Sếp lữ hành cũng xấu hổ vì nạn "chặt chém"

Thấy khách “Tây” bị “chặt chém” khi đi xích lô, giám đốc một doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội ra đòi giúp. Khách du lịch cảm ơn rối rít, còn vị giám đốc thì cảm thấy xấu hổ, “ngượng hết cả người”.

Đi xích lô 500m, đòi 500.000 đồng

Câu chuyện xảy ra lúc 18h30 ngày 22/3, khi một vị khách trung tuổi người Australia đi xích lô bị bắt chẹt. Anh Phạm Mạnh Hà , Giám đốc điều hành Công ty Luxury Travel, kể rằng, chiều tối hôm đó, khi anh vừa ra khỏi công ty thì thấy trước cửa nhà số 5 Nguyễn Trường Tộ (quận Ba Đình, Hà Nội) có vụ cãi nhau giữa một du khách nước ngoài với một người lái xe xích lô.

Người lái xe đòi vị khách trả thêm tiền, còn khách “tây” cự lại và xua tay không trả, dẫn đến to tiếng.

Thấy vậy, anh Hà đến hỏi han và được biết, vị khách người Australia đi từ chợ Đồng Xuân đến khách sạn Chancery (phố Nguyễn Trường Tộ), đoạn đường chỉ khoảng hơn 500m mà lái xe đòi tới 200.000 đồng. Khách không chịu, lái xe liền lục ví khách, lấy mất tờ 500.000 đồng. Thấy quá bất công cho vị khách người nước ngoài lạ nước lạ cái lại không biết tiếng Việt, bà bán bánh chưng vỉa hè gần đó cũng chạy ra bênh khách, cãi nhau với người đạp xích lô, song, lái xe nhất quyết không chịu trả lại tiền.

Anh Hà cùng một người bạn thấy vậy phải dọa người đạp xích lô là sẽ báo công an, lúc đó ông ta mới chịu trả lại 450.000 đồng cho khách. “Vị khách người nước ngoài nhận lại được tiền luôn miệng cảm ơn mình rối rít. Thực sự lúc đó mình không vui mà còn thấy xấu hổ và ngượng chín người”, anh Hà cho hay.

Gần đây khách du lịch nước ngoài đi xích lô ở Hà Nội liên tục bị hét giá (Ảnh minh họa).

Gần đây khách du lịch nước ngoài đi xích lô ở Hà Nội liên tục bị hét giá (Ảnh minh họa).

700.000 đồng một đĩa thịt lợn luộc

Trên thực tế, không chỉ khách du lịch nước ngoài bị “chặt chém”, mà bản thân du khách trong nước hay chính những người làm du lịch cũng phải chịu trận. Độc giả Lê Tuấn cho biết anh là dân làm du lịch, vậy mà cũng từng bị bóp chẹt khi đi nghỉ ở Sầm Sơn (Thanh Hóa). Trong phản hồi tới VietNamNet, anh Tuấn bức xúc kể:

“Đầu tiên, khi tắm xong lên bờ, tôi thấy một nhà treo bảng hiệu: Tráng nước ngọt 20.000 đồng. Tôi vào tráng, đi ra chủ quán thu 50.000 đồng. Tôi cự lại thì chủ quán trả lời: “Vì em thấy anh gội cả đầu nữa!

Chuyện thứ 2. Tôi và 3 người bạn vào quán ăn, thèm rau muống nên (rất cẩn thận) hỏi chủ quán: Bao nhiêu một đĩa rau muống luộc? Đáp: 50.000 đồng anh ạ. Tôi gọi 2 đĩa. Ăn xong tính tiền, rau hết 400.000 đồng. Tá hỏa, tôi cự lại. Đáp: 50.000 đồng một đĩa cho 1 người, đĩa cho 4 anh là 200.000, hai đĩa là 400.000 đồng còn gì nữa anh? (!). Tôi cứng họng.

Câu chuyện thứ 3. Tôi và một chị là lãnh đạo của tôi đi công tác Sầm Sơn, ra quán ăn, sếp tôi nói muốn ăn chân giò (heo) luộc vì mấy hôm ăn hải sản đã chán. Tôi gọi một đĩa chân giò heo luộc cho 2 người (vì đi với sếp nên ngại, không hỏi giá trước). Lúc sau, anh nhân viên mang ra một đĩa ước chừng 2kg thịt (!!!). Quê tôi 2 mâm cỗ giỗ cố nội cũng không đến bằng ấy thịt. Hai chị em tôi vã mồ hôi, thanh toán 700.000 đồng đĩa thịt đó”.

Theo ông Trần Thế Dũng, Phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ (TP.HCM), tình trạng “chặt chém” đã trở thành phổ biến, từ những điểm du lịch nổi tiếng cho đến hàng quán dọc quốc lộ 1. Ông cho hay mình không “vơ đũa cả nắm”, nhưng với khách du lịch, bao giờ các điểm này cũng bán giá cao hơn. Đôi khi, một số địa phương dường như gián tiếp để cho các chủ quán, khách sạn “chặt chém” khách.

“Tại sao Đà Nẵng cứ phải tố chức thi bắn pháo hoa hay Hạ Long cứ phải tổ chức carnaval vào dịp 30/4-1/5, khi bản thân dịp nghỉ lễ đó đã đông khách rồi? Việc tổ chức vào mốc thời gian đó vô hình trung đẩy cầu lớn hơn cung, khiến việc cháy phòng, hét giá thường xuyên xảy ra. Cháy đến mức không thể thuê nổi phòng, là cơ hội để các khách sạn tăng giá vô tội vạ”, ông Dũng nói.

Gần đây khách du lịch nước ngoài đi xích lô ở Hà Nội liên tục bị hét giá (Ảnh minh họa).

Thái Lan không chỉ có cảnh sát du lịch mà họ còn mời cả cảnh sát nước ngoài tham gia bảo vệ du khách (Ảnh: Trần Thế Dũng)

Bao giờ mới có cảnh sát du lịch?

Trước hiện tượng ngày càng nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài bị xâm hại khi đến Hà Nội, mới đây, lãnh đạo Sở VH-TT&DL kiến nghị Thủ đô cần có thêm lực lượng cảnh sát du lịch. Đề xuất này được nhiều doanh nghiệp lữ hành ủng hộ. Anh Phạm Mạnh Hà cho rằng, cảnh sát du lịch ở đây đóng vai trò như thanh tra du lịch, không chỉ bảo vệ du khách mà còn bảo vệ cả các công ty du lịch làm ăn chân chính và bảo vệ một môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh.

Theo anh Hà, hiện ở TP.HCM đã có lực lượng thanh niên xung phong hỗ trợ khách, nhưng hầu như mới dừng lại ở việc dẫn khách qua đường. Còn khi khách bị trộm cắp, “chặt chém” thì chưa giúp được nhiều, nhất là khi khách đi vào buổi tối, hết giờ làm việc tình nguyện.

Riêng đối với tình trạng xích lô hét giá đòi tiền khách, anh Hà đặt vấn đề tại sao ngành du lịch không phối hợp với ngành giao thông vận tải quy định cụ thể giá cước như với taxi, chẳng hạn đi 1km hết bao nhiêu tiền, rồi niêm yết và thông báo công khai tới khách...?.

Ông Trần Thế Dũng nói thêm Thái Lan không chỉ có cảnh sát du lịch mà họ còn phối hợp thành lập cả cảnh sát quốc tế. Lực lượng này không chỉ để bảo để bảo vệ người nước ngoài khi đi du lịch Thái mà còn giải quyết những trường hợp mà cảnh sát địa phương, vì không biết ngoại ngữ và không công tâm, không xử lý được.

Giám đốc công ty du lịch Việt, ông Trần Văn Long, nhận xét trên thực tế, tình trạng “chặt chém” đối với các công ty lữ hành đã cải thiện nhiều. Hiện tượng này chỉ xảy ra với khách đi tự do, ở một số điểm nóng như Sầm Sơn, Cát Bà, Hạ Long, Bà Rịa - Vũng Tàu... do công tác quản lý của các địa phương còn yếu và thường ở phía Bắc dữ dội hơn. Do vậy, việc làm đầu tiên của khách trước khi đi du lịch là tìm hiểu thật kỹ thông tin về điểm đến, hỏi rõ ràng giá, mặc cả từ đầu và đặt trước, tránh tình trạng rơi vào thế bị động, sự việc đã rồi.

Theo Ngọc Hà
VEF