Sắp tăng thuế nhập khẩu xe tải từ Trung Quốc

(Dân trí) - Bộ Tài chính cho hay đang xem xét điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với các chủng loại xe chuyên dùng phù hợp với năng lực sản xuất trong nước nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, lắp ráp xe chuyên dùng.

 

Trung bình thì mỗi tháng người dân Việt Nam đã chi ra xấp xỉ 100 triệu USD, tương đương khoảng 2.200 tỷ đồng, để mua các loại ôtô có xuất xứ Trung Quốc, trong đó đa phần là xe tải và xe chuyên dụng.
Trung bình thì mỗi tháng người dân Việt Nam đã chi ra xấp xỉ 100 triệu USD, tương đương khoảng 2.200 tỷ đồng, để mua các loại ôtô có xuất xứ Trung Quốc, trong đó đa phần là xe tải và xe chuyên dụng.

Bộ Tài chính vừa nhận được công văn kiến nghị về chính sách nhập khẩu ưu đãi đối với xe tải nguyên chiếc so với bộ linh kiện nhập khẩu để sản xuất lắp ráp (bộ linh kiện).

Bộ Tài chính cho biết, theo công văn doanh nghiệp kiến nghị thì hiện nay các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu linh kiện để sản xuất lắp ráp xe ô tô phải chịu nhiều loại chi phí đầu tư và sản xuất, lắp ráp như: chi phí đầu tư dây chuyền sản xuất tương đối lớn, thời gian hoàn vốn lâu; chi phí quản lý, nhân công phục vụ lắp ráp xe trong nước lớn hơn nhiều so với nhập khẩu do điều kiện khắt khe.

Các chi phí trên cộng với thuế nhập khẩu linh kiện (CKD) thì chi phí từng chủng loại xe nhập linh kiện từ Trung Quốc lắp ráp tạo ra thành phẩm sẽ tương ứng khoảng 24-26,68%. Trong đó, các dòng xe tải đến 20 tấn có mức thuế suất của xe nguyên chiếc cao hơn nhập linh kiện rời lắp ráp từ 6-66%.

Ngoài ra, lắp ráp xe cũng phải bao gồm nhiều loại chi phí như: chi phí khấu hao đầu tư dây truyền sản xuất lắp ráp, chi phí quản lý, đào tạo nhân công phục vụ sản xuất, chi phí nhân công lắp ráp và các chi phí điện nước khác.

Theo đó, doanh nghiệp kiến nghị xem xét điều chỉnh mức thuế nhập khẩu của xe ô tô tải nguyên chiếc và bộ linh kiện CKD. Cụ thể, giữ nguyên thuế nhập khẩu linh kiện lắp ráp đối với các dòng xe trên 20 - 24 tấn; 24 - 45 tấn; 24 - 45 tấn. Đồng thời, điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu xe nhập nguyên chiếc đối với các dòng xe tương ứng thêm 10-18% lên mức 28-30%.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ Tài chính cho hay, có thể xem xét điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với các chủng loại xe chuyên dùng phù hợp với năng lực sản xuất trong nước nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, lắp ráp xe chuyên dùng. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế suất các chủng loại xe chuyên dùng lên 20%.

Cụ thể, đối với 12 dòng xe động lạnh, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế 7 dòng xe từ 15% lên 20%; giữ nguyên mức hiện hành của 3 dòng xe ở mức 20% và 2 dòng xe đông lạnh trên 45 tấn ở mức 0%. Đối với xe thu gom phế thải điều chỉnh tăng thuế 8 dòng xe từ 15% lên 20%; giữ nguyên 2 dòng thuế ở mức 45% và 2 dòng thuế ở 0%. Tương tự, các chủng loại xe xitec, xe chở xi măng kiểu bồn hay xe chở bùn có thùng rời… cũng được điều chỉnh lên tối đa 20% và giữ nguyên mức 0% với 1 số dòng trên 45 tấn.

Về việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện, phụ tùng ô tô, Bộ Tài chính cho rằng, hầu như không mang lại nhiều ý nghĩa trong việc khuyến khích nhập khẩu linh kiện, phụ tùng từ những nước có công nghệ tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc để sản xuất, lắp ráp xe trong nước. Do đó, trước mắt Bộ Tài chính đề nghị thực hiện mức thuế nhập khẩu ưu đãi theo quy định hiện hành.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), tổng nhập khẩu ôtô từ Trung Quốc trong 7 tháng năm 2015 đạt 18.008 chiếc về lượng và 696,1 triệu USD về giá trị. Như vậy, tính trung bình thì mỗi tháng người dân Việt Nam đã chi ra xấp xỉ 100 triệu USD, tương đương khoảng 2.200 tỷ đồng, để mua các loại ôtô có xuất xứ Trung Quốc. Tuyệt đại đa số ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc đều là xe tải và xe chuyên dụng, tỷ lệ xe du lịch là rất thấp.

Theo giới kinh doanh trong ngành, lượng ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc tăng đột biến trong thời gian qua chủ yếu do Việt Nam đang tăng nhập khẩu dòng xe tải của nước này. Nhu cầu vận tải tăng cao cộng với giá cạnh tranh so với các dòng xe tải của Hàn Quốc hay Nhật Bản là nguyên nhân khiến xe tải Trung Quốc được ưa chuộng.

Còn theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh nhu cầu vận tải tăng lên, Việt Nam nhập nhiều xe cỡ lớn còn do chính sách kiểm soát chặt trọng tải, điều này “vô tình” kích cầu cho Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam.

Trước đó, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam từng có đơn kêu cứu tới Thủ tướng Chính phủ về hiện tượng ô tô tải nhập khẩu nguyên chiếc, đặc biệt là ô tô tải Trung Quốc đang tràn về Việt Nam với số lượng rất lớn.

Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước cũng cho biết phải đối mặt với nguy cơ cạnh tranh không cân sức khi thuế nhập khẩu nguyên chiếc còn thấp hơn thuế linh kiện để lắp ráp, sản xuất. Nhiều doanh nghiệp cũng tập trung nhập khẩu thay vì đầu tư dây chuyền sản xuất.

Phương Dung

Sắp tăng thuế nhập khẩu xe tải từ Trung Quốc - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm