Thông tin kinh tế trong tuần:
Chuyện ông Trầm bê thoát án và "đại gia điếu cày" bình thản sau tin khởi tố
(Dân trí) - Cục Chống tham nhũng đã kết thúc thanh tra trực tiếp tài sản, thu nhập của Giám đốc Sở TNMT Yên Bái, song vẫn chưa ban hành kết luận. Trong khi đó, một loạt những thông tin khác đang nhận được sự quan tâm của độc giả trong tuần qua như vấn đề khởi tố doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản, vấn đề liên quan đến bầu Kiên và đại gia Trầm Bê; kỷ lục trúng Jackpot, cấm dịch vụ đi chung xe Grab, Uber...
"Đại gia điếu cày" bình thản sau thông tin "sẽ khởi tố Mường Thanh"
Hồi đầu tháng này, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho hay sẽ khởi tố vụ án liên quan tới sai phạm của Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên và Công ty Cổ phần sản xuất nhập khẩu Bemes (thuộc tập đoàn Mường Thanh) do ông Lê Thanh Thản làm chủ tịch hội đồng quản trị nếu có ý kiến của Bộ Công an.
Thế nhưng, giữa tâm bão dư luận, tại một sự kiện diễn ra mới đây tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, nhiều khách mời đã bất ngờ khi bắt gặp "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản, ông chủ của tập đoàn Mường Thanh. Ông Thản khá tươi tỉnh. Thậm chí ông còn sẵn sàng chụp hình với các khách mời của sự kiện.
Song, kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ vừa ban hành lại hé lộ một loạt những vi phạm trong xây dựng tại dự án khu nhà ở Xa La do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư và dự án khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ mà doanh nghiệp này có tham gia. Doanh nghiệp này buộc phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng vào ngân sách. Tuy nhiên, cho đến nay, Tập đoàn Mường Thanh vẫn chưa bị khởi tố như phát biểu của tướng Khương.
Quanh câu chuyện sai phạm của doanh nghiệp ông Thản, hiện vẫn còn nhiều cách nhìn nhận, từ duy lý đến duy tình. Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, những hiện tượng báo chí phản ánh về các dự án của ông Lê Thanh Thản là có thật và đáng bị phê phán cũng như có biện pháp xử lý. Nhưng xử phạt theo kiểu cho người bệnh chết đi thì khỏi bệnh là không phù hợp, không đúng với cách quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường.
Cũng theo vị chuyên gia, ông Lê Thanh Thản có sai sót, sai lầm nhưng không thể phủ nhận ông ta là dám làm và có ý định tốt. Cái gì sai thì cần nghiêm trị, sai đâu trị đấy, không buông lỏng, còn có công gì thì phải khen và tạo điều kiện cho làm tiếp.
Đại gia Trầm Bê thoát án?
Cuối tháng 6, ĐHĐCĐ thường niên của ngân hàng Sacombank nóng hơn bao giờ hết khi một vị cổ đông đã đứng lên chất vấn, truy trách nhiệm về nợ xấu của Sacombank sau khi ngân hàng này nhận sáp nhập Southern Bank.
Cổ đông này truy vấn trong tâm trạng bức xúc với những ngôn từ khá nặng nề: "Sao hôm nay không có ông Trầm Bê? Ông này phá hoại nhất mà sao hôm nay không có mặt?...Các ông muốn làm gì là làm à? Bao nhiêu năm xương máu đổ ra, giờ đi đâu về đâu? Sao bây giờ bắt tôi phải gánh nợ cho Phương Nam. Giờ ông Trầm Bê có đứng trước vành móng ngựa để trả giá cho cái sai của mình không?"
Song, với kết quả giám định của Ngân hàng Nhà nước, liệu ông Trầm Bê – đại gia từng “làm mưa” trong giới ngân hàng – có thoát tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng?
Gia đình “bầu Kiên” nhiều lần hứa nộp 75 tỷ đồng nhưng không thực hiện
Trong buổi họp báo của Bộ Tư pháp sáng 20/7, Phó tổng cục trưởng Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực cho biết, cuối tháng 7 sẽ có kết luận chính thức vụ đấu giá nhà đất của "bầu Kiên" tại số 5 Hồ Biểu Chánh (quận Phú Nhuận, TP HCM).
Bản án của tòa có hiệu lực từ năm 2014, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng Á Châu (ACB) phải nộp 75 tỷ đồng trốn thuế để sung công quỹ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, gia đình ông Kiên nhiều lần hứa hẹn, cam kết nộp tiền tự nguyện nhưng cuối cùng đều không thực hiện. Do đó, cơ quan thi hành án dân sự phải áp dụng cưỡng chế tài sản theo đúng quy định.
Kết thúc thanh tra trực tiếp khối tài sản của Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái
Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) ngày 17/7 cho biết, đã kết thúc thanh tra trực tiếp tại UBND tỉnh Yên Bái về tài sản, thu nhập của ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Từ chối tiết lộ tất cả các thông tin đã nắm bắt được qua thanh tra, ông Phạm Trọng Đạt khẳng định Thanh tra Chính phủ sẽ công khai kết luận để dư luận được biết. Dự kiến thời điểm công bố kết luận thanh tra vào đầu tháng 8 tới.
Thủ tướng “trăn trở” trước lối sống phô trương, lãng phí của một số cán bộ miền núi
“Thời gian qua, tôi rất trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương, lãng phí, gây nhiều phản cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi của chúng ta”, Thủ tướng phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La với sự có mặt của đại diện các tỉnh Tây Bắc sáng 17/7.
Theo Thủ tướng, chính những cán bộ đó đang làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư vào chính môi trường kinh doanh ở địa phương, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và sự phát triển chung.
Dịch vụ đi chung xe của Uber, Grab bị cấm ở Hà Nội
UBND Hà Nội mới đây cho biết đã nhận được văn bản của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc không áp dụng hình thức đi chung xe đối với xe hợp đồng. UBND thành phố giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan nghiên cứu chỉ đạo của Bộ GTVT; tổng hợp, đề xuất, báo cáo UBND thành phố theo quy định.
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chính thức ban hành Văn bản số 2727/SGTVT-QLVT về việc không áp dụng hình thức đi chung xe đối với xe hợp đồng. Dịch vụ đi chung xe do Công ty TNHH Grab Taxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam đăng ký với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được viết tắt là GrabShare và UberPOOL.
Văn bản này nêu: Để đảm bảo an toàn, bảo vệ quyền lợi của hành khách và công tác quản lý của cơ quan nhà nước, Sở GTVT đề xuất UBND thành phố thống nhất với quan điểm chỉ đạo của Bộ GTVT tại Văn bản số 6781 ngày 22/6/2017 tạm thời chưa áp dụng hình thức đi chung xe đối với xe hợp đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian chờ quy định của Bộ GTVT đối với hình thức vận tải này.
Trong khi đó, trước áp lực cạnh tranh với Uber, Grab, một "ông lớn" taxi truyền thống là Vinasun mới đây công bố báo cáo tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu công ty này đã giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước, còn 1.783,1 tỷ đồng. Lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 113 tỷ đồng, chỉ bằng 63,2% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt gần 90 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ 6 tháng năm 2016.
Đáng chú ý, theo thuyết minh của công ty mẹ, tính đến ngày 30/6/2017, Vinasun có 8.291 nhân viên, giảm tới 7.946 người so với thời điểm đầu năm. Hay nói cách khác, trong vòng nửa năm, số lượng nhân viên của công ty này đã giảm gần một nửa.
Sáng mua, chiều trúng độc đắc 132 tỷ đồng
Tại kỳ quay 156 diễn ra chiều nay (19/7), kỷ niệm tròn 1 năm Vietlott triển khai chương trình xổ số Mega 6/45 tại Việt Nam, công ty này đã xác định 1 giải Jackpot với trị giá lên tới gần 132 tỷ đồng. Khách hàng sở hữu vé trúng thưởng nói trên sẽ là người trúng Jackpot có giá trị lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
Chiếc vé độc đắc có bộ số: 04 – 07 - 13 - 20 - 35 - 44 trị giá gần 132 tỷ đồng này được phát hành tại điểm bán hàng xổ số tự chọn Vietlott tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều đáng nói, vé này được mua buổi sáng thì buổi tối trúng.
Với việc liên tiếp có người trúng thưởng, trong 1 năm qua, Vietlott trở thành đề tài "nóng" và có những thời điểm đã trở thành "cơn sốt vé số". Trong khi đó, xổ số kiến thiết cho biết gặp khó khăn vì thị trường bão hòa. Ví dụ XSKT Thủ Đô trong 2 năm qua kinh doanh sa sút, doanh nghiệp này nhìn nhận, bên cạnh tệ số đề, cờ bạc bóp méo thị trường thì việc phải cạnh tranh với các sản phẩm mới ra đời của Vietlott cũng khiến doanh nghiệp này ngày một khó khăn.
Ngay sau đó, tại kỳ quay số mở thưởng tiếp theo vào tối 21/7 tiếp tục có thêm 2 khách hàng trúng Jackpot với tổng giá trị hơn 14 tỷ đồng. Đây là lần thứ hai trong hơn 1 năm Vietlott vận hành hệ thống kinh doanh, khách hàng trúng Jackpot ở hai kỳ quay số mở thưởng liên tiếp.
Mua gói mì tôm, trúng độc đắc 7 tỷ đồng, người Việt bỏ 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ
Một thông tin thú vị trong tuần qua đó là, báo cáo của Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NAR) cho thấy, từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người Việt Nam đã chi tổng cộng 3,06 tỷ USD để mua nhà ở Mỹ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, ông không bất ngờ khi người Việt bỏ ra 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ nhưng rất quan ngại vì nguồn tiền này rất lớn.
"Chi 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ là vấn đề rất lớn. Đây thực là điều không mong muốn. Trong lúc Việt Nam rất thiếu nguồn lực, trong đó có nguồn lực ngoại tệ. Nếu số lượng tiền này để lại Việt Nam đầu tư thì rõ ràng có lợi cho đất nước", ông Châu đánh giá. 3 tỷ USD tương đương 66.000 tỷ đồng. Con số này quý giá với đất nước, gấp đôi gói tín dụng hỗ trợ bất động sản 30.000 tỷ đồng.
Tới Đài Loan, nhiều người nước ngoài đều thấy một điều thú vị là người dân tại đây luôn giữ lại hóa đơn sau khi mua hàng từ sản phẩm vài nghìn đồng cho tới giá trị lên cả vài triệu đồng. Thậm chí, có những người cẩn thận, họ cất giữ hóa đơn trong một bịch nilon nhỏ. Những tờ hóa đơn này đều có những dãy số để người mua có thể so sánh kết quả với giải thưởng lên tới khoảng 7 tỷ đồng.
Bộ Tài chính sẽ tiến hành quay xổ số cho hóa đơn tại các siêu thị và cửa hàng bán lẻ trên cả nước. Hình thức xổ số độc đáo này đã được thực hiện ở Đài Loan từ năm 1951 tới nay. Xét về tiêu dùng, việc xổ số từ những hóa đơn này sẽ khiến kích cầu, người mua nhiều hơn.
12 đại dự án thua lỗ: Cái phá sản, cái "lên sàn"
Trong buổi làm việc của Tổ công tác của Chính phủ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sáng 19/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nói rằng: Xử lý các dự án thua lỗ của ngành dầu khí hiện nay là "cực khó khăn".
Theo ông, các dự án thua lỗ của ngành dầu khí cần phải có những chỉ đạo, xử lý cụ thể hơn trong bối cảnh các dự án này rất khó khăn mà khuôn khổ pháp lý bình thường khó xử lý. Ông Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ cho rằng, vẫn phải ưu tiên khôi phục, vận hành dự án, nếu không được sẽ cho bán, thanh lý, cho phá sản.
Phó Tổng Giám đốc PVN Lê Minh Hồng chia sẻ: Khắc phục các dự án yếu kém là niềm trăn trở, nỗi đau của những người làm dầu khí. Như người ốm cần thuốc nhưng không có tiền mua thuốc. Ngay các dự án phá sản cũng cần tiền: các định giá trị, bảo vệ công trình, tiền điện nướ duy trì ...thì rất khó.
Là một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng của ngành công thương với khoản lỗ lũy kế đến thời điểm 31/12/2016 là 1.720,8 tỷ đồng (kế hoạch lỗ tiếp 847,4 tỷ đồng trong năm 2017), Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc sẽ giao dịch trên thị trường UPCoM vào giữa tuần tới với mã DHB ở mức giá tham chiếu 6.800 đồng/cổ phiếu.
Tại thời điểm 31/12/2016, nợ ngắn hạn của Đạm Hà Bắc đã ở mức 1.356,7 tỷ đồng, vượt qua giá trị tài sản ngắn hạn là 557,6 tỷ đồng. Mặc dù vậy, Ban Tổng giám đốc công ty này vẫn tin tưởng công ty có thể cân đối được dòng tiền để thanh toán các khoản nợ khi đến hạn và phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường của công ty.
Bích Diệp (tổng hợp)