ĐHĐCĐ Sacombank:

Sao ông Trầm Bê ra đi "không chào ai"?

(Dân trí) - Sáng nay 30/6, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (Hose: STB) đã tiến hành tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2015 - 2016. Cổ đông thắc mắc vì sao ông Trầm Bê đi mà không chào ai.

ĐHĐCĐ Sacombank: Sao ông Trầm Bê ra đi "không chào ai!"

Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (Hose: STB) đang diễn ra dù chưa đến phần thảo luận nhưng đã xảy ra căng thẳng, lớn tiếng của cổ đông.

Ông Phan Huy Khang, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc STB đã có báo cáo kết thúc nhiệm vụ của HĐQT nhiệm kỳ 2010 - 2015 đồng thời thông báo về danh sách 6 ứng viên HĐQT và Ban kiểm sát (BKS) nhiệm kỳ 2017 - 2021.

Sao ông Trầm Bê ra đi "không chào ai"? - 1

Trong danh sách 6 ứng viên vào HĐQT STB có sự tham gia của ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam, người vừa từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienVietPostBank cách đây không lâu (ngày 31/5/2017).

Ngoài ra, 5 ứng viên HĐQT STB còn lại cũng đã được NHNN phê duyệt là: Ông Kiều Hữu Dũng (Chủ tịch HĐQT Sacombank đương nhiệm), ông Nguyễn Miên Tuấn (Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank đương nhiệm), ông Nguyễn Xuân Vũ (Phó Tổng giám đốc Sacombank), ông Phạm Văn Phong (Giám đốc Vietcombank - CN Daklak), bà Lê Thị Hoa (Thành viên HĐQT độc lập).

Sao ông Trầm Bê ra đi "không chào ai"? - 2
Cổ đông quan tâm theo dõi diễn tiến đại hội
Cổ đông quan tâm theo dõi diễn tiến đại hội

Danh sách 4 ứng viên vào BKS không có gì thay đổi, bao gồm: ông Trần Minh Triết (Phó Giám đốc Vietcombank - CN Bình Tây), bà Lê Thị Thanh Mai (Phó BKS Sacombank đương nhiệm), ông Lê Văn Tòng (Thành viên BKS Sacombank đương nhiệm), ông Hà Tôn Trung Hạnh (Phó Tổng giám đốc Sacombank). Tất cả các ứng viên BKS đều là thành viên chuyên trách.

Ngay trong phần công bố tờ trình về danh sách ứng viên HĐQT, BKS, cổ đông đã lớn tiếng yêu cầu truy trách nhiệm đối với ông Trầm Bê, nguyên Chủ tịch HĐQT Sacombank.

Cổ đông Lê Thị Kim Cúc truy trách nhiệm ông Trầm Bê
Cổ đông Lê Thị Kim Cúc truy trách nhiệm ông Trầm Bê

Cổ đông Lê Thị Kim Cúc hỏi: "Sao hôm nay không có ông Trầm Bê? Ông này phá hoại nhất mà sao hôm nay không có mặt?".

Bà Cúc cho biết, năm 2015, bà cũng như nhiều cổ đông khác không đồng ý sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank. Cổ phiếu trước khi sáp nhập "cao chót vót" thì nay "thấp lè tè". Trong 3 năm qua, kể từ khi sáp nhập, STB không chia cổ tức cho cổ đông.

Trước sát nhập, nợ xấu STB chỉ có 1,8 thì nay tăng gấp nhiều lần. Rủi ro tăng gấp đôi, lợi nhuận giảm dần.

"Các ông muốn làm gì là làm à? Bao nhiêu năm xương máu đổ ra, giờ đi đâu về đâu? Sao bây giờ bắt tôi phải gánh nợ cho Phương Nam. Giờ ông Trầm Bê có đứng trước vành móng ngựa để trả giá cho cái sai của mình không?", bà Cúc chất vấn.

Cổ đông Phan Nghĩa Hiệp yêu cầu cân nhắc các nhân sự HĐQT
Cổ đông Phan Nghĩa Hiệp yêu cầu cân nhắc các nhân sự HĐQT

Ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Samcombank phải ngắt lời và khuyên bà Cúc giữ bình tĩnh. Ông Dũng cho biết, hiện ông Trầm Bê không còn quyền của mình tại STB.

Chưa dừng lại ở đó, một cổ đông khác đặt câu hỏi: "Ai chống lưng cho Trầm Bê sáp nhập? Chúng tôi chắt chiu từng đồng hưu trí mà giờ cổ tức mấy năm nay chẳng có chia, mấy năm họp một lần".

Cổ đông này đề nghị mỗi lần bầu HĐQT, BKS cần nêu công trạng của các ứng viên để cổ đông xem và làm phiếu bầu cho chính xác chứ biểu quyết thì cổ đông không biết các ứng viên sẽ đưa STB đi đâu, về đâu.

Kết quả lấy ý kiến biểu quyết cổ đông đối với tờ trình bầu nhân sự HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2017 - 2021
Kết quả lấy ý kiến biểu quyết cổ đông đối với tờ trình bầu nhân sự HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2017 - 2021

Với sự xuất hiện của ông Dương Công Minh trong danh sách ứng cử HĐQT, một cổ đông đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm thời gian và quy trình phê chuẩn ông Minh vào danh sách ứng viên HĐQT.

Một cổ đông khác lại cho rằng, ông Dương Công Minh làm sân golf Him Lam từ thời "xa lắc xa lơ" và đã được nhiều Bộ ngành phê chuẩn, đồng thuận. Ngày nay, sân bay Tân Sơn Nhất tắc là do nhu cầu phát triển mà trước đây ta không lường trước được. Hơn nữa, ông Minh là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, bất động sản, điều hành tốt Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.

Do đó, cổ đông này đề nghị chấp thuận đưa ông Dương Công Minh vào danh sách ứng viên HĐQT STB để mang đến "luồng gió mới", kéo Sacombank thoát khỏi sự "khủng hoảng". Còn vấn đề ông Trầm Bê, cổ đông này đề nghị phải xem xét lại trách nhiệm.


Có ý kiến xem lại ông Dương Công Minh, nhưng cũng có ý kiến ủng hộ ông Minh vào HĐQT STB

Có ý kiến xem lại ông Dương Công Minh, nhưng cũng có ý kiến ủng hộ ông Minh vào HĐQT STB

Trước các ý kiến của cổ đông chê HĐQT nhiệm kỳ cũ và ban điều hành không làm tốt, ông Kiều Hữu Dũng thừa nhận STB gặp khó khăn sau sáp nhập là đúng. Từ năm 2012 - 2014, STB đạt kết quả ấn tượng. Gần đây, 6 tháng đầu năm 2017, STB đạt 3.000 tỷ đồng. Điều đó, chứng tỏ hiệu quả của STB tốt, các chi nhánh làm ăn có lãi.

"Chúng ta gánh nợ xấu lớn khi sáp nhập Phương Nam, nhưng vẫn hiệu quả. Bất cứ nước nào như Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng có sáp nhập ngân hàng tốt và xấu. Chúng ta cũng vậy. Chính phủ đều sử dụng ngân hàng tốt gánh ngân hàng xấu. Việc gánh Phương Nam vào năm 2015 là hướng đi đúng", ông Dũng nói.

Sao ông Trầm Bê ra đi "không chào ai"? - 8

Lúc 10h45, kết quả lấy ý kiến biểu quyết cổ đông đối với tờ trình bầu nhân sự HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2017 - 2021 như sau: 1.523.788.893 CP (99,9526%) đồng ý, số không đồng ý chỉ 608.742 CP (0,0399%) và 113.786 CP (0,0075%) không đồng ý.

Công Quang - Phạm Nguyễn

Dòng sự kiện: Vụ án Trầm Bê