1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sẽ cắt giảm các trạm thu BOT bất hợp lý

(Dân trí) - Đây là khẳng định của ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tại buổi Tọa đàm Minh bạch thu phí các dự án đường BOT vừa được tổ chức tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Theo ông Trường, trước những ý kiến dư luận, doanh nghiệp thời gian qua về một số trạm thu phí bất hợp lý và có dấu hiệu tận thu, lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo từ năm 2016, những bất hợp lý về trạm sẽ được điều chỉnh với tinh thần chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa chủ đầu tư đường BOT và người dân.

"Chúng tôi sẽ rà soát lại các trạm thu phí, nhập các trạm lại mà vẫn đảm bảo nguồn thu cho các DN để trả nợ ngân hàng, giãn thời gian thu phí để giảm áp lực cho người dân, nghiên cứu giảm chi phí cho các xe lớn vận chuyển hàng trong khi đó giữ mức thu cũ cho các xe cá nhân”, ông Trường nói.


Từ năm 2016, những bất hợp lý về trạm sẽ được điều chỉnh với tinh thần chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa chủ đầu tư đường BOT và người dân. (Ảnh minh họa)

Từ năm 2016, những bất hợp lý về trạm sẽ được điều chỉnh với tinh thần chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa chủ đầu tư đường BOT và người dân. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, để giảm thiểu các chi phí phát sinh và hướng đến sử dụng công nghệ cao vào thu phí nhằm tránh thất thoát tiền phí, đến năm 2020, tất cả các trạm thu phí BOT đều phải xây dựng trạm thu sử dụng công nghệ thu tự động.

Chia sẻ về các bất ổn và những khó khăn dồn lên doanh nghiệp và người dân, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng: Mặc dù các dự án xã hội hóa xây dựng cầu đường bằng BOT có nhiều tích cực đối với phát triển nhưng nói về hiện trạng của các dự án BOT hiện nay phải nhấn mạnh đến yếu tố: phí chồng phí và phí bủa vây khắp nơi.

“Quy định 70 km mới được lập một trạm thu phí BOT, nhưng nhiều tuyến đường chỉ 100 km đã 4 trạm, điển hình cao tốc Hà Nội về Thái Bình. Xe giường nằm xuất phát từ bến nước ngầm về Ninh Bình chạy trên cao tốc có mức phí quá cao, trong khi xe chỉ có 5 – 7 người khách. Bộ GTVT xem có cách nào cứu DN không chứ không cứ dồn nén, sử dụng cao tốc là tốt nhưng đóng đến lúc nào. Tôi chỉ đủ tiền vào nhà nghỉ nhưng lại bắt chúng tôi phải vào khách sạn”, ông Liên nhấn mạnh.

Ông này kiến nghị, trong thời gian tới, chúng ta cần có lộ trình và kế hoạch làm đường cao tốc hoặc đường khác bằng hình thức BOT. Cái nào làm trước, cái nào chưa nên làm thì kiến nghị mở rộng. Không thể cùng lúc biến tất cả con đường thành BOT để thu phí được.

Về thực trạng dự án cao tốc Hà Nội - Thái Bình tồn tại 4 trạm thu phí BOT, ông Nguyễn Hồng Trường giải thích. Ta đi về Thái Bình có nhiều tuyến đường đi cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; đường 21 mới qua cầu Tân Đệ đến Thái Bình trên tuyến đường này chúng ta phải qua 4 trạm là bởi vì ta đi cao tốc. Nguyên tắc là đi km nào trả tiền km đó, song song với tuyến cao tốc đó chúng ta vẫn có quốc lộ 1 cũ, các doanh nghiệp vận tải đi đường quốc lộ 1 thì không mất phí. Thứ hai, đường quốc lộ 21 cũ thì không mất phí, chỉ đi vào quốc lộ 21 mới bằng hình thức BOT thì mới mất phí.

Còn cầu Tân Đệ, tồn tại BOT 10 năm rồi, nếu chúng ta đi đường này trên cao tốc, chúng ta sẽ chịu 1 lần phí. Tuy nhiên, đổi lại chúng ta đi nhanh, đáp ứng được quyền lợi. Đối với trạm khác, chúng tôi đã tính đến hết yếu tố của người dân, khi đặt để đáp ứng 70 km một trạm thu phí, chúng ta phải tránh khỏi khu vực đô thị, khoảng cách có thể xê dịch 60 - 70km, nếu rơi vào vùng nào đi chăng nữa, thì cũng là vùng có người dân đi lại và học sinh đi lại rất nhiều.

Chính vì thế, chúng tôi đã kiến nghị Bộ Tài chính cho phép chủ đầu tư dùng lợi nhuận của mình để giảm phí cho lượt đi qua. Hiện nay, chúng tôi đã triển khai đến các trạm là nếu đăng ký vé tháng qua đường BOT, sẽ giảm đối với người dân sống ven đó, thậm chí miễn hẳn đối với đối tượng chính sách.

Hiện, trên một số tuyến đường, dự án BOT đã nảy sinh nhiều tranh cãi giữa các liên doanh và chủ đầu tư với nhau. Đồng thời, mức phí hiện tại cũng khiến người dân nghi ngờ thiếu minh bạch và gian dối.

Ông Bùi Danh Liên cho rằng: Đầu tư BOT nên công khai, minh bạch ngay từ đầu, tôi băn khoăn rất nhiều hợp đồng BOT dài trăm trang, nhưng có hợp đồng ghi một số điều khoản bảo mật (không cung cấp thông tin bảo mật cho bất cứ người nào, ngoài lãnh đạo công ty đó). Bản hồ sơ một bên là Bộ GTVT ký, một bên là doanh nghiệp ký, ngoài hồ sơ không đóng dấu mật, vậy tại sao bên trong lại có điều khoản bảo mật?

Điều này làm xảy ra bất cập vì rất nhiều vụ các nhà đầu tư BOT cãi nhau vì không ăn chia đúng. Ngay cả doanh nghiệp với nhau nghi ngờ thì người dân không biết thông tin càng nghi ngờ hơn.

Ông Nguyễn Hồng Trường khẳng định, mức phí cao tốc là Bộ GTVT đưa ra sau khi đã cân đối mức thu nhập của người dân, lãi suất và khả năng trả nợ cùa ngân hàng. Hiện nay các dự án BOT đều được quản lý như một dự án ngân sách, đó là từ khi xin dự án, thi công và thu phí đều thông qua cơ quan Nhà nước đánh giá hiệu quả.

“Trước đây chúng ta thu phí trần đường BOT đối với xe con là 10.000 đồng, sau này mức giá tối đa là 25.000 đồng/km, sau đó nhân lên cho các xe khác, trên cơ sở đó, chúng tôi đã làm việc với các cơ quan tài chính để tính giá lãi suất ngân hàng để áp dụng sao cho vừa đảm bảo hoàn vốn chủ đầu tư, trả lãi ngân hàng, vừa đảm bảo sức chịu đựng của người dân”, ông Trường khẳng định.

Nguyễn Tuyền

Sẽ cắt giảm các trạm thu BOT bất hợp lý - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm