Sếp nhân sự hé lộ: Giám đốc cũng khó tìm việc, "mảng hot bớt ngáo giá"

Phương Liên

(Dân trí) - Làn sóng cắt giảm nhân sự chưa dừng lại, tình hình sa thải vẫn diễn ra tại nhiều lĩnh vực. Nhóm nhân sự chất lượng cao như giám đốc, quản lý cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi làn sóng này.

Tuyển 1 giám đốc vận hành, nhận được 80 hồ sơ xin việc 

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bà Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc miền Bắc của Công ty tuyển dụng Navigos Search, từ cuối năm 2022 đến nay, kinh tế thế giới gặp nhiều những biến động. 

Theo Linkedin, nhu cầu tuyển dụng của nhiều nước lớn trên thế giới đã sụt giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Singapore và Canada đều sụt giảm đến 40%. Nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của những biến động kinh tế thế giới.

Báo cáo mới nhất của công ty tuyển dụng trên cũng cho thấy có hơn 80% phần trăm doanh nghiệp tham gia khảo sát chia sẻ rằng họ chịu những tác động tiêu cực của các biến động kinh tế. Đáng chú ý, hơn 68% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng chọn giải pháp là sa thải nhân sự.

Bà Lan cho rằng hầu hết các ngành đều chịu tác động của nền kinh tế. Trong đó, điển hình là ngành dệt may, da giày, bất động sản, xây dựng, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng... Thậm chí, rất nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nước ngoài đã phải đóng cửa.

Trong tình trạng khó khăn đó, bên cạnh giải pháp giảm lương và ngưng các hoạt động tuyển dụng thì rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn giải pháp sa thải hoặc giảm lương, thưởng. 

"Không chỉ lao động phổ thông, lao động có kinh nghiệm bị sa thải mà nhiều nhân sự cấp cao cũng bị ảnh hưởng", bà Lan nhấn mạnh.

Sếp nhân sự hé lộ: Giám đốc cũng khó tìm việc, mảng hot bớt ngáo giá - 1

Nhiều doanh nghiệp lựa chọn giải pháp sa thải hoặc giảm lương, thưởng (Ảnh: Vector Stock).

Anh Hoàng (26 tuổi, Hà Nội), làm nhân viên công nghệ thông tin (IT) của một tập đoàn công nghệ, chia sẻ rằng ngành IT hiện có rất ít cơ hội cho người mới, thậm chí những người lương cao cũng bị sa thải. Anh Hoàng nói rằng không ít nhân sự trong ngành phải giảm mức lương 20-50% so với mức lương cũ thì mới có việc.

Anh cũng chia sẻ thêm rằng công ty cũ của anh vì không đủ chi phí nên đã buộc phải sa thải 70% nhân sự bao gồm cả quản lý cấp cao và nhân viên. Những nhân sự được giữ lại cũng phải đảm nhận khối lượng công việc lớn hơn. "Trong vòng 5 phút, cả team vào phòng họp, thông báo sa thải, thu dọn máy móc. Chóng vánh quá", anh Hoàng ngậm ngùi.

Bà Thái Hà, Giám đốc điều hành Jonh Hunt - một doanh nghiệp săn đầu người, cũng chia sẻ rằng nhiều nhân sự cấp cao cũng gặp khó khăn khi tìm kiếm công việc phù hợp. Bà Hà nói khi tuyển dụng vị trí giám đốc vận hành cho một phòng khám nhi, công ty đã nhận được lượng hồ sơ "khủng" lên đến 80 hồ sơ và nhiều ứng viên cũng sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn so với trước đó.

Không những vậy, bà Hà cũng chia sẻ rằng nhân sự IT hiện cũng bớt "ngáo giá" hơn. Trước đó, nhiều ứng viên IT có thái độ làm việc không tốt, không coi trọng nhà tuyển dụng và "bùng" phỏng vấn với tâm lý nơi nào lương cao thì nhảy việc.

Sau vài năm bùng nổ tuyển dụng và lương thưởng, thị trường nhân sự IT giờ đảo chiều với tỷ lệ mất việc cao, phúc lợi giảm, tuyển mới ít.

Nhu cầu tuyển dụng không sôi nổi như trước

Tuy nhiên, giám đốc miền Bắc của Navigos Search cũng cho rằng các doanh nghiệp vẫn tiến hành tuyển dụng đối với các vị trí chủ chốt, đem lại lợi ích và sự phát triển cho doanh nghiệp.

Theo bà Lan, mặc dù nhu cầu tuyển dụng về các nhân sự cấp cao không sôi động như nhiều năm trước nhưng các doanh nghiệp cũng vẫn tiến hành tuyển dụng rất nhiều các vị trí quan trọng.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng các vị trí cấp cao thường có yêu cầu tuyển dụng khó khăn và khắt khe hơn nhiều so với thời gian trước.

"Chính vì vậy những nhân sự cấp cao cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm mới", bà Lan lý giải.

Sếp nhân sự hé lộ: Giám đốc cũng khó tìm việc, mảng hot bớt ngáo giá - 2

Các doanh nghiệp vẫn tiến hành tuyển dụng đối với các vị trí chủ chốt, đem lại lợi ích và sự phát triển cho doanh nghiệp (Ảnh: LinkedIn).

Chia sẻ thêm về các mức lương của các vị trí cấp cao của các công ty, bà Lan cho rằng về cơ bản, mức lương năm nay không có nhiều sự thay đổi so với năm ngoái.

Theo khảo sát của Navigos với người lao động, khoảng 40% trả lời rằng họ được tăng lương và mức tăng phổ biến ở 5-10%, bên cạnh những nhân sự bị giảm lương và không được điều chỉnh.

Theo bà Lan, trong việc giữ chân người lao động, bên cạnh yếu tố lương thưởng thì văn hóa doanh nghiệp cũng là yếu tố rất quan trọng.

Các doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa hướng tới sự cởi mở, minh bạch, trao quyền, phát triển. Điều này có thể là giải pháp giúp doanh nghiệp giữ chân được người lao động mà không phải mất quá nhiều chi phí. Một giải pháp khác là luân chuyển công việc để tối ưu hóa năng lực của người lao động và vẫn phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp.