1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Sẽ đầu tư 1 tỷ USD cho công trình “không hối tiếc” tại ĐBSCL

(Dân trí) - Hiện nay, nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cho Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 20%. Thời gian tới, Ngân hàng Thế giới sẽ cho vay khoảng 300 triệu USD, cộng với các nguồn khác là khoảng 1 tỷ USD để đầu tư các công trình ứng phó biến đổi khí hậu, chống ngập mặn trong vùng.

Thông tin trên được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu sáng nay (27/9), tại TP. Cần Thơ.

Cách đây 2 năm, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra các khuyến nghị đối với Việt Nam cần “hành động không hối tiếc” vì sự liên kết, phát triển bền vững của vùng, với các dự án “không hối tiếc” về các giải pháp công trình, phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện nay, nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cho ĐBSCL khoảng 20%. Thời gian tới, Ngân hàng Thế giới sẽ cho vay khoảng 300 triệu USD, cộng với các nguồn khác là khoảng 1 tỷ USD để đầu tư các công trình ứng phó biến đổi khí hậu, chống ngập mặn trong vùng ĐBSCL.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ dành ưu tiên đặc biệt về các giải pháp giải quyết vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu ở ĐBSCL
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ dành ưu tiên đặc biệt về các giải pháp giải quyết vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu ở ĐBSCL

Báo cáo tại Hội nghị sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong phiên thảo luận chuyên đề ngày 26/9 đã xoay quanh về quy hoạch tổng thể theo hướng tích hợp phát triển vùng ĐBSCL, cơ chế huy động điều phối nguồn lực cho phát triển vùng ĐBSCL.

Theo Bộ trưởng Dũng, hiện ĐBSCL có trên 2.500 quy hoạch được lập, quy hoạch cấp vùng cũng đang ở những góc nhìn khác nhau. Việc lập riêng rẽ nhiều quy hoạch đang thiếu liên kết, thiếu tầm nhìn, chất lượng quy hoạch kém đang gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế xã hội, gây lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực của đất nước.

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng quy hoạch tổng thể, tích hợp để phát triển vùng; có cơ chế điều phối vùng, quản lý thống nhất, phù hợp để huy động các nguồn lực phát triển...

“Biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để tổ chức, sắp xếp lại vùng. Trong đó phải coi nước là nguồn tài nguyên quan trọng nhất. Kinh tế biển là động lực phát triển. Nông nghiệp là nền kinh tế chủ đạo nhưng phải thay đổi tư duy phát triển. Cần đảm bảo phát triển hài hòa giữa ba trụ cột kinh tế - xã hôi - môi trường” - Bộ trưởng Dũng nói.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng nêu nguyên tắc cần coi nước mặn, nước lợ là nguồn tài nguyên; cân nhắc diện tích trồng lúa; hạn chế khai thác nước ngầm một cách tùy tiện; nâng cao nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; Sắp xếp lại các nhà máy nhiệt điện trong vùng;...

“Tăng mức hỗ trợ của ngân sách Trung ương cho vùng lên mức 20% tổng ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương để đầu tư cho các dự án ưu tiên ở ĐBSCL. Nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù sử dụng vốn ODA cho các dự án biến đổi khí hậu ở ĐBSCL” - Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trong giai đoạn tới, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ứng phó biến đổi khí hậu cả về công trình, phi công trình; rà soát lại các nguồn vốn trong trung hạn để ưu tiên đầu tư trước cho các dự án trong danh mục “không hối tiếc”; ưu tiên đầu tư các dự án chống biến đổi khí hậu;...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị tăng ngân sách Trung ương cho ĐBSCL và huy động các nguồn lực đầu tư không hối tiếc cho các công trình, phi công trình thích ứng biến đổi khí hậu ĐBSCL
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị tăng ngân sách Trung ương cho ĐBSCL và huy động các nguồn lực đầu tư "không hối tiếc" cho các công trình, phi công trình thích ứng biến đổi khí hậu ĐBSCL

Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách môi trường đầu tư để thu hút đầu tư vào khu vực, kết hợp huy động nguồn lực bên ngoài kết hợp với nguồn lực tại chỗ...

Tại Hội nghị này, trong bài phát biểu của mình, đại diện Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng cam kết sẽ hỗ trợ cho Việt Nam nguồn vốn hỗ trợ để phát triển các công trình, phi công trình nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.

Chính phủ Việt Nam nhất trí ưu tiên đầu tư cho các dự án “không hối tiếc” và các dự án giải pháp nền phi công trình cho giai đoạn 2021-2025. Còn trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ sẽ căn cơ dành thêm vốn đầu tư công cho vùng.

Chính phủ khuyến khích mạnh mẽ tư nhân tham gia đầu tư các dự án công trình ứng phó biến đổi khí hậu và các công trình “không hối tiếc”, trong đó khối tư nhân và cộng đồng dân cư vốn là những chủ thể năng động sẽ là lực lượng chủ yếu để thích ứng và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL.

Châu Như Quỳnh