Sẽ chỉ có SJC được sản xuất vàng miếng
Nếu dự thảo nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng được Chính phủ phê duyệt thì trong thời gian tới, chỉ có Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đủ điều kiện được sản xuất vàng miếng.
Theo quy định trong dự thảo nghị định, doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí để được phép sản xuất, song điều kiện quan trọng nhất là phải chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất. Với điều kiện này, chỉ có SJC đủ tiêu chuẩn.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện tại SJC chiếm trên 90% thị phần vàng miếng.
Một chuyên gia trong ngành vàng cho rằng việc làm này có thể gây ra sự không công bằng đối với các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng lớn khác. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống công nghệ để sản xuất vàng miếng, cũng đã bỏ rất nhiều chi phí để xây dựng thương hiệu; và hiện tại, ngoài SJC vẫn có đến 7 thương hiệu vàng miếng khác đang được người tiêu dùng chọn lựa.
Theo vị chuyên gia này, việc quản lý thị trường vàng là cần thiết nhưng cũng phải xem xét lại các biện pháp cho phù hợp để mang đến sự đồng thuận cho toàn thị trường. Vì nếu chỉ một doanh nghiệp đủ điều kiện thì thế độc quyền đang quay trở lại. Và người tiêu dùng có thể chịu thiệt thòi vì không có thương hiệu vàng khác để so sánh về giá.
Theo nguồn tin riêng, việc Ngân hàng Nhà nước muốn hướng đến là quản lý trực tiếp hoạt động vàng. Trong đó có việc hiện đã can thiệp vào giá mua bán hằng ngày của SJC để thị trường được bình ổn. Mục đích tiếp theo là cơ quan này sẽ là nơi nhận đơn hàng trực tiếp của các đơn vị kinh doanh, sau đó phân bổ về SJC để gia công.
Trong dự thảo nghị định cũng có ghi rõ “việc sản xuất vàng miếng được thực hiện theo hạn mức do Ngân hàng Nhà nước cấp từng lần”. Và vì SJC hiện là đơn vị sản xuất vàng miếng lớn nhất, cũng có thị phần lớn nhất nên chọn SJC để gia công thì sẽ chi phối được nguồn cung của thị trường.
Ông này cho biết thêm đây cũng là mô hình mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Cụ thể ngân hàng trung ương có tổng kho, rồi cũng đặt cho doanh nghiệp dập vàng, và sau đó sẽ quyết định bán ra cho ai. Tuy vậy, nếu làm theo cách này thì mặc nhiên quay trở lại cơ chế xin-cho. Vì các đơn vị muốn có vàng để bán thì phải liên hệ với Ngân hàng Nhà nước để đặt mua.
Trong khi đó, hiện tại SJC không phải đơn vị trực thuộc của Ngân hàng Nhà nước. Nếu công ty này thoái thác không nhận đơn đặt hàng nữa thì Ngân hàng Nhà nước lấy đâu nguồn cung để đưa ra thị trường?. Thêm vào đó, quy mô của SJC liệu có đủ để gia công cho toàn thị trường hay lại gây ra sự đứt đoạn trong nguồn cung, ảnh hưởng mạnh đến sự biến động của giá vàng?
Ngoài ra, vị chuyên gia nói trên cho biết những quy định của nghị định về việc chỉ các doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 100 tỉ đồng, có chi nhánh tại ba tỉnh thành lớn mới được phép mua bán vàng miếng cũng chưa hợp lý. Vì thực tế, mạng lưới ngân hàng hay các doanh nghiệp dù lớn đến đâu cũng không thể bằng hệ thống tiệm vàng chằng chịt trong các hang cùng ngõ hẻm mà người dân có thể tiếp cận để mua bán vàng.
“Nếu cho là cách làm này có thể khiến người dân bớt ưu ái vàng để chọn tiền đồng thì đây là một biện pháp hành chính khó khả thi. Vì thực tế, khi người dân có nhu cầu với vàng thì sẽ tìm đến các tiệm vàng, như vậy với hơn 10.000 đơn vị đang kinh doanh vàng hiện nay liệu có chịu từ bỏ mặt hàng vàng miếng, hay tiếp tục bán “chui” như ngoại tệ để thu lợi nhuận”, vị chuyên gia này đặt câu hỏi.
“Vẫn nên để 8 đầu mối trên được kinh doanh vàng nhưng nằm trong các tiêu chí quy định của Ngân hàng Nhà nước để cho giá vàng được điều tiết bởi thị trường. Các biện pháp hành chính đưa ra quá nhiều cũng sẽ gây méo mó thị trường. Biện pháp cần làm của nhà nước là làm sao để thị trường vàng hoạt động minh bạch, công khai theo sự quản lý của nhà nước để tránh hiện tượng đầu cơ, nhưng đồng thời cũng phải xóa bỏ ý nghĩ cho phép doanh nghiệp được “một mình, một chợ”, vì như vậy thì sẽ không còn là thị trường”, nguồn tin riêng trên nhận định.