Sản xuất phân bón như ... "múc đất" bán cho nông dân

(Dân trí) - "Sản xuất phân bón hiện nay không khác nào múc đất bán cho nông dân, nhiều vụ bắt giữ phân bón giả được chứa trong các bao bì nhãn mác của các doanh nghiệp có uy tín, nhưng nếu quy định hàm lượng dinh dưỡng trên giấy phép bao bì NPK là 53%, qua kiểm tra chỉ đạt gần 3%...".

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch, Kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội phân bón Việt Nam về hiện trạng ngành sản xuất phân bón và những vấn đề đặt ra trong thời gian qua.

Tại Hội thảo Quốc gia lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam được tổ chức sáng nay (28/9) tại Hà Nội, các chuyên gia nông nghiệp từ các bộ, ban ngành, hiệp hội và doanh nghiệp (DN) rất lo ngại hiện trạng sản xuất phân bón ồ ạt, bất cập từ quản lý đến giám sát và đặc biệt là tình trạng phân bón giả đang hết sức báo động.


Ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, cơ chế xử lý phân bón giả vừa thấp và yếu khiến phân bón giả hoành hành.

Ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, cơ chế xử lý phân bón giả vừa thấp và yếu khiến phân bón giả hoành hành.

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, thời gian qua rất nhiều vụ việc phân bón giả bị bắt giữ, truy cứu song đến nay vẫn chưa có vụ việc nào được xử lý nghiêm minh. Ngoài thị trường, phân bón giả đang hoành hành gây tâm lý hoang mang cho người dân. Đặc biệt, việc quản lý trồng chéo giữa hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công Thương cùng quản mặt hàng phân bón, khiến hệ lụy là những vụ vi phạm về phân bón xảy ra ngay tại cơ quan quản lý như Bộ NN&PTNT...

Ông Thúy chỉ rõ thực trạng nền sản xuất phân bón Việt Nam hiện là một nền phân bón tự phát, nơi nào cũng làm được phân bón và chưa có một cuộc cách mạng nào để lập lại trật tự lĩnh vực này. "Từ tháng 8/2015 - quý I/2016, chúng tôi điều tra trên 80% tỉnh thành thì đã có khoảng 800 cơ sở sản xuất phân bón. Riêng TPHCM đã có 491 công ty, chi nhánh, trong đó hơn 267 đơn vị sản xuất phân bón", ông Thúy nêu.

"Sản xuất phân bón hiện nay không khác nào múc đất bán cho nông dân, nhiều vụ bắt giữ phân bón giả được chứa trong các bao bì nhãn mác của các DN có uy tín, nhưng nếu quy định hàm lượng dinh dưỡng trên giấy phép bao bì NPK là 53%, qua kiểm tra chỉ đạt gần 3%. Phân bón giả được thu giữ là đất vì bản thân đất tự nhiên ở nước ta rất nhiều vùng tự nó có hàm lượng dinh dưỡng tương tự như... phân bón giả", ông Thúy nói.

Đứng về góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT khẳng định, các vấn đề như phân bón giả, phân bón kém chất lượng, cấp giấy chứng nhận phân bón sai quy định của pháp luật đã khiến dư luận hoang mang, người nông dân - đối tượng chịu tác động chính của phân bón giả mất niềm tin. Ông Cường cho hay, tất cả xuất phát từ việc quản lý bất cập, cơ chế xử phạt quá nhẹ và thấp. Một mặt hàng phân bón, hai bộ chia nhau quản lý là không nên.

Ông Cường cho hay: "Theo quy định của Nghị định 185/2013 về xử phạt các hành vi buôn bán hàng giả và Nghị định 115/2016 của Chính phủ về xử phạt hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả thì, phân bón giả chỉ được xác định khi 30% số phân bón được khẳng định giả và 70% số phân bón kém chất lượng. Nhưng, ở các nước 10% phân bón giả đã xác định là phân bón giả rồi. Cơ chế xử phạt vừa thấp và yếu, do đó khó ngăn chặn phân bón giả. Nếu chúng ta có những chế tài xử phạt nghiêm minh thì không DN nào dám làm phân bón giả nữa".

Bên cạnh đó, ông Cường khẳng định, tại Nghị định 202 của Chính phủ, phân bón vô cơ thuộc trách nhiệm cấp phép, quản lý của Bộ Công Thương, còn phân bón hữu cơ thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT). Chúng tôi kiến nghị sửa đổi Nghị định 202, trong đó giao cho 1 bộ thống nhất quản lý chung, không thể để quản lý mặt hàng phân bón mà hai bộ quản lý được, ai chịu trách nhiệm. Để bộ nào quản lý cũng được, điều quan trọng nhất là quản lý đúng theo quy định của pháp luật.

Ông Cường khẳng định, việc chồng chéo hai cơ quan quản lý nhà nước khiến cho cơ quan chức năng rất khó kiểm tra, kiểm soát. Đồng thời, khi DN đăng ký hội thảo về phân bón, đại lý, cửa hàng bán phân bón đăng ký giấy phép thì phải chạy đi cả hai bộ để xin giấy phép, điều đó gây khó khăn cho DN.

"Tôi xin lỗi bên Bộ Công Thương, rõ ràng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn hiểu hết về cây trồng, dinh dưỡng cây trồng và vấn đề cấp phép rất ít. Còn với Bộ Công Thương, thì chỉ quản lý về công nghiệp thì cấp phép cũng rất khó khăn với các DN. Nếu các DN xin giấy phép bán thì phải xin cả bên Bộ Công Thương và cả giấy phép của Bộ Nông nghiệp".

Theo ông Cường, hiện gần như 100% các cơ sở bán phân bón tại các địa phương đều phân phối và kinh doanh phân vô cơ và hữu cơ. Chính do những chính sách trồng chéo hiện nay, đã khiến công tác quản lý cực kỳ khó khăn, khi kiểm tra cần có những sự thống nhất từ các sở, ban ngành như Sở Công Thương, Sở NN&PTNT và các lực lượng khác như Ban chỉ đạo 389 ở địa phương... mỗi lần xin cấp giấy kiểm tra rầm rộ nên kết quả không đạt yêu cầu.

Nguyễn Tuyền