Sáng nay Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đấu giá tài sản sửa đổi

Trần Kháng

(Dân trí) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng nay (28/11), Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được xây dựng bám sát quan điểm tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; bảo đảm sự quản lý thống nhất, hiệu quả của Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản; phân công, phân nhiệm rõ ràng, tạo cơ chế phối hợp hiệu quả trong quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản.

Đồng thời, việc xây dựng luật hướng đến việc tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan…

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất với quy định của một số luật hiện hành…

Sáng nay Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đấu giá tài sản sửa đổi - 1

Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản trong sáng 28/11 (Ảnh minh họa: Quochoi.vn).

Trước đó, Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ của hệ thống pháp luật; quy định trách nhiệm xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá thuộc cơ quan đủ thẩm quyền, năng lực chuyên môn....

Theo các đại biểu, hiện nay, trong hoạt động đấu giá xuất hiện những bất cập như: Tình trạng gây mất an ninh trật tự trong các phiên đấu giá; tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thông đồng, dìm giá, lũng đoạn giá; còn tình trạng "trích phần trăm", "hưởng hoa hồng" giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức bán đấu giá; quy định về áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến còn một số hạn chế, bất cập.

Trong đó, các quy định về thời hạn bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá còn chưa hợp lý; chế tài xử lý chưa đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm; việc định giá tài sản, xác định giá khởi điểm để đấu giá, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất còn chưa hợp lý, còn có trường hợp xác định giá khởi điểm rất thấp so với giá thị trường, dẫn đến tình trạng đầu cơ, trục lợi, tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát tài sản Nhà nước…

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xử lý tài sản công, không để sơ hở, bất cập để các đối tượng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, quy định chặt chẽ về quyền và trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; quy định cụ thể về việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể, chặt chẽ nhằm hạn chế, triệt tiêu tình trạng thông đồng, dìm giá, lũng đoạn giá trong các cuộc đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá tài sản thuộc quyền sử hữu của Nhà nước; đối với tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước có mức giá khởi điểm trên 500 triệu đồng, buộc phải tiến hành đấu giá theo hình thức trực tuyến.

Theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn ĐBQH tỉnh Long An) việc sửa đổi luật nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung, trong đó có hoạt động đấu giá tài sản để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, dự án Luật cần quy định rõ ràng, chi tiết hơn về việc xử lý nhà đầu tư trúng thầu một dự án nhưng lại "bỏ của chạy lấy người". Nhà đầu tư trúng thầu rồi sau đó không đặt cọc mà bỏ thầu thì sẽ gây thất thoát lớn đến việc đầu tư cho dự án, làm mất niềm tin của các nhà đầu tư chân chính khác.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chế định về đấu giá trực tuyến, đấu giá công khai là rất tích cực, có ý nghĩa quan trọng, xét cả ở yêu cầu quản lý nhà nước, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể có liên quan trong hoạt động đấu giá, góp phần ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực, hạn chế trong hoạt động đấu giá.

Điều 40 Luật hiện hành có liệt kê 4 hình thức đấu giá nhưng chưa quy định chi tiết về nguyên tắc, trình tự, thủ tục của hình thức đấu giá trực tuyến. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung 1 điều về hình thức đấu giá trực tuyến để quy định chi tiết hơn về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá thông qua hình thức trực tuyến.