1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sẽ mở rộng phạm vi cơ cấu lại thời hạn trả nợ trước tác động Covid-19

Nguyễn Hiền

(Dân trí) - Dự thảo mà Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến đưa ra một số điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng về thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và thời gian miễn, giảm lãi, phí trước tác động của Covid-19.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020.

NHNN cho biết, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đề nghị NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN để đảm bảo phù hợp với diễn biến mới của tình hình dịch Covid-19 lần thứ 4 bắt đầu kể từ ngày 27/4 với phạm vi ảnh hưởng rộng hơn và có mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn các đợt dịch trước.

Trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu đề xuất của các TCTD, các doanh nghiệp, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thấy rằng việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn trong thời kỳ hậu Covid-19 là cần thiết.

Sẽ mở rộng phạm vi cơ cấu lại thời hạn trả nợ trước tác động Covid-19 - 1

Người dân, doanh nghiệp sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và thời gian miễn, giảm lãi, phí do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Ảnh: Quốc Chính).

Theo đó, dự thảo lần này đưa ra một số điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng về thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và thời gian miễn, giảm lãi, phí.

8 điều kiện để được cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Cụ thể, dự thảo nêu rõ, TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Trước đó, tại Thông tư 01, điều kiện này áp dụng với các khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020.

Thứ hai, phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022, thay vì thời hạn từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12 năm nay.

Thứ ba, số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi thuộc một trong các trường hợp: Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận; số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/1/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 29/3/2020.

Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/1/2020 đến trước ngày 10/6/2020 và quá hạn trước ngày 17/5 năm nay; số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 1/8 và quá hạn từ ngày 17/7 đến trước thời điểm dự thảo Thông tư có hiệu lực thi hành.

Thứ tư, được TCTD đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thứ năm, khách hàng có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và TCTD đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.

Thứ sáu, TCTD không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

Thứ bảy, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc kể từ ngày đến hạn của từng số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Thứ tám, việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 30/6/2022.

Được miễn, giảm lãi, phí trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Tại Điều 5 liên quan đến việc miễn, giảm lãi, phí, dự thảo Thông tư cho biết: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8 (thay vì trước ngày 10/6/2020 như Thông tư hiện hành) từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/06/2022 (thay vì đến ngày 31/12 như Thông tư hiện hành) và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 6 Thông tư số 01/2020/TT-NHNN. Theo đó, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư này của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/1/2020 đến trước ngày 1/8.

Cụ thể, giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu đối với số dư nợ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư này.

Giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày khoản nợ bị chuyển quá hạn đối với số dư nợ quy định tại điểm c, điểm d khoản 3 Điều 4 Thông tư này.

Giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện miễn, giảm lãi lần đầu đối với số dư nợ quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm