Vụ công ty 500.000 tỷ đồng: Một người bệnh sao bắt cả làng uống thuốc?

Nguyễn Tuyền

(Dân trí) - Theo giới chuyên gia, vụ lập "siêu" doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng không cần thiết làm "nóng", đẩy dư luận, cũng không cần bàn đến sửa luật vì "giả sử có một người bệnh sao bắt cả làng uống thuốc được".

Đại diện VCCI: Sự việc bình thường, không nên tạo dư luận

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, hiện tự do kinh doanh là một quyền quan trọng được ghi nhận trong Hiến pháp. Nhà nước có nghĩa vụ ghi nhận việc tham gia kinh doanh của các cá nhân, tổ chức.

Vụ công ty 500.000 tỷ đồng: Một người bệnh sao bắt cả làng uống thuốc? - 1

Cơ ngơi nhà cấp 4, nơi Nguyễn Vũ Quốc Anh, người đứng tên lập siêu doanh nghiệp hàng chục tỷ USD, triệu USD sinh sống và đặt trụ sở một số công ty của mình (Ảnh: Việt Đức).

"Giấy đăng ký kinh doanh không phải là giấy phép mà chỉ là một giấy chứng nhận từ phía Nhà nước. Nó chỉ là sự ghi nhận từ phía Nhà nước là có doanh nghiệp muốn ra kinh doanh với số vốn dự kiến như vậy, nó giống giấy khai sinh của con người", ông Tuấn nói. 

Việc gia nhập thị trường tự do đã tạo ra những thay đổi tích cực của Việt Nam, hình thành cả một thế hệ doanh nghiệp tư nhân đông đảo, tạo ra động lực cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa rồi.

Theo ông Tuấn, hệ thống đăng ký kinh doanh của Việt Nam có nghĩa vụ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng đồng thời có những động thái giám sát, thanh tra thường xuyên về tiến độ vốn góp.

Theo luật, doanh nghiệp có 90 ngày để nộp đủ số tiền đã đăng ký. Sau 90 ngày này nếu chưa thực hiện được, doanh nghiệp vẫn có thêm 60 ngày tiếp theo để bắt buộc điều chỉnh vốn giảm. "Nếu anh không thực hiện sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định", ông Tuấn nói. 

Theo chuyên gia này, nếu như doanh nghiệp, cá nhân nào khai khống vốn kinh doanh lên để lừa đảo bên thứ ba, lừa dối Nhà nước để trúng thầu… thì lại là câu chuyện khác. Đây là căn cứ để Nhà nước xử phạt theo các quy định khác, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Với cách làm như vậy, ai muốn kinh doanh cũng được, cũng dễ nhưng những trường hợp có dấu hiệu bất thường sẽ được chú ý hơn. Nhà nước sẽ tập trung quản lý ở khâu này. Cách làm như vậy là khôn ngoan, không tạo ra rào cản", ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Theo ông, giả định các thành viên doanh nghiệp này không nộp đủ vốn, bị xử phạt vi phạm hành chính thì những cá nhân này về sau khi tham gia thành lập doanh nghiệp, kinh doanh sẽ được liệt vào nhóm rủi ro cao, sẽ bị các cơ quan Nhà nước quản lý chặt hơn.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng vụ việc lập doanh nghiệp vốn "khủng" này, xét về bản chất, là hoạt động bình thường. "Dư luận cứ xôn xao lên nhưng hãy để các cơ quan quản lý vào việc", ông nói. 

"Trước mắt, các cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cấp địa phương cần thực hiện các bước như hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp xem họ kê khai đúng, đủ hay chưa; hỏi họ xem có cần hỗ trợ gì không về hành lang chính sách để thực hiện đúng nghĩa vụ trong 90 ngày. Sau 90 ngày mới là các giải pháp khác như rà soát, giám sát xem việc doanh nghiệp này có thực hiện đúng, đủ hay không và cuối cùng mới là các giải pháp xử lý theo trình tự pháp luật", theo chuyên gia CIEM. 

Một người bệnh sao bắt cả làng phải uống thuốc?

"Quyền đăng ký kinh doanh, khai vốn là pháp luật thừa nhận, đừng kết tội họ, cũng đừng cho đây là một sự kiện, một "trend" để rêu rao tên tuổi, doanh nghiệp và xu hướng. Hãy coi là điều bình thường. Anh làm được, chúng tôi thừa nhận. Anh không làm được, làm sai, khai báo gian dối có pháp luật xử lý, hành chính thậm chí có thể chuyển tội danh hình sự nếu cố ý", Phó Viện trưởng Viện CIEM cho hay.

Về một số ý kiến cho rằng có thể tính đến việc sửa quy định, ông Hiếu nói trong lịch sử lập nước, chỉ có 1-2 trường hợp như vậy thì "làm sao phải sửa luật, tại sao phải sửa, luật không có lỗi gì". 

"Nếu họ sai thì cũng không phải sửa luật vì giả sử có một người bệnh sao bắt cả làng uống thuốc được?", ông Hiếu bày tỏ. 

Trao đổi với Dân trí, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Anvi, cho rằng sự việc này chỉ có thể rơi vào hai trường hợp: Một là chưa góp vốn. Hai là đã góp một phần hoặc toàn bộ bằng tài sản không phải là tiền nhưng định giá tài sản vống lên hàng nghìn, thậm chí hàng triệu lần.

"Hành vi vi phạm trong việc góp vốn thành lập doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng nếu sau 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp "không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký" theo quy định tại khoản 3, Điều 28 về "Vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp", Nghị định số 50/2016 ngày 1/6/2016 của Chính phủ "Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư", Luật sư Đức cho biết.

Ngoài ra, theo ông Đức, nếu là trường hợp "Cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế", số tiền bị phạt sẽ là 20 - 30 triệu đồng theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 28 nêu trên.

Chuyên gia này cho hay, thanh tra Kế hoạch và Đầu tư có thẩm quyền xử phạt vi phạm nêu trên và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ bằng số vốn đã góp và buộc định giá lại tài sản góp vốn và đăng ký vốn Điều lệ phù hợp với giá trị thực tế của tài sản góp vốn.

Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, người đứng tên lập doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng tại TPHCM, cho biết hiện có 17 công ty, cùng 20 nhân sự và có doanh thu hàng trăm triệu USD/tháng.

Tuy nhiên, cơ sở kinh doanh của người này chỉ là nhà cấp 4 tại phường Phước Bình, TP Thủ Đức, TPHCM. Đáng nói, theo báo Tiền Phong, ngôi nhà nhân vật này đang ở tại quận Thủ Đức, TPHCM, cũng là trụ sở công ty bán thực phẩm chức năng, túi xách, giày dép qua mạng.