1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

SCIC và Viettel thoái thành công cổ phần tại Vinaconex, thu về tổng cộng gần 9.400 tỷ đồng

(Dân trí) - Qua 2 phiên đấu giá chiều nay (22/11), SCIC bán thành công 254,9 triệu cổ phần Vinaconex thu về 7.367 tỷ đồng trong khi Viettel bán thành công 94 triệu cổ phần, thu về hơn 2.000 tỷ đồng.

Phiên đấu giá cổ phần Vinaconex nhận được sự quan tâm từ dư luận bởi những thông tin liên quan tới nhà đầu tư.
Phiên đấu giá cổ phần Vinaconex nhận được sự quan tâm từ dư luận bởi những thông tin liên quan tới nhà đầu tư.

Chiều ngày 22/11, tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) diễn ra phiên đấu giá cổ phần Vinaconex (VCG) của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Theo đó, kết quả, SCIC đấu giá thành công 254,9 triệu cổ phần VCG (57,71%) với mức giá 28.900 đồng/cổ phần, cao hơn khoảng 10.400 đồng/cổ phần so với mức giá đóng của của VCG trong phiên giao dịch hôm nay. Tại mức giá này, nhà đầu tư đã phải bỏ ra 7.367 tỷ đồng, cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm SCIC công bố trước đó.

Trước đó, có 4 nhà đầu tư đăng ký mua trọn lô cổ phần VCG của SCIC là ông Nguyễn Văn Đông và 3 nhà đầu tư tổ chức gồm Công ty TNHH An Quý Hưng, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Thăng Long JTC và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest. Tuy nhiên phiên đấu giá hôm nay diễn ra chỉ với 3 nhà đầu tư tham gia do 1 nhà đầu tư xin rút lui ngay trước thời điểm diễn ra phiên đấu giá.

Mức giá thu về lần này được đánh giá là vượt kỳ vọng của SCIC. Hồi năm ngoái, SCIC từng chào bán 96,2 triệu cổ phần Vinaconex, tương đương 22% vốn của tổng công ty này nhưng kết quả không được như mong muốn khi chỉ bán được 5,3 triệu cổ phần, tương đương 1,2% vốn điều lệ.

Cùng với phiên đấu giá của SCIC, cũng trong chiều nay, Viettel đấu giá thành công trọn lô 94 triệu cổ phần VCG, tương đương 21,28%, thu về hơn 2.002,4 tỷ đồng.

2 nhà đầu tư tổ chức tham gia phiên đấu giá này gồm Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và Công ty cổ phần Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam. Trong đó, mức giá nhà đầu tư trúng thầu đưa ra chỉ cao hơn nhà đầu tư còn lại 72,5 nghìn đồng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam do con trai của nhà tư sản nổi tiếng Trịnh Văn Bô là ông Trịnh Cần Chính làm Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Trong khi đó, Công ty Cường Vũ là một doanh nghiệp mới vừa thành lập cuối năm 2017 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính, trong quý III vừa rồi, Vinaconex có doanh thu thuần đạt 2.222 tỷ đồng, giảm nhẹ 8,7% so với cùng kỳ, trong khi đó, lợi nhuận sau thuế cũng giảm tới 29% còn 185,4 tỷ đồng.

Vinaconex đang quản lý và sở hữu 3,2 triệu m2 đất, bao gồm 131,786 m2 được giao tại 9 công trình và 3 triệu m2 đất thuê đang thực hiện đầu tư tại 7 dự án khác. Trong đó, bao gồm Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora), Vinaconex có quyền sở hữu 50%.

Vinaconex cũng sở hữu một số lô đất hiện là trường học và chi nhánh của Tổng công ty như: Tòa nhà văn phòng tại Đà Nẵng, hơn 380 m2; Trường trung học - tiểu học - mầm non Lý Thái Tổ tại Hà Nội, 24.000 m2; Khu công nghệ cao Hòa Lạc, hơn 2,7 triệu ha; trạm bơm tăng áp 33.000 m2; trụ sở làm việc tại khu đất E10 quận Thanh Xuân gần 500 m2, Trường đào tạo công nhân xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội gần 8.500 m2…

Vinaconex còn có một loạt dự án đang triển khai như chung cư cũ 93 Láng Hạ, Vinata Tower 25 Nguyễn Huy Tưởng, Kim Văn - Kim Lũ, cải tạo chung cư cũ tại Quận 1, TP. HCM, chung cư 184 Lê Hồng Phong, cải tạo khu tập thể cũ phường Láng Hạ, dự án chung cư cũ Vạn Bảo, Thượng Đình (khu tập thể Nhà máy thuốc lá Thăng Long), cải tạo khu chung cư cũ Thanh Xuân Bắc…

Phương Dung

SCIC và Viettel thoái thành công cổ phần tại Vinaconex, thu về tổng cộng gần 9.400 tỷ đồng - 2