Sẽ thanh, kiểm tra 7 doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2016

(Dân trí) - Các doanh nghiệp này bao gồm Bảo hiểm Liberty, Bảo hiểm Bảo Long, Prudential, Dai-ichi, Cathay, MIC, Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính đưa ra tại phiên họp báo chuyên đề chiều 29/3, đến nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam có tổng cộng 61 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, có 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài; 17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Trong giai đoạn này, tổng giá trị được bảo hiểm ở mức 11,7 triệu tỷ đồng, trong đó tổng giá trị kinh tế tài sản được bảo hiểm của khu vực doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế lên tới hơn 10 triệu tỷ đồng, tổng giá trị được bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ là 1 triệu tỷ đồng; trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, sức khỏe là 700.000 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ Tài chính, gần 10 triệu người đã có bảo hiểm y tế, sức khỏe; 12 triệu học sinh được bảo hiểm sức khỏe, tai nạn; 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không; trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt; 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn hành khách vận chuyển đường bộ.

Khẳng định bảo hiểm là bà đỡ của nền kinh tế, đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, đến cuối năm 2015, tổng nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm ước gần 160.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm 2010.
Khẳng định bảo hiểm là "bà đỡ của nền kinh tế", đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, đến cuối năm 2015, tổng nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm ước gần 160.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm 2010.

Tại phiên họp báo, ông Phùng Ngọc Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý bảo hiểm khẳng định, chức năng cơ bản của bảo hiểm đã được định sẵn là "bà đỡ của nền kinh tế".

Ông Khánh cho biết, bảo hiểm góp phần thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô; với 80% công trình lớn của nhà nước được bảo hiểm thì khi có rủi ro doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đứng ra giải quyết theo hợp đồng bảo hiểm.

Bảo hiểm còn đóng vai trò là kênh đầu tư trở lại đối với nền kinh tế khi doanh nghiệp bảo hiểm tham gia mua trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn dài từ 20-30 năm. Bảo hiểm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội thông qua chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm nông nghiệp, thủy sản...

Theo ông Khánh, thời gian qua, các doanh nghiệp bảo hiểm đã kịp thời cùng các nhà đầu tư khắc phục hậu quả, góp phần ổn định và thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tiêu biểu là các vụ bồi thường tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh năm 2014.

Đến hết năm 2015, tổng doanh thu toàn thị trường ước đạt 84.375 tỷ đồng, đạt khoảng 2% GDP. Mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 16%/năm (từ 46.985 tỷ đồng năm 2011 lên 84.375 tỷ đồng năm 2015). Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng bình quân 11,7%/năm; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng bình quân 24,6%/năm.

Tổng dự phòng nghiệp vụ nhằm sẵn sàng đáp ứng nghĩa vụ chi trả bồi thường cho khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 130.391 tỷ đồng, tăng 2,36 lần so với năm 2010. Trong khi đó, tổng nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 157.266 tỷ đồng, tăng 1,99 lần so với năm 2010.

Với kết quả nêu trên, trong giai đoạn 2011-2015, thị trường bảo hiểm đã hoàn thành các chỉ tiêu phát triển đặt ra tại Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2015.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về công tác thanh kiểm tra năm 2016, ông Khánh cho biết, năm 2016, sẽ thanh kiểm tra 7 doanh nghiệp bảo hiểm gồm: Bảo hiểm Liberty, Bảo hiểm Bảo Long, Prudential, Dai-ichi, Cathay, MIC, Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội.

Trong năm 2015, Cục Quản lý bảo hiểm đã hoàn thành thanh kiểm tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm. Qua thanh kiểm tra đã có kiến nghị với doanh nghiệp bảo hiểm và về cơ bản những doanh nghiệp này đều thực hiện tốt các kiến nghị.

Bích Diệp

Sẽ thanh, kiểm tra 7 doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2016 - 2