Sáu tháng sóng gió, những nghịch lý trong nhà Cường Đôla

Nỗi sợ hãi doanh nghiệp nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) biến mất. Giới đầu tư lại tung tiền vào cổ phiếu nóng QCG.

Sau một chuỗi ngày giảm liên tục, từ đỉnh cao gần 30 ngàn đồng/cp xuống gần mệnh giá (10 ngàn đồng/cp), cổ phiếu QCG bất ngờ quay đầu tăng trần 2 phiên liên tục. Cơ hội “ăn bằng lần” ở cổ phiếu QCG nhà Cường Đôla lại xuất hiện nhưng tiềm ẩn rủi ro rất lớn.

Trước đó trong quý 2/2017, cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai nhà ông Nguyễn Quốc Cường trở thành điểm sáng nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) với cú tăng giá 5 lần, từ mức 6 ngàn đồng lên vùng 30 ngàn đồng/cp. Nếu tính từ cuối năm 2016, QCG đã tăng tổng cộng 8,5 lần, từ mức đáy 3.400 đồng/cp.

Cơn sốt giá cổ phiếu QCG bắt đầu từ tin đồn QCG bán dự án khu dân cư Phước Kiển. Thông tin này hé lộ trong báo cáo tài chính với khoản tạm ứng tổng cộng 50 triệu USD từ CTCP Đầu tư Sunny Island để tất toán nợ vay với một ngân hàng. Số tiền này Quốc Cường Gia Lai sẽ cấn trừ vào trong hợp đồng chuyển nhượng khi hai bên hoàn tất đàm phán.

Cú tạm ứng tiền đã giúp tình hình tài chính của QCG cải thiện đáng kể, nợ vay ngắn hạn giảm gần 1,5 ngàn tỷ đồng, xuống chỉ còn hơn 300 tỷ đồng. Đây thực sự là một cú huých cho doanh nghiệp nhà ông Nguyễn Quốc Cường. Cổ phiếu QCG tăng giá còn do thông tin QCG tạm ứng cổ tức bằng tiền và khi đó xuất hiện một nhà đầu tư khá nổi tiếng: ông Lê Quốc Hưng (Hưng Gimiko).

Làn sóng bắt đáy đã đẩy cổ phiếu QCG tăng vọt trong một thời gian rất ngắn, lập kỷ lục mới sau nhiều năm loanh quanh giao dịch dưới mệnh giá.

Sáu tháng sóng gió, những nghịch lý trong nhà Cường Đôla - 1

Tuy nhiên, ngay sau khi QCG lên đỉnh, hàng loạt các tin xấu dồn dập đến với cổ phiếu này. Thông tin chủ nợ của QCG bán chui QCG khi cổ phiếu ở đỉnh, rồi thông tin sai lệch về cổ đông do “lỗi đánh máy”… khiến cổ phiếu này quay đầu giảm nhanh.

Lãnh đạo QCG bất ngờ khẳng định, dự án Phước Kiển chưa được chuyển nhượng. Đối tác chỉ tạm ứng trước cho QCG để giải quyết các khoản nợ liên quan đến dự án và nếu trong tháng 10 năm 2017, Công ty không hoàn tất được việc giải tỏa, bàn giao quỹ đất sạch thì sẽ phải đền bù cho đối tác 25 triệu USD.

Trên TTCK, có khá nhiều cổ phiếu cũng tăng mạnh rồi giảm sốc giống như QCG của nhà Cường Đôla.

Cổ phiếu ROS của Xây dựng Faros của tỷ phú USD Trịnh Văn Quyết có thời gian giảm 50% trong vòng 2 tháng xuống dưới 80 ngàn đồng/cp hồi giữa tháng 7/2017 trước khi tăng vọt trở lại và hiện ở mức trên 210 ngàn đồng/cp.

Cổ phiếu HAI từng tăng 5 lần trong khoảng 1 tháng và cũng chỉ khoảng 1 tháng sau đó bốc hơi 70%. Nhiều cổ phiếu có diễn biến sóng gió như vậy như: HAR, KLF, HKB, FIT…

Tuy nhiên, hàng loạt các cổ phiếu blue-chips trên TTCK có diễn biến giá tích cực trong hơn 10 tháng qua. Nhiều cổ phiếu theo một chiều đi lên và lập những đỉnh cao mới. Đây hầu hết là các cổ phiếu đầu ngành như: MWG, VJC, VIC, PNJ…

Cổ phiếu TRA của Traphaco của bà Vũ Thị Thuận gần đây cũng lập mức giá kỷ lục cao mới. Traphaco là một trong những doanh nghiệp đầu ngành dược phẩm. Trong giới đầu tư đang lan truyền thông tin một đại gia dược phẩm Hàn Quốc có thể trở thành đối tác chiến lược tại doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán trong phiên cuối tuần diễn biến tích cực. Sức cầu bắt đáy ở các cổ phiếu lớn cùng với lực mua ròng mạnh (630 tỷ đồng) từ khối ngoại đã giúp VN-Index bật tăng hơn 10 điểm.

Hàng loạt cổ phiếu đảo chiều tăng mạnh sau chuỗi ngày điều chỉnh giảm sâu.

Một số CTCK cho rằng, đà bật tăng trở lại trong phiên cuối tuần đã giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư. Mặc dù vậy, chưa có đủ các dấu hiệu để tin tưởng chỉ số sẽ tiếp tục đi lên bền vững. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước chứng tỏ nhà đầu tư vẫn còn khá thận trọng trước diễn biến tích cực của thị trường.

Chỉ số tuần này đã có những phiên biến động mạnh nhưng nhìn chung VN-Index đang vận động xung quanh vùng 840 điểm. Phiên tăng điểm mạnh hôm cuối tuần có thể chỉ là sự phục hồi sau phiên giảm điểm ngày hôm trước.

Về tổng thể, thị trường chứng khoán được đánh giá có triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực. Quy mô và chất lượng sẽ còn tăng mạnh và đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/11, VN-index tăng 10,64 điểm lên 843,73 điểm; HNX-Index tăng 0,94 điểm lên 104,36 điểm. Upcom-Index tăng 0,58 điểm lên 52,79 điểm. Thanh khoản đạt 260 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt hơn 5 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.

Theo H. Tú
VietnamNet