1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Sếp một công ty "họ" Sông Đà từ nhiệm vì trình độ, năng lực không phù hợp

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Phó tổng giám đốc Công ty Sông Đà 11 có đơn từ nhiệm sau 1,5 năm đảm nhận chức vụ. Ông nhận thấy trình độ, năng lực, khả năng không phù hợp với công việc được giao và định hướng phát triển công ty.

Ông Phạm Văn Tuyền - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 11 (mã chứng khoán: SJE) - vừa qua có đơn từ nhiệm.

Trong đơn, ông Tuyền bày tỏ lòng tự hào khi là một thành viên của công ty, biết ơn Hội đồng quản trị (HĐQT), lãnh đạo công ty và cán bộ nhân viên các phòng, ban đã luôn hợp tác, giúp đỡ, tạo điều kiện để làm việc, thể hiện bản thân trong các công việc được giao.

Tuy nhiên, ông nhận thấy trình độ, năng lực, khả năng không phù hợp với công việc được giao và định hướng phát triển công ty. Một phần khác vì lý do cá nhân nên ông viết đơn từ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc.

Ông Phạm Văn Tuyền, sinh năm 1984, được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Sông Đà 11 từ ngày 5/1/2023, đến nay khoảng 1,5 năm. Theo giới thiệu, ông Tuyền có trình độ thạc sĩ tài chính ngân hàng, cuối năm 2023 sở hữu 248.000 cổ phần SJE, tỷ lệ 1,03% vốn. Năm 2023, ông Tuyền nhận lương gần 306 triệu đồng.

Ông Tuyền từng làm việc tại Công ty cổ phần Sông Đà 5 (từ 2008 đến 2018), trải qua nhiều vị trí như Phó giám đốc kiêm Trưởng ban tài chính kế toán Xí nghiệp Sông Đà 5.06; Phó kế toán trưởng, Trưởng ban kiểm soát Công ty Sông Đà 5. Từ năm 2017 đến 2018, ông làm kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện Tây Bắc kiêm Kế toán trưởng Công ty cổ phần Sông Đà Hoàng Long.

Ngoài phụ trách vị trí Phó Tổng giám đốc Sông Đà 11 từ 1/2023 đến nay, ông Tuyền còn làm trong Ban kiểm soát Công ty TNHH Năng lượng SJE.

Từ đó, HĐQT Sông Đà 11 có quyết định miễn nhiệm vị trí của ông Tuyền theo nguyện vọng cá nhân từ hôm nay (1/7). Người được bổ nhiệm thay thế là ông Nguyễn Ngọc Khuê, thời hạn 5 năm (2024 - 2029).

Sếp một công ty họ Sông Đà từ nhiệm vì trình độ, năng lực không phù hợp - 1

Một dự án thủy điện do Sông Đà 11 đầu tư (Ảnh: Sông Đà 11).

Công ty Sông Đà 11 tiền thân là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa theo quyết định năm 2004 của Bộ Xây dựng, có bề dày hơn 60 năm xây dựng và phát triển. Tại ngày 31/12/2023, Công ty cổ phần Đầu tư Energy Việt Nam là cổ đông lớn nhất tại Sông Đà 11, sở hữu 52,98% vốn. Tổng Công ty Sông Đà - CTCP nắm 16,94% vốn, còn lại là các cổ đông khác.

Công ty đã thực hiện thi công xây lắp các hạng mục công trình của Tổng công ty Sông Đà tại các khu vực như Tây Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, Hà Nội và các tỉnh lân cận, Quảng Ninh và các tỉnh khu vực Đông Bắc.

Ngoài ra, công ty cũng đầu tư các dự án thủy điện tại Lào Cai, Yên Bái, Lâm Đồng; cung cấp nước sạch tại Đồng Nai; xưởng chế tạo cơ khí tại Hà Tây, sản xuất đá xây dựng tại Hòa Bình và một số dự án nhà, khu đô thị, lắp ráp và sản xuất thiết bị điện khác.

Năm 2023, Sông Đà 11 đạt doanh thu thuần hơn 380 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 57 tỷ đồng, lần lượt giảm 27% và 12% so với năm trước. Vốn điều lệ doanh nghiệp gần 242 tỷ đồng với 400 lao động tại ngày 31/12/2023.

Tính đến cuối năm 2023, công ty có nợ vay tài chính khoảng 140 tỷ đồng, giảm 27% so với đầu năm. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 0,57 lần.