Sáng nay, Thủ tướng gọi doanh nghiệp thức giấc sau kỳ “ngủ đông” lịch sử

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ doanh nghiệp toàn quốc sau kỳ “ngủ đông” kéo dài 3 tháng vì dịch Covid-19. Trước cuộc gặp, Thủ tướng nhấn mạnh “đây không phải dịp để than nghèo, kể khổ”.

Đúng 8h sáng nay (9/5), Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp: Cùng nỗ lực - Vượt thách thức - Đón thời cơ - Phục hồi nền kinh tế” bắt đầu. Đây là hội nghị có quy mô lớn chưa từng có do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, cùng dự và tham gia điều hành có các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, hôm  6/5, tại cuộc họp nghe các Bộ, ngành báo cáo về công tác chuẩn bị cho hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh hội nghị phải thể hiện tinh thần yêu nước, quyết tâm trong điều kiện mới.

“Như lò xo bị nén lại trong mấy tháng qua, giờ bật lên để phát triển, có chí thì nên chứ không bàn lùi, than nghèo, kể khổ; phát huy tinh thần yêu nước, nỗ lực khắc phục khó khăn, một quyết tâm tái cơ cấu để tăng tốc phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rõ.

Hội nghị sáng nay cũng sẽ tháo gỡ khó khăn để tăng tốc phát triển nên ngoài sự phấn đấu quyết liệt, chủ động của bản thân doanh nghiệp và người dân thì trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các cấp, các ngành rất quan trọng. 

Sáng nay, Thủ tướng gọi doanh nghiệp thức giấc sau kỳ “ngủ đông” lịch sử - 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các doanh nghiệp trong một cuộc gặp gỡ (ảnh: VGP)

Định hướng về kết quả hội nghị, Thủ tướng cho rằng sẽ có sản phẩm cụ thể với hình thức phù hợp, có thể là nghị quyết hoặc chương trình hành động. Theo đó, ngoài các gói hỗ trợ đã ban hành thì phải đưa ra thêm được vấn đề gì để hỗ trợ doanh nghiệp, như: Thị trường mới là gì, lao động, tín dụng mới là gì, thuế phí thế nào…

Nói đến tình hình “sức khỏe” các doanh nghiệp hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đánh giá dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Lực lượng doanh nghiệp là bộ phận quan trọng của nền kinh tế và hiện đang phải chịu rất nhiều tổn thất vì dịch bệnh.

“Doanh nghiệp trong nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất là du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, giáo dục… rơi vào tình trạng “ngủ đông” suốt 3 tháng qua. Nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ” - Bộ KH&ĐT cho hay.

Doanh thu của các doanh nghiệp trong quý 1 và dự báo cả năm 2020 sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ ảnh hưởng tới kinh doanh các năm tiếp theo.

Theo kết quả khảo sát của Bộ KH&ĐT đối với gần 130.000 doanh nghiệp trong tháng 4 vừa qua, có 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 càng cao; gần 58% doanh nghiệp bị giảm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. “Nhiều doanh nghiệp đã ví dòng tiền như máu trong cơ thể, thiếu máu thì cơ thể không thể khỏe mạnh được. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài và trầm trọng thì sẽ ảnh hưởng tới sức sống của doanh nghiệp” - Bộ KH&ĐT dẫn giải.

Trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh “không còn gì để mất”, thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực để thích ứng, vượt khó. Bằng chứng là nhiều sáng kiến của doanh nghiệp đã được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực tác động tiêu cực của dịch bệnh, như: Áp dụng giờ làm linh hoạt, cắt giảm chi phí sản xuất, tìm kiêm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế, khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới hay áp dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh…

Với hành động “chống dịch như chống giặc” theo Chỉ tịch của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã kiểm soát rất tốt dịch Covid-19. Hiện nay uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế được đánh giá rất cao. 

“Đây là cơ hội vàng để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về sự tin cậy chiến lược, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn dịch chuyển tới Việt Nam, giúp Việt Nam đi trước một bước trong công cuộc phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị trí mới trên trường quốc tế…” - Bộ KH&ĐT thông tin.

Châu Như Quỳnh