Siêu máy bay Boeing 787 sẽ được bay trở lại trong tuần này

(Dân trí) - Sau nhiều tháng bị đình bay, siêu máy bay Boeing 787 có thể sẽ trở lại bầu trời trong tuần này sau khi Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) phê chuẩn thiết kế mới cho hệ thống pin, vốn là nguyên nhân chính gây sự cố khiến mẫu máy bay này bị cấm bay.

Thông tin được hãng tin AP đăng tải. Theo đó hôm thứ Sáu vừa qua (theo giờ địa phương) FAA cho biết sẽ gửi các chỉ dẫn hàng không và ra thông báo trong tuần này về việc dỡ bỏ lệnh đình bay có hiệu lực suốt 3 tháng qua.

Being 787 sắp có thể trở lại bầu trời
Being 787 sắp có thể trở lại bầu trời

Theo đó các hãng hàng không sẽ được phép nối lại các chuyến bay sử dụng máy bay Boeing 787 Dreamliner ngay khi hệ thống pin mới được lắp đặt và được cơ quan an toàn hàng không nước sở tại phê chuẩn. Dự kiến các chuyến bay của Dreamliner có thể được cất cánh trong vòng một tuần, đại diện FAA khẳng định với các thành viên quốc hội Mỹ.

Boeing hiện đang rất nóng lòng đưa mẫu máy bay này trở lại hoạt động. Theo kỹ sư trưởng của chiếc 787 này - Mike Sinnett, hãng đã bố trí 300 nhân viên thành 10 đội ở khắp thế giới để lắp đặt hệ thống pin mới. Sẽ phải mất khoảng 5 ngày để hoàn thành việc lắp đặt cho mỗi máy bay.

Trước đó, hồi tháng 3, FAA đã cho phép Boeing thử nghiệm hệ thống pin mới, được thế kế có thêm các lớp ngăn cách giữa các viên pin để ngăn khả năng một viên pin bị cháy hoặc chập có thể lan sang các viên khác.

Hệ thống mới cũng được cải tiến về khả năng thoát khói và khí gas từ bên trong pin ra bên ngoài máy bay. Hộp chứa pin mới cũng được gia cố để đảm bảo trong trường hợp có hỏa hoạn, lửa không lan ra cả máy bay.

Theo lãnh đạo FAA Michael Huerta, Boeing đã hoàn tất 20 thử nghiệm riêng lẻ đối với hệ thống mới. Hệ thống từng gây ra các tình huống khẩn cấp hồi tháng Giêng cũng được kiểm nghiệm kỹ lưỡng.

“Chúng ta luôn có thể biết được nhiều điều hơn khi tìm hiểu kỹ hơn”, ông Sinnett khẳng định. “Chúng tôi đã học được rất nhiều về cách kiểm tra pin cũng như sự thận trọng trong thử nghiệm”, ông Sinnett khẳng định.

Trước khi sự cố xảy ra với chiếc 787 của hãng hàng không Japan Airlines tại sân bay Logan ở thành phố Boston hôm 7/1, Boeing đã bàn giao 50 chiếc thuộc mẫu này cho 8 hãng hàng không ở 7 quốc gia. Chỉ sau đó 9 ngày, sự cố tại hệ thống pin lại khiến một chiếc của hãng All Nippon của Nhật phải hạ cánh khẩn cấp, dẫn đến việc Dreamliner bị đình bay trên toàn thế giới.

Quyết định trên của FAA và các cơ quan chức năng các nước là đòn giáng mạnh vào uy tín của Boeing bởi đây là lần đầu tiên kể từ năm 1979, một mẫu máy bay cụ thể bị FAA cấm bay vì lí do an toàn.

Việc bị đình bay cũng khiến hãng không thể tiếp tục bàn giao các máy bay tiếp theo trong số tổng cộng 840 chiếc được đặt hàng từng khắp thế giới. Tuy nhiên Boeing cho biết, “trong vài tuần tới”, việc giao hàng sẽ được nối lại sau khi hệ thống pin mới được lắp đặt. Mục tiêu của họ trong năm nay vẫn là bàn giao ít nhất 60 chiếc 787.

787 là mẫu máy bay mới nhất và được đánh giá là hiện đại nhất của Boeing. Đây là máy bay đầu tiên sử dụng hầu hết vật liệu composite, nhẹ hơn hợp kim nhôm truyền thống. 787 cũng được trang bị nhiều hệ thống điện tử hơn bất kỳ mẫu máy bay nào khác để thay thế cho các hệ thống thủy lực hoặc cơ.

Đây cũng là mẫu máy bay đầu tiên sử dụng hoàn toàn pin lithium ion, có trọng lượng nhẹ hơn và sạc nhanh hơn, tích được nhiều năng lượng hơn các loại pin khác.

Boeing 787 có hai hệ thống pin lithium-ion giống hệt nhau, một được đặt ở phía trước để cấp điện cho hệ thống điện trong buồng lái. Hệ thống còn lại được đặt ở phía đuôi để khởi động một thiết bị điện dự phòng trong lúc máy bay ở trên mặt đất.

Trong vụ hỏa hoạn tại Boston, hệ thống pin ở đuôi đã phát hỏa và gây khói mù mịt bên trong máy bay. Trong khi đó sự cố với chiếc 787 ở Nhật xảy ra với hệ thống pin phía trước. Các điều tra viên của Ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ cho biết sự cố xảy ra tại Boston là do 1 trong 8 viên pin trong hệ thống, khiến nhiệt độ tăng vượt mức kiểm soát và làm chập các viên pin còn lại.

Thanh Tùng
Theo AP