Siêu máy bay Boeing 787 bị cấm cất cánh tại Mỹ
(Dân trí) - Ngày 16/1, Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã quyết định tạm thời cấm tất cả các máy bay Boeing 787 Dreamliners cất cánh cho đến khi các nguy cơ gây cháy liên quan đến hệ thống pin được khắc phục.
Boeing 787 phải hạ cánh khẩn cấp tại Nhật hôm 16/1
Lệnh cấm trên được FAA đưa ra trong bối cảnh 2 hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản đã tuyên bố tạm ngừng sử dụng 24 máy bay Boeing 787 sau hàng loạt sự cố từ đầu tháng đến nay. Quyết định của FAA cũng đồng nghĩa với việc 30 trong tổng số 50 chiếc Boeing 787 hiện có trên thế giới không được phép cất cánh.
“Sau vụ việc xảy ra với pin của chiếc Boeing 787 khi đang bay tại Nhật Bản hôm nay, FAA sẽ ban bố một Chỉ lệnh kỹ thuật khẩn cấp (EAD) để làm rõ những rủi ro gây hỏa hoạn tiềm tàng của hệ thống pin trên chiếc 787 và yêu cầu các nhà khai thác tạm ngừng sử dụng”, thông báo của FAA viết.
“Trước khi thực hiện các chuyến bay mới, các hãng hàng không đăng ký hoạt động tại Mỹ phải chứng minh được với FAA rằng hệ thống pin trên máy bay Boeing 787 là an toàn”.
United Airlines, hãng hàng không lớn nhất thế giới và cũng là hãng hàng không Mỹ duy nhất sử dụng Boeing 787 với tổng cộng 6 chiếc khẳng định sẽ tuân thủ thông báo của FAA. “United sẽ ngay lập tức tuân thủ Chỉ lệnh kỹ thuật khẩn cấp và phối hợp chặt chẽ với FAA cũng như Boeing để rà soát về kỹ thuật trong quá trình đưa các máy bay 787 trở lại hoạt động”, thông báo của United Airlines viết.
Trước đó trong ngày 16/1, một máy bay của hãng hàng không All Nippon Airways (ANA) của Nhật đã phải hạ cánh khẩn cấp tại tỉnh Takamatsu, phía Tây Nam Nhật Bản khi hệ thống pin bốc khói và trong khoang có mùi lạ. Hành khách và phi hành đoàn phải sơ tán khẩn cấp qua các cửa thoát hiểm.
ANA cho biết các thiết bị trong khoang lái của máy bay đã phát hiện có khói bên trong một khoang thiết bị điện ở phía trước. Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản Akihiro Ota đã gọi đây là “một sự cố nghiêm trọng có thể dẫn tới tai nạn nghiêm trọng”. Trước đó một chiếc 787 cũng của hãng hàng không này đã phát hỏa tại sân bay Boston của Mỹ. Hiện ANA đang sở hữu 17 chiếc 787 còn đối thủ của họ là Japan Airlines sở hữu 7 chiếc.
“Nguyên nhân của các sự cố hiện vẫn đang được điều tra”, FAA khẳng định. “Tình trạng này, nếu không được khắc phục, có thể hủy hoại các hệ thống thiết yếu cũng như các cấu trúc và có khả năng gây hỏa hoạn cho hệ thống điện”. Cơ quan này cũng cho biết sẽ khuyến cáo cơ quan chức năng các nước cũng như cộng đồng hàng không quốc tế có các biện pháp tương tự.
Khi ra đời, Boeing 787 được xem như một cột mốc quan trọng của ngành hàng không khi sử dụng vật liệu nhẹ và hệ thống điều khiển điện tử thay cho vật liệu bằng nhôm và hệ thống thủy lực như trước đây. Thiết kế mới này giúp máy bay tiết kiệm nhiên liệu. Hiện Boeing đã được đặt hàng gần 850 chiếc nhưng việc giao hàng liên tục bị trì hoãn.
Sau khi có tin xấu từ Nhật Bản cổ phiếu của Boeing đã lao dốc 3,4% dù quyết định của FAA chưa được công bố. Sau giờ giao dịch chính thức, cổ phiếu của hãng này tiếp tục sụt 1,9%, kéo chỉ số Dow Jones đi xuống.
Thanh Tùng
Theo AFP và Bloomberg