Siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng: Đột biến hay vốn ảo, hồi sau sẽ rõ!
(Dân trí) - Tuần qua, thông tin một cá nhân lập doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng (hơn 21,7 tỷ USD) tại TPHCM gây xôn xao. Đáng nói, "tỷ phú" này có lối sống ẩn dật khi đang ở nhà cấp 4, kinh doanh quần áo online.
8X lập siêu doanh nghiệp vốn gấp 3 lần tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Nếu số tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam được Forbes đánh giá là 7,3 tỷ USD tương ứng với số cổ phần, cổ phiếu của Vingroup, tuy nhiên, Nguyễn Vũ Quốc Anh (1986) người lập siêu doanh nghiệp với số vốn hơn 500.000 tỷ đồng (hơn 21,7 tỷ USD), vốn góp hơn 499.998 tỷ đồng.
Phân tích số vốn góp tự có theo đăng ký, 8X này "bỏ xa" tỷ phú Phạm Nhật Vượng 3 bậc và trở thành người giàu nhất Việt Nam thời điểm hiện tại.
Điều đáng nói, Nguyễn Vũ Quốc Anh ngoài lập siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng còn lập liên tiếp 5 doanh nghiệp trong tháng 5/2021 với số vốn hàng trăm triệu USD đến tỷ USD. Cá nhân này trả lời báo chí khẳng định số vốn thực và sắp tới sẽ lập thêm 17 công ty khác.
Việc đăng ký thành lập một doanh nghiệp về bản chất được pháp luật cho phép với số vốn tối đa. Sau 90 ngày, cá nhân, pháp nhân phải thực hiện đầy đủ vốn góp. Trường hợp không thực hiện đúng, đủ sẽ bị xử lý hành chính theo quy định.
Bộ KH&ĐT lên tiếng về "siêu" doanh nghiệp
Trao đổi nhanh với Dân trí, đại diện Cục Quản lý Đăng ký , Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng: Doanh nghiệp được quyền tự do đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký. Điều kiện là sau 90 ngày quy định phải nộp đúng số tiền quy định để hoàn tất các thủ tục đăng ký kinh doanh.
"Việc đăng ký kinh doanh và số vốn bao nhiêu là quyền của mỗi pháp nhân. Bộ KH&ĐT tôn trọng quyền khởi sự kinh doanh của mỗi cá nhân, pháp nhân. Tuy nhiên, người đăng ký kinh doanh phải thực hiện và đảm bảo thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật và sẽ bị ràng buộc bởi các quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến đầu tư tại Nghị định số 50" - đại diện Bộ KH&ĐT nêu.
Nếu đột biến, vốn ảo sẽ bị phạt
Hiện tại, Việt Nam có một Luật và hai Nghị định hướng dẫn xử phạt các hành vi vi phạm về đăng ký đầu tư, kinh doanh.
Trong đó có Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định 50/2016/NĐ-CP về xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư đều ghi rõ các hành vi xử phạt sai phạm liên quan đến đầu tư và kinh doanh.
Mức phạt cao nhất của đối tượng này chủ yếu là hành chính từ 10-20 triệu đồng và các hình phạt bổ sung khác cao nhất không quá 15 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang phải chống dịch, trường hợp cá nhân đăng ký đột biến cần có sự giám sát. Nếu phát hiện cố tình, cố ý gây nhiễu loạn thông tin, cần có cơ chế, xử phạt thích đáng để răn đe, tránh trường hợp bùng phát vi phạm.
Trình báo công an vụ việc?
Một số nguồn tin cho biết việc cá nhân đăng ký số vốn siêu khủng đã được thông báo cho Công an TPHCM và Bộ Công an để giám sát, xử lý.
Tuy nhiên, trả lời PV Dân trí, ông Cù Thành Đức - Phó trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh, Sở KH&ĐT TPHCM - cho hay: "Chúng tôi cấp đăng ký kinh doanh xong chuyển sang các cơ quan Nhà nước cấp thẩm quyền, phối hợp cùng với họ để giám sát, theo dõi việc góp vốn của doanh nghiệp"
Về thông tin Sở KH&ĐT TPHCM báo cáo Công an TPHCM và Bộ Công an do trường hợp đăng ký toàn doanh nghiệp khủng, siêu doanh nghiệp, ông Đức cho biết hiện chưa rõ về thông tin gửi công an về trường hợp cá nhân lập hàng loạt doanh nghiệp "siêu khủng" hay không. Ông này cho biết thêm đây là thông tin "mật", không tiết lộ.
"Quan điểm của Sở là báo cáo lên cơ quan công an là rất nhạy cảm, bởi đăng ký kinh doanh bắt chuyển công an làm gì? Sẽ rất ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh vì chúng ta đã có đầy đủ các quy định pháp luật rồi" - Phó trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh, Sở KH&ĐT TPHCM nói.
Không thể một người bệnh mà bắt cả làng uống thuốc!
Theo quan điểm của ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), vụ việc lập doanh nghiệp vốn "khủng" này xét về bản chất là hoạt động bình thường. Dư luận cứ xôn xao lên, nhưng hãy để các cơ quan quản lý vào việc.
"Quyền đăng ký kinh doanh, khai vốn là pháp luật thừa nhận, đừng kết tội họ, cũng đừng cho đây là một sự kiện, một "trend" để rêu rao tên tuổi, doanh nghiệp và xu hướng. Hãy coi là điều bình thường. Anh làm được, chúng tôi thừa nhận. Anh không làm được, làm sai, khai báo gian dối có pháp luật xử lý hành chính, thậm chí có thể chuyển tội danh hình sự nếu cố ý" - Phó Viện trưởng Viện CIEM cho hay.
Về một số ý kiến cho rằng có thể tính đến việc sửa quy định, ông Hiếu nói trong lịch sử lập nước, chỉ có một đến hai trường hợp như vậy thì "làm sao phải sửa luật, tại sao phải sửa, luật không có lỗi gì".
"Nếu họ sai thì cũng không phải sửa luật, vì giả sử có một người bệnh sao bắt cả làng uống thuốc được?" - ông Hiếu nêu rõ