1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sẽ thuê công ty thẩm định nợ xấu cho VAMC

(Dân trí) - Phó Thống đốc Nguyễn Minh Hưng cho biết, tốc độ tăng nợ xấu bình quân đầu 2013 đã giảm đáng kể so với năm 2012, ở mức 2,2%/tháng so với mức 3,91% /tháng của năm 2012.

Diễn đàn VBF sáng 3/12/2013 (Ảnh: BD).
Diễn đàn VBF sáng 3/12/2013 (Ảnh: BD).

Theo thông tin được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cung cấp tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2013 diễn ra sáng nay 03/12/2013, tốc độ nợ xấu 9 tháng đã chậm lại so với cùng kỳ 2012. Dẫn báo cáo từ các tổ chức tín dụng (TCTD), Phó Thống đốc cho biết, tới cuối tháng 9/2013 tổng nợ xấu nội bảng chiếm khoảng trên 142.000 tỷ đồng, tương ứng chiếm khoảng 4,62% tổng dư nợ.

 

Tốc độ tăng nợ xấu bình quân đầu 2013 đã giảm đáng kể so với năm 2012, ở mức 2,2%/tháng so với mức 3,91% /tháng của năm 2012.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 

 

Mặc dù tình hình của ngành khó khăn nhưng các TCTD vẫn trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) đầy đủ. Số dư DPRR tới cuối tháng 9 là 77.400 tỷ đồng, tăng 21,6% so với thời điểm cuối năm 2012. Tổng số nợ xấu đã dược xử lý đạt hơn 101.000 tỷ đồng.

 

Cũng theo Phó Thống đốc, tới 21/11, Công ty quản lý tài sản (VAMC) đã mua được 18.398 tỷ đồng nợ xấu với giá mua là 14.398 tỷ đồng, dự kiến sẽ mua được tối thiểu 30.000 -35.000 tỷ động nợ xấu. Kết quả này có được là do sớm triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý, đem lại kết quả khả quan, tốc độ tăng nợ xấu giảm. Qua đó, doanh nghiệp được vay lãi suất thấp hơn, chỉ tương đương giai đoạn năm 2005-2006.

 

Nói về việc dời thời điểm thi hành Thông tư 02 sang 1/6/2014 được Phó Thống đốc giải thích, nhằm để các doanh nghiệp được tiếp cận vay vốn ngân hàng tốt hơn, giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Khoảng thời gian 1 năm này cũng giúp các TCTD có thời gian xây dựng lộ trình thực hiện. Để các TCTD có đủ điều kiện thực hiện Thông tư 02, vừa rồi, NHNN đã có chỉ thị 04 yêu cầu các TCTD báo cáo phương án triển khai khi Thông tư 02 có hiệu lực.

 

Liên quan đến quản trị VAMC, Phó Thống đốc khẳng định, theo quy định, VAMC phải công khai xử nợ xấu. Thời gian qua VAMC thường xuyên thông báo tới con số đã mua và kế hoạch mua. VAMC cũng công khai các thông tin hoạt động liên quan trên website.


Trong bản đề xuất của Nhóm công tác Ngân hàng VBF, các chuyên gia đề nghị, cần có quy định yêu cầu công khai toàn bộ quy trình và cơ chế chuyển giao tài sản từ các ngân hàng thương mại sang VAMC.

 

Cũng theo Phó Thống đốc, giá thị trường nợ xấu mua/bán thông qua tự định giá hoặc thuê tổ chức định giá đọc lập thực hiện. Thời gian tới NHNN dự kiến sẽ phối hợp với bộ Tài chính xây dựng hoàn thiện khung pháp lý để hình thành phát triển thị trường mua bán nợ; ban hành danh sách công ty thẩm định giá, công ty kế toán kiểm toán đủ tiêu chuẩn tham gia thị trường... Với việc thẩm định giá nợ xấu theo thị tường, hoạt động của VAMC cũng sẽ thuận lợi hơn.

 

Phó Thống đốc nhấn mạnh, VAMC hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Theo đó, công ty này có nhiệm vụ mua nợ xấu sau đó sẽ phân loại nợ, hỗ trợ các khách hàng vay nếu có khả năng trả nợ, xử lý bán tài sản áp dụng cuối cùng trong trường hợp khách hàng không có khả năng trả nợ.

 

Đáp lại đề xuất của Nhóm công tác Ngân hàng của VBF cho rằng, nên tăng vốn xử lý nợ xấu qua VAMC, Phó Thống đóc hay, qua quá trình xây dựng đề án xây dựng VAMC, NHNN cũng đã đánh giá tác động xử lý nợ xấu qua VAMC. NHNN Cho rằng nguồn thu của các TCTD có thể đủ để bù đắp trích lập DPRR do xử lý nợ xấu qua VAMC.

 

Về tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các TCTD Việt Nam, Phó Thống đốc nói, theo cam kết WTO các ngân hàng nước ngoài có mặt tại Việt Nam theo hình thức ngân hàng 100% nước ngoài, ngân hàng liên doanh, sở hữu cổ phần của các NHTM Việt Nam. Trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các NHTM Việt Nam hiện nay là 20%, ưu đãi hơn so với nhà đầu tư trong nước hiện là 15%.

 

NHNN cũng đã trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 69, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần ngân hàng yếu kém, sáp nhập và cơ cấu lại cao hơn mức thông thường với từng trường hợp cụ thể. NHNN và Chính phủ cũng khuyến khích các NĐT nước ngoài tham gia vào hoạt động tái cơ cấu ngân hàng của Việt Nam.

 

Tại Diễn đàn, Phó Thống đốc đánh giá cao sự phối hợp của nhóm công tác Ngân hàng (VBF) với NHNN. Thông qua các phiên thảo luận định kỳ đã giúp NHNN ghi nhận nhiều ý kiến mang tính xây dựng. Nhóm cũng thường xuyên chia sẻ thông tin, 1 số văn bản ban hành thời gian qua có sự đóng góp ý kiến lớn từ nhóm công tác.

 

Bích Diệp
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm