Sếp phạm luật, ngân hàng sẽ bị kiểm soát đặc biệt

(Dân trí) - Dự thảo Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu đưa ra nhiều trường hợp mà tổ chức tín dụng lâm vào, cao nhất sẽ bị Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Theo dự thảo, tổ chức tín dụng yếu kém là tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đặt vào kiểm soát đặc biệt. Kiểm soát đặc biệt là việc một tổ chức tín dụng bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước. Một tổ chức tín dụng bị coi là yếu kém và được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt khi rơi vào các trường hợp như: mất khả năng thanh toán; có nguy cơ mất khả năng chi trả; hay lãnh đạo cấp cao (như hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, tổng giám đốc...) vi phạm pháp luật...

Đặc biệt, dự thảo đưa ra nhiều trường hợp, mà tổ chức tín dụng lâm vào một trong số đó thì Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.


Dự thảo Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu đưa ra nhiều trường hợp mà tổ chức tín dụng lâm vào, cao nhất sẽ bị Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt (ảnh minh họa).

Dự thảo Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu đưa ra nhiều trường hợp mà tổ chức tín dụng lâm vào, cao nhất sẽ bị Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt (ảnh minh họa).

Đó là tình huống tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán; có nguy cơ mất khả năng chi trả; có nguy cơ mất khả năng thanh toán, bao gồm cả trường hợp nợ không có khả năng thu hồi hoặc mô hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro hoặc hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) vi phạm pháp luật.

Trong đó dự thảo đặt ra tình huống lãnh đạo cấp cao vi phạm pháp luật, gặp rủi ro pháp lý thì tổ chức tín dụng đó có thể bị Ngân hàng Nhà nước xem xét để quyết định đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt hay không.

Ngoài ra, nhiều trường hợp khác cũng bị xem xét là khi số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất; hai năm liên tục bị xếp loại ở mức xếp loại thấp nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Các tổ chức tín dụng khi lâm vào tình trạng không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn một năm liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong thời hạn 6 tháng liên tục cũng thuộc diện xem xét nói trên.

Khi rơi vào tình trạng trên, ngân hàng yếu kém phải thuê kiểm toán độc lập để đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị thực của vốn điều lệ. Căn cứ kết quả này, ban kiểm soát đặc biệt sẽ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định giá trị và mức vốn cần được bổ sung để bảo đảm giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định.

Nếu ngân hàng này không hoàn thành tăng vốn trong thời hạn đặt ra của cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng, trình Chính phủ quyết định phương án mua bắt buộc với giá 0 đồng.

Việc xem xét đặt vào diện kiểm soát đặc biệt cũng có thể từ cơ sở kiến nghị của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, hoặc theo đề nghị của tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, dự thảo cũng đưa hẳn một điều về miễn trừ trách nhiệm đối với người tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Cụ thể, dự thảo đưa ra hướng miễn trừ, khi tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, cán bộ, công chức Ngân hàng Nhà nước, thành viên ban kiểm soát đặc biệt, nhân sự của tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia hỗ trợ không chịu trách nhiệm pháp lý về kết quả của việc thực hiện các phương án xử lý tổ chức tín dụng yếu kém...

Trước đó, chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm 2016 của VietinBank sáng 9/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng tiết lộ, NHNN sẽ tập trung xây dựng Luật hỗ trợ, tái cơ cấu các ngân hàng và xử lý nợ xấu (tên Luật tạm gọi). Đây sẽ là hành lang pháp lý rõ ràng để toàn ngành ngân hàng yên tâm thực hiện đề án tái cơ cấu 5 năm.

Trong đó, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, Luật sẽ quy định chặt chẽ về vấn đề xử lý sở hữu chéo, quy định khắt khe, chặt chẽ hơn liên quan tới sở hữu cổ phần cổ phiếu để hạn chế thao túng, sử dụng ngân hàng để làm lợi ích cho công ty sân sau. Các quy chế an toàn cho hoạt động của ngân hàng cũng được tăng cường trong luật.

"Ví dụ, các cá nhân mua cổ phần ngân hàng phải chứng minh được nguồn thu nhập đó hợp pháp hợp lệ, không được sử dụng vốn vay dưới bất cứ hình thức nào. Cá nhân nào vi phạm các quy định thì vĩnh viễn không được tham gia quản trị điều hành ngân hàng", Thống đốc nhấn mạnh.

An Hạ