1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chốt ngày "cắt" ưu đãi, ô tô nội lại "tụt dốc"

Sang năm 2021, khi ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ không còn thì ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ gặp bất lợi trước xe nhập khẩu. Khách hàng có tiền lại hướng đến những chiếc xe ngoại nhiều công nghệ, hiện đại, giá rẻ.

Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không xem xét tiếp tục kéo dài thời gian hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ ô tô khi quy định này hết hiệu lực từ 1/1/2021. Đến nay, cũng không có doanh nghiệp hay hiệp hội ô tô nào kiến nghị lên Chính phủ xin được gia hạn ưu đãi lệ phí trước bạ. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, hết năm 2020, ưu đãi lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ chính thức chấm dứt.

Sản xuất phục hồi

Có thể nói, nhờ chính sách hỗ trợ giảm 50% phí trước bạ và áp thuế nhập khẩu 0% với nguyên liệu, linh kiện, vật tư trong nước chưa sản xuất được từ tháng 7/2020 đã giúp cho sản xuất lắp ráp ô tô hồi phục.

Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, doanh số bán ô tô từ tháng 7 đến 10/2020 đạt 105.266 chiếc, tương đương với doanh số bán cùng kỳ 2019 là 104.864 chiếc. Trong đó, xe lắp ráp trong nước bán ra đạt 67.281 chiếc, vượt xa con số 57.405 chiếc từ tháng 7 đến 10/2019. Có thể nói sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đã hồi phục ấn tượng.

Chốt ngày cắt ưu đãi, ô tô nội lại tụt dốc - 1

Không còn được hưởng ưu đãi 50% lệ phí trước bạ, ô tô trong nước sẽ mất đi lợi thế.

Các doanh nghiệp cho biết, nhiều nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đã hoạt động bình thường như thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Hàng tồn kho đã giảm. Dự báo sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 11 và 12/2020.

Nhiều mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước đã giảm bớt ưu đãi. Nếu trước đây, tùy thuộc vào đại lý, Toyota Vios nhận được ưu đãi lên tới 25-35 triệu đồng thì nay chỉ còn 15-20 triệu đồng; Toyota Innova nhận được ưu đãi từ 75-100 triệu đồng nay chỉ còn khoảng 30-40 triệu đồng và gói quà tặng.

Mẫu Mazda CX-5 lại được hãng điều chỉnh tăng nhẹ 10 triệu đồng cho 3 phiên bản 2.0L Deluxe, 2.0L Luxury và 2.0L Premium lên mức 869 triệu và 909 triệu đồng. Mazda CX-8 cũng tăng nhẹ 10 triệu đồng cho 2 phiên bản tầm trung là Luxury và Premium.

Tuy nhiên, trên thị trường vẫn còn một số mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước được ưu đãi lớn. Chẳng hạn, mẫu Honda CR-V bản L cao cấp nhất khách mua được giảm từ 77-80 triệu đồng tiền mặt, tặng thêm gói phụ kiện từ 75-85 triệu tùy đại lý. Hay mua Hyundai Santa Fe bản 2.4 máy xăng cao cấp được giảm 50 triệu đồng. Còn mua VinFast Lux A 2.0 được giảm 80 triệu đồng và Lux SA 2.0 được giảm 120 triệu đồng,...

Xe mua xong đi đăng ký được giảm 50% lệ phí trước bạ, tính ra số tiền tiết kiệm được rất lớn.

Xe nội sắp mất ưu thế

Giá xe trong nước giảm mạnh khiến cho ô tô nhập khẩu cũng giảm giá theo. Nhiều mẫu xe nhập khẩu hiện cũng được nhà phân phối giảm giá tương đương từ 50-100% lệ phí trước bạ.

Không những thế, một loạt ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất cho vay mua ô tô, chỉ còn 5,9%/năm cho 3 tháng đầu, hoặc cố định cho 3 năm đầu chỉ 8,3%/năm. Vì vậy, mua ô tô thời điểm này khách hàng được hưởng lợi kép.

Chốt ngày cắt ưu đãi, ô tô nội lại tụt dốc - 2

Sản xuất vừa mới hồi phục có thể lại đối mặt với khó khăn, khi xe nhập khẩu giá rẻ tràn vào.

Các doanh nghiệp ước tính năm 2020 doanh số bán ô tô sẽ đạt khoảng 400.000 xe các loại, tương đương với 2019, không bị tăng trưởng âm như dự báo hồi đầu năm. Đó là nhờ các chính sách ưu đãi từ Chính phủ kết hợp với của các doanh nghiệp đã kéo giá xe giảm và kích cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, thách thức đang chờ đợi các nhà sản xuất ô tô trong nước khi phải cạnh tranh với xe nhập khẩu. Hiện tỷ lệ nội địa hóa với ô tô trong nước chỉ vào khoảng 10-20%, thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia là 60-80%. Chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn Thái Lan và Indonesia 15-20%, làm giảm tính cạnh tranh so với các mẫu xe nhập khẩu.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 10/2020, lượng xe ô tô nhập khẩu đạt 13.653 chiếc, tăng 7,8% so với tháng 9. Lượng xe nhập khẩu đã về mức ngang bằng với thời điểm chưa diễn ra đại dịch Covid-19.

Sang đầu năm 2021 khi ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ không còn, thì ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ gặp bất lợi trước xe nhập khẩu. Các chính sách ưu đãi cho xe sản xuất lắp ráp trong nước đủ mạnh chưa nhìn thấy đâu. Trong khi đó, xu hướng của ô tô thế giới là tăng thêm nhiều công nghệ mới và giảm giá bán.

Một chính sách quan trọng được các doanh nghiệp mong chờ là điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế đối với ô tô. Mức thuế này quá cao, hạn chế người dân sử dụng ô tô, khiến sản xuất ô tô không phát triển. Tuy nhiên, bàn mãi vẫn chưa thông. Nếu chính sách này được áp dụng, thì giá nhiều mẫu ô tô trong nước sẽ giảm khoảng 10% trong năm 2021, như vậy mới tăng được năng lực cạnh tranh.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang trong vòng luẩn quẩn. Sức cạnh tranh các xe nội địa quá yếu, vì thế sẽ gặp khó trong năm 2021 dù thị trường được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 10%.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm