1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Sắp điều tra khu vực kinh tế ngầm và bất hợp pháp

(Dân trí) - Tổng cục Thống kê cho biết đã xây dựng đề án điều tra khu vực kinh tế ngầm, bất hợp pháp và được Thủ tướng phê duyệt. Tổng cục này sẽ xác định nội hàm kinh tế bất hợp pháp và kinh tế ngầm, từ đó xác định phương thức thu thập thông tin.

Tại cuộc họp báo chuyên đề về đánh giá lại quy mô GDP sáng nay (13/12), ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê thông tin về việc cơ quan này đánh giá lại GDP Việt Nam từ năm 2010 đến 2017 và việc điều tra khu vực kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, việc điều tra khu vực kinh tế chưa được quan sát mới chỉ làm rõ được 3 thành tố trong 5 thành tố.

Theo ông Lâm, cơ quan này đã xây dựng đề án điều tra khu vực kinh tế ngầm và bất hợp pháp, Thủ tướng cũng phê duyệt, Tổng cục này xác định nội hàm kinh tế bất hợp pháp và kinh tế ngầm là gì? Từ đó xác định phương thức thu thập thông tin thế nào để phán ánh được kết quả hoạt động của hai lĩnh vực này.

Sắp điều tra khu vực kinh tế ngầm và bất hợp pháp - 1

Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Cũng tại cuộc họp báo, đại diện Tổng cục Thống kê thông tin nhờ đánh giá lại quy mô nền kinh tế nên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của người dân Việt Nam giai đoạn năm 2010 - 2017 mỗi năm tăng khoảng 5 triệu đồng/người. 

Cần phải nói thêm rằng, năm 2017, Tổng cục Thống kê công bố GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 53,5 triệu đồng (khoảng 2.300 USD/người/năm). Tuy nhiên, sau khi đánh giá lại, GDP bình quân đầu người đạt 66,8 triệu đồng/người (khoảng 2.900 USD/người/năm), tăng hơn khoảng 15 triệu đồng so với GDP bình quân công bố ban đầu. 

Xung quanh nghi vấn của dư luận về mục tiêu đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế nhằm nới trần nợ công và tăng dư địa cho Chính phủ vay thêm nợ nước ngoài, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm khẳng định: Đánh giá lại quy mô GDP là việc thường xuyên của các nền kinh tế như Mỹ, Trung Quốc đã làm để có chính sách, đối sách điều hành phù hợp, hạn chế chính sách sai lệch.

“Nhà thống kê chụp ảnh nguyên trạng bức tranh kinh tế, hiệu quả thực thi chính sách là của các bộ, ngành, trên cơ sở nghiên cứu sâu, chi tiết hơn vào hiệu quả của điều hành các Bộ ngành. Chúng tôi đánh giá lại GDP không phải để Chính phủ có dư địa tăng vay nợ hay nới trần nợ công” - ông Lâm nói.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, việc đánh giá lại GDP người dân sẽ không được hưởng lợi trực tiếp, tuy nhiên về gián tiếp thì có.

“Người dân hưởng lợi từ chính sách đúng đắn, kịp thời và hiệu quả của Chính phủ. Ví dụ cơ cấu kinh tế thay đổi, Chính phủ có chính sách thay đổi phù hợp với hội nhập kinh tế. Khi chúng tôi công bố chỉ tiêu, Chính phủ có chính sách cho phù hợp với tiêu dùng”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói.

Ông này ví dụ: Chính phủ có chính sách thoả đáng về nhà ở, người dân sẽ cảm thấy giàu hơn, chi tiêu nhiều hơn. Chính sách ngân hàng đúng đắn, kịp thời thì cho vay mua sắm, mua nhà sẽ nhiều hơn, thuận lợi hơn.

Theo Tổng cục Thống kê, quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%/năm giai đoạn 2010-2017, tương ứng tăng 935 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó năm 2011 có tỷ lệ tăng cao nhất với 27,3% và năm 2015 có tỷ lệ tăng thấp nhất là 23,8%. Năm 2017, quy mô GDP sau khi đánh giá lại đạt 6.294 nghìn tỷ đồng (số đã công bố trước đây là 5.006 nghìn tỷ đồng).

GDP bình quân đầu người đánh giá lại giai đoạn 2010-2017 tăng bình quân khoảng 25,6% mỗi năm so với số đã công bố, tương ứng với tăng 10,3 triệu đồng/người (1.421 USD/người tính theo sức mua tương đương PPP).

Giai đoạn 2010-2017, đánh giá lại GDP bình quân đầu người mỗi năm tăng bình quân khoảng 5 triệu đồng/người. Năm 2017, GDP bình quân đầu người đánh giá lại đạt 66,8 triệu đồng/người, gấp 2,1 lần năm 2010 và tăng 13,7 triệu đồng/người so với số đã công bố.

Tính theo sức mua tương đương, trong giai đoạn 2010-2017, GDP bình quân đầu người đánh giá lại mỗi năm tăng bình quân 399 USD-PPP/người. Năm 2017, GDP bình quân đầu người đánh giá lại đạt 8.655 USD/người, gấp 1,5 lần năm 2010 và tăng 1.771 USD-PPP/người so với số đã công bố. 

An Linh