Lãnh đạo Tổng Cục Thuế:

Sắp tới sẽ dùng số căn cước công dân làm mã số thuế

Kim Ngọc

(Dân trí) - Ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế cho biết sắp tới sẽ dùng số căn cước công dân làm mã số thuế, bỏ mã số thuế cá nhân.

Bỏ mã số thuế cá nhân, dùng số căn cước công dân

Chiều nay (16/6), hội thảo Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước) phối hợp với báo Tuổi Trẻ và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức đã diễn ra.

Ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng Cục Thuế (Bộ Tài chính), cho biết sắp tới sẽ dùng số căn cước công dân làm mã số thuế, bỏ mã số thuế cá nhân. Nội dung này là quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính. Khi người dân được cấp căn cước công dân sẽ được coi như cấp mã số thuế.

Theo ông Toàn, việc này nhằm 3 mục tiêu: thuận tiện cho người nộp thuế là cá nhân chỉ sử dụng một mã duy nhất, tạo thuận lợi trong việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngân hàng cũng dễ dàng quản lý thông tin đăng ký tài khoản, liên kết tài khoản với cơ quan thuế và hỗ trợ nộp thuế.

Sắp tới sẽ dùng số căn cước công dân làm mã số thuế - 1

Sắp tới sẽ dùng số căn cước công dân làm mã số thuế, bỏ mã số thuế cá nhân (Ảnh minh họa: DT).

Để thực hiện kế hoạch này, ông Toàn cho rằng phải đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và làm sạch dữ liệu. Tính đến nay, ngành thuế đã cấp 75 triệu mã số thuế cá nhân, chủ hộ, cá nhân kinh doanh, người phụ thuộc. Nhưng khi rà soát, đối chiếu thì cơ quan thuế phát hiện nhiều trường hợp đã chết hoặc mất tích chưa được ngành thuế cập nhật kịp thời. Quá trình đối chiếu, làm sạch dữ liệu đang được đẩy nhanh, đến nay đã có 52/75 triệu mã số thuế được rà soát.

Cũng tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng dữ liệu là đặc biệt quan trọng. Việc kết nối dữ liệu sẽ giúp ngân hàng hiểu biết sâu sắc về hành vi của khách hàng, giúp bán chéo sản phẩm; góp phần ngăn chặn hành vi gian lận lừa đảo, tăng cường công tác thông tin bảo mật…

Ông đánh giá hạ tầng thanh toán đã phát triển mạnh mẽ, bình quân đạt thanh toán 40 tỷ USD mỗi ngày. Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đang kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực làm sạch dữ liệu.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt nhằm tạo ra hành lang pháp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thời gian sắp tới. Ngân hàng Nhà nước đang sửa thông tư 39 năm 2016 hướng dẫn về cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Đặc biệt, ngành ngân hàng nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

TPHCM muốn dẫn đầu cả nước về thanh toán không tiền mặt

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết TPHCM rất quan tâm đến xu hướng mới như kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt. Thành phố luôn có ý thức, có sự chuẩn bị cũng như những giải pháp để tiếp nhận những xu hướng này nhằm tạo thuận lợi nhất cho phát triển.

Sau khi Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 1813 phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, TPHCM đã tổ chức triển khai ngay. Ông Mãi nói đến nay, các cơ quan nhà nước như y tế, giáo dục, bảo hiểm, giao thông đã tiến hành thanh toán không tiền mặt. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại TPHCM đã đạt 30%.

Trong thời gian tới, TPHCM sẽ thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cũng như tuyên truyền rộng rãi hơn nữa. Hiện TPHCM đã ban hành chiến lược dữ liệu và thời gian tới sẽ triển khai để làm nền tảng cho thanh toán không tiền mặt, kể cả chính sách khuyến khích không tiền mặt. Lãnh đạo UBND TPHCM cho biết mục tiêu của thành phố là hướng đến dẫn đầu thanh toán không tiền mặt cả nước.