Scandal ở HP: bài học thuê thám tử ngầm

(Dân trí) - Nóng lòng dò tìm tung tích của thành viên hội đồng quản trị đã rò rỉ thông tin mật, đích thân nữ chủ tịch Patricia Dunn ra lệnh cho công ty thám tử tiến hành điều tra bằng thủ thuật “pretexting” - một mánh khóe khai thác thông tin cá nhân bị coi là phạm pháp theo Bộ luật dân sự Mỹ.

Rắc rối bắt nguồn từ việc hàng loạt thông tin mật của Hewlett-Packard liên tục trôi nổi ra bên ngoài không căn cớ, bao gồm cả những thông tin liên quan đến mọi vấn đề tranh cãi nội bộ Hội đồng quản trị. Những dấu hiệu đáng ngờ đầu tiên xuất hiện từ năm 2005.

 

Sau nhiều lần dò tìm trong vô vọng, Thomas Perkins - một nhân vật chủ chốt trong công ty, dưới lệnh của “nữ chủ soái” Patricia Dunn đã thuê hẳn 1 công ty thám tử điều tra vụ việc. Cuối cùng, cái tên George Keyworth cũng đã được phanh phui.

 

George A. Keyworth, một thời từng làm cố vấn khoa học cho tổng thống Ronald Reagan, rốt cục đã thừa nhận trong phiên họp kín hôm 18/5: chính ông đã tung ra ngoài 1 số thông tin mật của HP, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì ông khăng khăng từ chối từ chức. Dù sao, ông cũng sẽ buộc phải thôi việc trong nhiệm kỳ tới, sẽ bắt đầu từ tháng 3 năm sau.

 

Sự việc không đơn giản có thế.

 

Nếu chỉ là việc một thành viên then chốt làm rò rỉ thông tin nội bộ công ty thì chưa chắc đã tạo scandal tai tiếng đến vậy. Dư luận rùm beng ở chỗ: lãnh đạo HP đã dùng cách chơi không đẹp, hay nói đúng ra là “phạm pháp”, với việc sử dụng tiểu xảo “pretexting” trong quá trình điều tra kẻ giấu mặt.

 

Vậy thế nào là thủ thuật “pretexting”?

 

Có thể hiểu nôm na, “pretexting” là việc đội lốt danh tính người khác, thường là cảnh sát hoặc phóng viên để moi thông tin từ đối tượng cần khai thác, phần lớn các trường hợp là từ công ty cung cấp dịch vụ viễn thông. Mánh khóe này được thám tử, nhân viên điều tra và cả tội phạm sử dụng nhằm tiếp cận các nguồn cung cấp thông tin các nhân trực tiếp qua điện thoại. Khá dễ dàng, chỉ cần xưng 1 cái tên và chức danh đủ tin cậy là có thể nắm trong tay 1 danh sách chi tiết các cuộc gọi của kẻ cần theo dõi.

 

Mặc dù theo quy định của luật liên bang và luật 11 bang nước Mỹ, “pretexting” là hành động phạm pháp không thể chối bỏ nhưng trên thực tế, các công ty điều tra tư nhân và giới luật sư được ủy quyền vẫn luôn coi đó là hành động “có thể chấp nhận” trong 1 số lĩnh vực hoạt động ngầm.

 

Đạo luật Gramm-Leach-Bliley của liên bang cũng đã nghiêm cấm các đơn vị kinh doanh sử dụng “pretexting” trong mọi trường hợp, tuy nhiên giới thám tử tư độc lập vẫn điềm nhiên “nhắm mắt làm ngơ”. Thậm chí California và 1 số bang khác trên đất Mỹ còn cho phép sử dụng thủ thuật này để truy tìm những kẻ trốn tránh pháp luật - Tamara Thompson, 1 điều tra viên ở bang Oakland có kinh nghiệm 15 năm trong nghề cho biết.

 

Nói tóm lại, theo thống kê của giới chuyên gia bảo mật và viễn thông thì đến nay, chưa có cá nhân hoặc tổ chức nào bị kết tội hình sự hoặc dân sự do sử dụng “pretexting”. Hay nói cách khác, HP chính là “vật hiến tế” đầu tiên.

 

HP “pretexting” - có phạm luật hay không?

 

Chiến dịch “triệt phá đường dây rò rỉ thông tin” là do nữ chủ soái Patricia Dunn khởi xướng. Cũng chính bà là người phê chuẩn kịch bản “pretexting”, theo đó, các nhân viên điều tra đã giả danh phóng viên từ tạp chí Journal, CNET.com và 1 số hãng thông tấn khác nhằm tiếp cận bản kê chi tiết các cuộc điện thoại của kẻ tình nghi George Keyworth. Bản kê này tiết lộ: Keyworth đã giao du với những nhân vật nào trong giới truyền thông.

 

Chẳng còn gì để bàn cãi khi trong cuộc điều trần với Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái hôm thứ 4 (6/8), HP đã không ngần ngại thừa nhận: quá trình “pretexting” của hãng bao gồm giả mạo làm khách hàng để đột nhập vào kho dữ liệu của công ty điện thoại, lừa đảo trung tâm dịch vụ khách hàng nhằm bắt họ “nhả” ra 1 số thông tin cá nhân.

 

Đại diện HP cho biết, trước khi tiến hành vụ điều tra nội bộ này, công ty đã tham khảo tư vấn của luật sư và được khẳng định: thủ thuật pretexting “nhìn chung là không phạm luật”, tuy nhiên việc hãng thám tử tư được thuê cũng như các nhân viên mà họ sử dụng có làm tuân thủ cặn kẽ mọi khía cạnh mà luật đã quy định hay không, điều này HP không dám chắc.

 

Nói đi nói lại, chiến dịch mật thám của HP đã vi phạm ít nhất 2 đạo của luật bang California: đánh cắp thông tin cá nhân và xâm phạm bất hợp pháp dữ liệu máy tính, chưa kể vi phạm Đạo luật Ủy ban Thương mại Liên bang, quy định về các hành vi lừa đảo trong hoạt động kinh doanh.

 

Câu hỏi: HP có phạm tội không? Câu trả lời là: Có. Nhưng hành động này có đủ để đưa gã khổng lồ này ra trước tòa án dân sự hay không, theo trưởng công tố viên Bill Lockyer của tòa án bang California: “Cứ theo đà liên tục phát hiện chứng cứ xấu như thế này thì 1 vụ khởi tố là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên chúng tôi vẫn muốn điều tra thêm cho thật kĩ”.

 

 

Khôi Vinh

Tổng hợp

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm