1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nikkei Asia:

Sau 3 lần đón "đại bàng", Việt Nam có thể có đợt bùng nổ FDI lần thứ 4

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Theo Nikkei Asia, Việt Nam có thể sắp đón làn sóng đầu tư mới sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden vào tháng trước.

Trước đó, Việt Nam đã chứng kiến 3 đợt bùng nổ về đầu tư trực tiếp nước ngoài. Lần đầu tiên khi Honda Motor bắt đầu sản xuất xe máy tại Việt Nam vào năm 1997. Làn sóng thứ 2 từ đầu những năm 2000 đến năm 2008.

Làn sóng thứ 2 kéo dài từ những năm 2000 đến năm 2008 khi ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ, gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong khoảng thời gian này, Samsung Electronics đầu tư cơ sở sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh năm 2009.

Đợt bùng nổ thứ 3 đã diễn ra mạnh mẽ vào giữa những năm 2010. Với sức mua ngày càng tăng, Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp tiêu dùng nước ngoài. Năm 2014, ông lớn bán lẻ Nhật Bản Aeon đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại TPHCM.

Theo Nikkei Asia, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể mở ra một kỷ nguyên mới về liên kết kinh tế giữa 2 nước. Việt Nam có thể sắp đón nhận một đợt bùng nổ đầu tư nước ngoài lần thứ 4.

Tháng 9, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước.

Sau 3 lần đón đại bàng, Việt Nam có thể có đợt bùng nổ FDI lần thứ 4 - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden dự Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ về đổi mới sáng tạo và đầu tư (Ảnh: Mạnh Quân).

Chuyến đi của ông Biden mang đến một số thương vụ kinh doanh lớn. Có thể kể đến thỏa thuận ghi nhớ trị giá 10 tỷ USD trong lĩnh vực dịch vụ hàng không giữa Vietnam Airllines và Boeing để mua 50 tàu bay 737 Max. FPT Software cũng công bố hợp tác chiến lược với công ty khởi nghiệp Landing AI của Mỹ.

Synopsys, chuyên về các giải pháp phần mềm thiết kế bán dẫn, IP và bảo mật phần mềm hàng đầu trong ngành, cũng ký biên bản ghi nhớ hợp tác giúp ngành bán dẫn Việt Nam đào tạo lao động.

Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có chuyến công tác tại Mỹ. Khi thăm trụ sở của "gã khổng lồ" sản xuất chip Nvidia, Thủ tướng mong muốn Nvidia sớm có nhà máy sản xuất tại Việt Nam, lấy Việt Nam làm cứ điểm tại khu vực Đông Nam Á.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tiếp lãnh đạo một số tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ như nhà sáng lập như Bill Gates, Elon Musk.

Việt Nam hiện muốn chuyển hướng từ các ngành sử dụng nhiều lao động truyền thống như dệt may, lắp ráp điện tử sang các ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn hơn. Sự hợp tác với các công ty công nghệ Mỹ, đặc biệt là các công ty chiếm vị thế trong lĩnh vực bán dẫn, AI, sẽ rất quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu công nghiệp đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa qua đã yêu cầu xây dựng đề án phát triển nhân lực với mục tiêu đào tạo 30.000-50.000 kỹ sư, 100 chuyên gia về chuyển đổi số, sản xuất chip, bán dẫn. Việt Nam cũng đang cân nhắc các biện pháp, chính sách mới để thu hút các công ty đa quốc gia.

Trước đó, FDI của Mỹ vào Việt Nam khiêm tốn hơn nhiều so với các nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tính đến cuối 2022, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam là 11,4 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có rót vốn vào thị trường Việt Nam. Con số này khá khiêm tốn so với các quốc gia khác như Hàn Quốc (80,9 tỷ USD), Singapore (70,8 tỷ USD), Nhật Bản (68,8 tỷ USD).

Theo Nikkei Asia