Siết ngân hàng đầu tư vào trái phiếu: Tin tích cực cho thị trường?
(Dân trí) - Quy định mới về việc ngân hàng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp có thể tác động tích cực đến thị trường dù vẫn còn một số điểm chưa được đề cập trong bối cảnh nợ xấu trái phiếu tăng từng ngày.
Trước việc hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng đang cho thấy phát sinh tiềm ẩn rủi ro, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi quy định về việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
Một số điểm mới được lấy ý kiến có thể kể đến như quy định hệ số nợ phải trả của doanh nghiệp phát hành, việc mua lại trái phiếu chưa niêm yết, sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt để mua trái phiếu…
Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinRatings - đơn vị chuyên về xếp hạng tín nhiệm - cho rằng dự thảo Thông tư sửa đổi lần này đưa ra một số quy định bổ sung, sửa đổi mang tính chặt chẽ hơn. Bên cạnh các quy định mang tính siết đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng về dài hạn, cơ quan điều hành đã đề xuất một số quy định nhằm hỗ trợ thị trường trái phiếu năm nay.
Tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát chất lượng tín dụng
Đánh giá về đề xuất cho phép các ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có mục đích bổ sung vốn lưu động khi quản lý được nguồn thu từ hoạt động kinh doanh và thu thập đầy đủ tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn lưu động, ông Thuân cho rằng đây là tin tức cực với thị trường.
Theo ông, điểm này góp phần giúp các ngân hàng đầu tư trái phiếu của các doanh nghiệp nhằm bổ sung vốn lưu động, thay vì phải gắn với phương án phát hành cụ thể - thường chỉ được xác định cho các chương trình, dự án đầu tư tài sản cố định.
Việc các ngân hàng được phép mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên UpCOM, theo ông Thuân, là vấn đề có ý nghĩa nhất được đề cập trong dự thảo, trong bối cảnh áp lực mua lại trái phiếu thời gian vừa qua khi nhà đầu tư yêu cầu tất toán trước hạn.
"Điều này nhằm tháo gỡ áp lực mà một số tổ chức tín dụng đang gặp phải do trước đó đã phân phối cho nhà đầu tư trong khi tổ chức phát hành gặp khó khăn về dòng tiền và không thể mua lại", ông Thuân cho hay.
Theo vị chuyên gia, điều này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát chất lượng tín dụng.
Trong bối cảnh thị trường thứ cấp tập trung trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chưa đi vào hoạt động, đề xuất này, nếu được thông qua sẽ góp phần giảm loại trái phiếu "trôi nổi" đang được sở hữu bởi nhà đầu tư cá nhân với thông tin "mù tịt" về tổ chức phát hành do doanh nghiệp chưa niêm yết.
Một thông tin đáng chú ý khác trong dự thảo là việc ngân hàng phải sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp cho doanh nghiệp hoặc bên bán trái phiếu doanh nghiệp. Về nội dung này, ông Thuân đánh giá, sẽ kiểm soát giao dịch và mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp thuận tiện hơn trong quá trình giám sát tín dụng và quản trị rủi ro, tránh tình trạng giao dịch tiền mặt dẫn đến mục đích sử dụng vốn khó có thể đảm bảo việc xác minh và đánh giá.
Làm chặt hơn với thị trường trái phiếu
Bên cạnh các điểm tạo thuận lợi cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Thuân cũng đánh giá một số đề xuất sửa đổi của Ngân hàng Nhà nước mang tính chặt chẽ hơn với thị trường.
Cụ thể, dự thảo bổ sung quy định ngân hàng chỉ có thể mua trái phiếu doanh nghiệp khi hệ số nợ/vốn chủ sở hữu (bao gồm cả khối lượng trái phiếu doanh nghiệp dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần dựa trên báo cáo tài chính gần nhất đã được kiểm toán. Điều này có nghĩa các doanh nghiệp có mức đòn bẩy tài chính cao hơn mức lớn hơn 5 lần sẽ không thuộc đối tượng được ngân hàng mua trái phiếu.
"Điều này tránh việc nhiều doanh nghiệp là công ty dự án có đòn bẩy rất cao, lên đến chục và vài chục lần mặc dù đáp ứng các tiêu chí phát hành trái phiếu của Nghị định 153 hoặc sửa đổi với Nghị định 65 sẽ không được ngân hàng mua nữa", ông Thuân cho hay.
Ngân hàng còn dư địa tăng tín dụng bất động sản?
Đánh giá tích cực với các điểm mới được Ngân hàng Nhà nước đưa vào dự thảo lần này, song chủ tịch đơn vị xếp hạng tín nhiệm trên vẫn cho rằng việc quan trọng nhất đối với vấn đề nợ trái phiếu hiện nay là nhu cầu tái tài trợ hoặc cơ cấu lại nợ vẫn chưa được dự thảo sửa đổi đề cập, nhất là trong bối cảnh nợ xấu trái phiếu đang tăng từng ngày.
"Nếu dự thảo sửa đổi Thông tư 16 này được giữ nguyên thì chưa có tác động nhiều đến việc giải quyết vấn đề trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, trong đó có vấn đề tín dụng bất động sản", ông Thuân cho hay.
Ông đánh giá áp lực lên nợ xấu sẽ sinh ra trong thời gian tới đây nếu như không được tái cơ cấu. "Do đó, tác động chéo sang chất lượng tín dụng của ngân hàng là hiện hữu", ông Thuân nhận định.
Chi tiết hơn, chuyên gia cho biết khi một doanh nghiệp chậm trả trái phiếu, sau đó sẽ có khả năng chậm trả nợ ngân hàng và khi quá hạn 91 ngày thì vào nhóm 3, mức lập dự phòng 20% và trên 181 ngày thì vào nhóm 4, mức lập dự phòng 50% và mức xấu nhất là nếu chậm trả lớn hơn một năm thì nhảy nợ sang nhóm 5 với mức lập dự phòng nợ xấu là 100%.
"Đây là vấn đề nên được đánh giá cụ thể và có những chính sách tiếp theo để có thể giải quyết vấn đề trái phiếu doanh nghiệp hiện nay và giảm thiểu rủi ro sang nợ xấu tín dụng ngân hàng", ông Thuân nói.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng đặt ra câu chuyện liên quan đến dư địa để ngân hàng tăng sở hữu trái phiếu doanh nghiệp nói chung và tín dụng bất động sản nói riêng.
Theo thống kê của FiinRatings, trong số 789.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng đang lưu hành của 757 tổ chức phát hành, riêng 28 ngân hàng niêm yết sở hữu khoảng 256.000 tỷ đồng - khoảng 29% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành.
Tính tỷ trọng trên tổng dư nợ, lượng trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng đang sở hữu chỉ chiếm khoảng 3% tổng dư nợ nhưng tổng tín dụng cho chủ đầu tư/kinh doanh bất động sản ở mức 807.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022, tương ứng 7% tỷ trọng tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.