1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Mùa Covid-19: Giám đốc nhân sự hoá thành giám đốc sáng tạo

(Dân trí) - Giữa bối cảnh Covid-19, các giám đốc nhân sự như bỗng hóa thành giám đốc sáng tạo với hàng loạt các hoạt động tạo kết nối nhân viên, ngoài các trọng trách khác như tái cấu trúc nguồn nhân lực, thay đổi chiến lược tuyển dụng, lương - thưởng...

Nhân viên khát kết nối - nhân sự liên tục được gọi tên

Theo khảo sát nhanh từ cuối tháng 3 - đầu tháng 4 của Talentnet - công ty lĩnh vực tư vấn chiến lược và giải pháp nhân sự, dưới ảnh hưởng của Covid-19, 87% các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã thực hiện chính sách làm việc tại nhà. Hiện sau khi cách ly, nhiều DN cũng đang áp dụng hình thức làm việc giãn cách hoặc từ xa luân phiên. Điều này kéo theo hàng loạt thay đổi về cách thức vận hành, khiến nhiều DN chứng kiến tình trạng suy giảm hiệu suất nhân sự.

“Ở một góc nhìn nào đó, Covid-19 là một khóa huấn luyện đặc biệt, cho doanh nghiệp và người lao động năng lực ứng phó nghịch cảnh, bước ra vùng an toàn và chạm tới những giới hạn. Đội ngũ lãnh đạo buộc phải xây dựng một mô hình vận hành chặt chẽ, đặc biệt là không ngừng đưa ra những sáng kiến mới để duy trì gắn kết nội bộ, trong bối cảnh thiếu vắng sự tương tác và giám sát trực tiếp’, bà Tiêu Yến Trinh, CEO Talentnet chia sẻ.

Mùa Covid-19: Giám đốc nhân sự hoá thành giám đốc sáng tạo - 1
Trong khi nhiều nhân viên “vỡ mộng” về cái bẫy làm việc tại nhà vì nó vốn không thoải mái như tưởng tượng, các DN cũng chịu nhiều áp lực để giữ được sự gắn kết nhân viên, duy trì văn hóa DN

Trong bối cảnh đó, các giám đốc nhân sự, đương nhiên, sẽ là những người đầu tiên cần hành động để giải tỏa những áp lực này, tránh những “tác dụng phụ” hậu mùa dịch. Sự “đạo diễn” của phòng nhân sự tại các DN sẽ không chỉ đáp ứng được nhu cầu nhân viên, mà rõ ràng còn thể hiện được sự chủ động, quan tâm của doanh nghiệp với người lao động của mình.

Khi nhu cầu cơ bản của mỗi người là được kết nối, việc chia tổ A/B để làm việc luân phiên, chỉ duy trì hoạt động các nhóm cốt lõi… dễ khiến nhân viên có cảm giác mình xa rời tập thể, dễ dàng rơi vào trạng thái trì trệ.

“Việc phải nhanh chóng nhuần nhuyễn các kỹ năng mới, đối ứng nhanh nhạy để thích ứng với sự thay đổi liên tục khiến không ít các nhân viên rơi vào tình trạng “quá tải”. Không biết cách tối ưu hóa hiệu suất làm việc tại nhà, DN không chỉ làm giảm sút trải nghiệm tích cực vốn có của nhân viên với công ty, mà còn dễ rơi vào tình trạng “thiếu người” dù thực tế nhân viên chưa nỡ hoặc chưa dám nghỉ”, bà Tiêu Yến Trinh chia sẻ thêm.

“Gỡ khó” bằng những quyết sách sáng tạo

Những biến động không ngừng trong điều kiện làm việc “chưa từng có” của mùa dịch đồng nghĩa với việc các Giám đốc nhân sự và đội ngũ của mình phải liên tục đưa ra những quyết sách không chỉ nhanh nhạy, thức thời mà còn phải sáng tạo.

Trong tài liệu hướng dẫn “Chiến lược quản lý vượt qua khủng hoảng Covid-19” dành cho các CEO, Korn Ferry - công ty tư vấn quản lý của Mỹ khuyên các quản lý nên duy trì sự hài hước để nâng cao tinh thần và xua tan cảm giác lạc lõng khi làm việc từ xa. Cùng chung ý tưởng này, hàng loạt hoạt động kết nối tập thể mới mẻ nhanh chóng được các giám đốc nhân sự ở các công ty đề ra.

Điển hình khi bắt đầu làm việc tại nhà, một công ty quảng cáo tại Quận 3, TP. HCM lập tức khởi tạo giải Ma Sói trực tuyến cho nhân viên với nhiều nhân vật dí dỏm như “Bác sĩ”, “Bộ Y tế” lấy cảm hứng từ chính tình hình dịch bệnh…

Mùa Covid-19: Giám đốc nhân sự hoá thành giám đốc sáng tạo - 2
Các hoạt động gắn kết dù chỉ là qua “màn hình” sẽ giúp nhân viên lên tinh thần và gắn bó hơn với công ty sau mùa dịch

Tại Thụy Sĩ, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần, công ty Novartis cho biết đã gửi tặng nhân viên các khóa học miễn phí dành cho gia đình và trẻ em tại Coursera và Khan Academy. Hay tại Việt Nam, một công ty tư vấn tại Quận 1, TP.HCM cho biết với các nhân viên sống trong khu vực bị cách ly, DN sẽ gửi tặng hoa, sách, báo và một ít lương thực để khích lệ nhân viên cả về mặt vật chất và tinh thần.

“Để các nhân viên có thể đồng lòng cùng công ty vượt qua khó khăn, hơn lúc nào hết, các quản lý nhân sự cần thể hiện sự quan tâm, động viên cũng như thấu hiểu những khó khăn riêng của nhân viên để kịp thời hỗ trợ họ khi cần thiết. Tuy nhiên, các hoạt động kết nối cũng cần giữ ở mức vừa đủ vì xét cho cùng, toàn bộ nguồn nhân lực tại công ty vẫn cần “hồi sức” và dành sự tập trung cho các hoạt động kinh doanh mũi nhọn. Đồng thời, mỗi nhân viên cũng cần chủ động trở thành một “giám đốc sáng tạo” của riêng mình, để chủ động trong việc kích hoạt niềm vui làm việc. Đây cũng là một kỹ năng cần có của một người lao động agile (linh hoạt, ứng biến tốt)”, bà Tiêu Yến Trinh tư vấn.

Có thể nói, đối mặt với những thay đổi bất ngờ và nhanh chóng của mùa dịch, đội ngũ nhân sự đóng vai trò cốt lõi trong việc đảm bảo công ty không chỉ vận hành, mà còn vận hành hiệu quả, dù là ở văn phòng hay là tại nhà. Trong thời gian xã hội dần quay trở lại nhịp sống bình thường nhưng vẫn phải căng thẳng chống dịch sắp tới, sự nhanh nhạy và sáng tạo của các giám đốc nhân sự vẫn sẽ tiếp tục là yếu tố quyết định cho chất lượng vận hành và đảm bảo hiệu suất làm việc của nhân sự cho các công ty.

Mỹ Trang - Trường Thịnh