Sự kiện kinh tế tuần qua:

Sếp lớn doanh nghiệp: Kẻ hầu toà, người bị đề nghị cách chức

(Dân trí) - Trong tuần, sự kiện kinh tế nổi bật liên quan đến dàn lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước bị truy tố, bắt tạm giam hoặc bị đề nghị cách chức gây rúng động dư luận. Trong khi đó, thông tin Chính phủ quyết chi 1 tỷ USD để giải cứu Đồng bằng Sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu... cũng là tâm điểm chú ý tuần qua, khởi tạo kỳ vọng phát triển đất nước.

Dàn lãnh đạo của PVC tiếp tục bị khởi tố

Sự kiện kinh tế nổi bật nhất tuần qua là một số lãnh đạo thuộc Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) tiếp tục bị khởi tố, bắt giam vì những sai phạm liên quan, trong đó có 3 nhân vật là lãnh đạo cấp cao.


Dàn lãnh đạo của PVC tiếp tục bị khởi tố, bắt giữ vì liên quan sai phạm

Dàn lãnh đạo của PVC tiếp tục bị khởi tố, bắt giữ vì liên quan sai phạm

Ngày 29/9 cơ quan Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can là ông Bùi Mạnh Hiển, Chánh Văn phòng PVC và ông Nguyễn Đức Hưng, nguyên Trưởng Phòng Tài chính, Kế toán Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC; khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú và Lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Anh Minh, Tổng Giám đốc PVC.

Lo ngại về khả năng những vụ bắt bớ lãnh đạo và nguyên lãnh đạo sẽ ảnh hưởng hoạt động của mình, PVC đã lên tiếng khẳng định đây là vụ việc xảy ra trong giai đoạn trước và doanh nghiệp (DN) này cho biết sẽ bố trí cán bộ thay thế để "đảm bảo hoạt động".

Ngay sau dàn lãnh đạo của PVC bị khởi tố, bắt giam, những khuất tất liên quan đến DN này ở dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 dần được hé lộ, trong đó có khoản chi chưa đúng mục đích tạm ứng 576 tỷ đồng của dự án để góp vào nhiều công ty con khác nhau.

Cũng trong tuần qua, hàng loạt những sai phạm bị phát hiện, dàn lãnh đạo Tổng công ty Hóa chất Việt Nam bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cách chức, Bộ Công thương - cơ quan chủ quan của Vinachem đã "lên tiếng" trước các cáo buộc Bộ này chưa cung cấp thông tin kịp thời về những sai phạm của lãnh đạo Tổng công ty Hóa chất.

PVN mất 800 tỷ đồng: Bộ Tài chính biết nhưng không làm gì được

Liên quan đến vụ đại án xảy ra tại Oceanbank với việc Tập đoàn Dầu khí (PVN) thua lỗ 800 tỷ đồng khi đầu tư vào ngân hàng này đang gây bức xúc dư luận, người ta đặt câu hỏi về trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Tài chính khi để tập đoàn này chi đầu tư ngoài ngành quá lớn mà không có trách nhiệm.

Trong cuộc họp báo ngày 27/9, lãnh đạo Bộ Tài chính nói có biết trước sự việc PVN chuyển 800 tỷ đồng vào Oceanbank nhưng chỉ khuyến cáo PVN song hậu quả vẫn xảy ra.

"Bộ có trách nhiệm quản lý vốn đầu tư của Nhà nước tại các doanh nghiệp nhưng chỉ một phần chứ không phải tất cả. Với vụ PVN đầu tư vào Oceanbank, chúng tôi chỉ cảnh báo chứ không làm thay được", đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Một sự việc khác là quá trình cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam khi một công ty vận tải thủy lại được là cổ đông chiến lược, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định: Trong việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, người lao động cũng chưa mặn mà làm tròn trách nhiệm, cơ quan quản lý Nhà nước chưa hiểu tâm tư anh em, nóng vội triển khai hoặc thiếu sót. Đến khi ván đã đóng thuyền các nghệ sĩ mới nêu lên thì khó cho cơ quan Nhà nước và cả nhà đầu tư.

Thủ tướng cần tư nhân nói thẳng, nói thật, trách nhiệm

Trong tuần sự kiện đặc biệt là việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tổ chức đối thoại với 14 lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân lớn để lắng nghe những chia sẻ, những kiến tạo phát triển và gỡ khó cho đất nước.

Sếp lớn doanh nghiệp: Kẻ hầu toà, người bị đề nghị cách chức - 2

Tại đây, Thủ tướng kêu gọi gỡ các nút thắt về thể chế kinh tế, mong doanh nghiệp tư nhân lớn đồng hành giúp các doanh nghiệp nhỏ phát triển và lớn mạnh. Thủ tướng đề nghị các lãnh đạo DN nói thẳng, nói thật, nói hết trách nhiệm với đất nước vừa để cắt bỏ các rào cản phát triển, vừa mở đường cho thể chế kinh tế đột phá hơn, sáng tạo hơn.

Đứng trước nguy cơ 3/4 vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị đe dọa nghiêm trọng bởi nước biển dâng cao, hạn hán và biến đổi khí hậu, sau chuyến thăm và trao đổi kinh nghiệm với Hà Lan về cách thức nước này đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng đã đích thân đi khảo sát tình hình tại các tỉnh ĐBSCL. Ngay sau chuyến đi người đứng đầu Chính phủ đã quyết chi 1 tỷ USD để giúp vựa lúa lớn nhất cả nước có kế sách ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chỉ cho làm BOT ở đường mới, không xây ở tuyến độc đạo

Cũng trong tuần, sau nhiều lùm xùm về chính sách phát triển BOT đường bộ thời gian qua gây quá nhiều phản ứng dữ dội của dư luận, người dân, Bộ Giao thông - Vận Tải vừa quyết định dừng triển khai các dự án BOT trên những tuyến đường hiện có, độc đạo. Chỉ kêu gọi đầu tư BOT đối với các tuyến đường mới, đảm bảo người dân và chủ phương tiện có sự lựa chọn.

Đây được xem là quyết sách đúng và trúng tình thế và được dư luận đánh giá cao bởi thời gian vừa qua nhiều dự án BOT mọc trên đường cũ với số vốn đầu tư ít ỏi chỉ trải lại bề mặt đường nhưng đã kéo dài thời gian thu phí, phí thu như các dự án mới gây bức xúc dư luận.

Ngay trước Lễ hội trăng rằm trung thu diễn ra ở khắp cả nước, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 133 cơ sở sản xuất bánh trung thu tại Hà Nội có vi phạm về an toàn thực phẩm. Cụ thể trong tổng số hơn 780 cơ sở sản xuất bánh trung thu được thanh kiểm tra, có 133 cơ sở vi phạm và 50 cơ sở bị xử lý, 17 cơ sở bị cảnh báo, 2 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm.

Sự việc này tiếp tục là hồi chuông báo động về an toàn thực phẩm và hiện trạng thực phẩm bẩn đã, đang diễn ra gây lo ngại cho người dân về an toàn trong bữa ăn đến sức khỏe và tính mạng.

Giới taxi Hà Nội kiến nghị dừng khẩn cấp Uber và Grab

Một sự kiện gây tranh cãi không kém trong dư luận là Hiệp hội taxi Hà Nội vừa kiến nghị dừng khẩn cấp hoạt động của Uber và Grab tại Việt Nam. Lý do Hiệp hội này đưa ra là số lượng hơn 50.000 xe Uber, Grab đã phá vỡ quy hoạch, gây ùn tắc giao thông.

Sếp lớn doanh nghiệp: Kẻ hầu toà, người bị đề nghị cách chức - 3

"Với tổng số hơn 50.000 xe, doanh thu 30 triệu đồng/xe/tháng, tổng doanh thu là 1.500 tỷ đồng/tháng. Với mức thuế 4,5% phải thì tổng số thuế phải nộp hàng tháng là 67,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thuế, Uber mới chỉ nộp 10 tỷ đồng vào ngân sách từ khi hoạt động", ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho biết.

Trong tuần, thông tin gây chấn động dư luận là sau sự cố Vĩnh Phúc mạnh tay chi 65 tỷ đồng mua ấm chén tặng người dân toàn tỉnh vì kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh này đã vào cuộc điều tra và đưa ra kết luận: Các huyện, thị xã và các cá nhân người đứng đầu địa phương đã nhận thức sai và thực hiện sai.

Sếp lớn doanh nghiệp: Kẻ hầu toà, người bị đề nghị cách chức - 4

Tuy nhiên, một số huyện thị đã phủ nhận cáo buộc này và cho biết huyện chỉ thực hiện nhận ấm chén về tặng người dân, các thủ tục thầu và tổ chức đấu thấu hầu hết làm theo chỉ đạo của tỉnh Vĩnh Phúc.

Kết luận trên khiến dư luận thêm bức xúc bởi quả bóng trách nhiệm lại một lần nữa bị Vĩnh Phúc đá sang chân và sân của các địa phương. Người dân cần, mong muốn và đòi hỏi lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nhận trách nhiệm, đồng thời làm rõ số chi hàng chục tỷ đồng có đúng mục đích, đúng tiêu chí chi của Nhà nước hay không?

Nguyễn Tuyền (Tổng hợp)