn phải chịu giá cao chứ chẳng được giảm đồng nào".

 

Hiện trên thị trường gạo tám Thái Lan có giá 21.100 đồng/kg, gạo tám Điện Biên giá 21.000 đồng/kg, xi dẻo giá 15.000 đồng/kg, bắc hương giá gần 18.000 đồng/kg...

 

Các loại thực phẩm khô qua chế biến như mỳ, bún, phở giá cũng không chịu giảm. Tại siêu thị Fivimart, mỳ Hảo Hảo có giá 3.600 đồng/gói, mỳ Tiến Vua, Gấu Đỏ 3.500 đồng/gói, mỳ Omachi 5.800 đồng/gói, mỳ gạo chũ 19.800 đồng/gói/500g, bún đao 21.800 đồng/gói/400g... Thậm chí, giá tại các hàng bán lẻ còn cao hơn 200 - 500 đồng/gói. Như vậy, giá đến tay người dân không giảm mà còn tăng.

 

Chủ một đại lý ở phố Trần Cung (Hà Nội) cho biết: "Việc giảm giá phụ thuộc vào nhà cung cấp. Hiện tại, chưa thấy nhà cung cấp nào báo giảm giá mà chỉ thỉnh thoảng có đợt khuyến mãi tặng kèm của nhà cung cấp thôi. Hết đợt khuyến mãi giá lại về như cũ".

 

Theo Nguyễn Nga - Bảo Hân

VEF