TP.HCM:
Sản xuất mũ bảo hiểm “rởm” có thể bị xử lý hình sự
(Dân trí) - Những cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm cố tình vi phạm, làm hàng giả, kém chất lượng có thể bị truy tố hình sự, đồng thời “xóa sổ” những điểm bán mũ bảo hiểm trên lòng đường vỉa hè. Đó là chỉ đạo vừa được UBND TP.HCM đưa ra.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo về tình hình thanh tra mũ bảo hiểm (MBH) người đi xe gắn máy trên địa bàn TP. Theo đó, UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện lập danh sách và thực hiện các biện pháp xóa điểm kinh doanh mũ bảo hiểm trên lề đường, vỉa hè; đề nghị truy tố hình sự đối với các tổ chức, cá nhân cố tình sản xuất, kinh doanh MBH giả.
Bên cạnh đó, giao Sở Khoa học công nghệ cùng Chi cục Quản lý thị trường Tp.HCM công bố công khai trên website của Sở và trang thông tin thành phố danh sách các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh MBH đã công bố hợp quy để người dân nắm rõ và lựa chọn MBH an toàn.
Trong tháng 6, Ban An toàn giao thông quốc gia, Cục quản lý thị trường (QLTT) phối hợp cùng lực lượng QLTT TP.HCM ra quân rà soát, chấn chỉnh tình hình sản xuất kinh doanh MBH, điều đáng nói, hầu hết các cơ sở khi bị kiểm tra đều phát hiện sai phạm. Trong đó, có công ty, dù sản xuất MBH giả, kém chất lượng nhưng vẫn được tham gia chương trình đổi MBH.
Cụ thể; khi kiểm tra Công ty TNHH Duyên Lành - Chuyên sản xuất, kinh doanh các loại mũ bảo hiểm (MBH) có trụ sở đóng tại số 1114 Tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo (quận Bình Tân), cán bộ thuộc Cục QLTT phát hiện cơ sở này mắc phải hàng loạt sai phạm như sản xuất MBH giả (có đủ các kích cơ cho người lớn và trẻ em), trên các loại MBH này đều có tem hợp quy, nhãn mác. Tuy nhiên, trên tem CR và thông tin nguồn gốc sản phẩm lại ghi là công ty Đông Dương, một công ty “ma” không có trụ sở.
Riêng phần kính chắn gió của MBH cũng có dán nhãn ghi chú sản phẩm, tuy nhiên lại ghi bằng tiếng Thái Lan. Dù là nón "rởm" nhưng vẫn được dán tem bảo hiểm lên đến 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, rất nhiều bao nhựa tái chế, vỏ mũ kém chất lượng cùng với hàng ngàn tem nhãn của Công ty TNHH Đông Dương được cất giấu trong trụ sở của công ty Duyên Lành.
Một ngày sau đó, Đoàn liên ngành tiếp tục kiểm tra Doanh nghiệp Kim Ngọc Tài (địa chỉ 109, Nguyễn Qúy Yêm, khu phố 4, phường An Lạc, quận Bình Tân) do bà Trần Thị Kim Yến làm chủ, chuyên sản xuất các sản xuất MBH, các sản phẩm nhựa. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này sai phạm về tem nhãn, mút xốp. Dù từ sáng đến 12h trưa cùng ngày nhưng lực lượng chức năng không hề phát hiện MBH thành phẩm nào, điều này dẫn đến nhiều nghi ngại về việc doanh nghiệp đã “ém hàng” trước khi bị kiểm tra.
Điều đáng nói, sau chỉ thị 04, UBND TP.HCM đã có những văn bản chỉ đạo nhằm tránh sự chồng chéo “giẫm chân nhau” trong quá trình thanh kiểm tra giữa các cơ quan quản lý nhà nước cùng chức năng quản lý nhóm mặt hàng mũ bảo hiểm trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, việc Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ trực tiếp “xuống phố” truy quét và thu giữ gần 500 chiếc MBH giả, kém chất lượng tại khu vực quận 5 vào chiều 19/6 càng cho thấy sự lỏng lẻo, thờ ơ của chính quyền địa phương nhiệm vụ được giao.
Nhằm chấn chỉnh và kiên quyết “xóa sổ” MBH “rởm”, ngày 5/7, UBND Tp.HCM tiếp tục ra chỉ đạo yêu cầu UBND các quận, huyện lập danh sách và thực hiện các biện pháp xóa điểm kinh doanh mũ bảo hiểm trên lề đường, vỉa hè; đề nghị truy tố hình sự đối với các tổ chức, cá nhân cố tình sản xuất, kinh doanh MBH giả.
Dù chỉ đạo đã được đưa ra nhưng theo ghi nhận của PV Dân trí, vẫn còn tran lan các điểm bán MBH kém chất lượng, mũ giả, kém chất lượng trên vỉa hè, lòng đường. Tại đường Trường Chinh (quận Tân Phú) có hàng chục điểm bán MBH “rởm”, giá giao động từ 25.000 đồng – 50.000 đồng. Ngoài ra, khu vực các quận huyện vùng ven như Bình Chánh, Bình Tân, quận 9…vẫn còn rất nhiều điểm bán MBH trên vỉa hè mà không hề bị nhắc nhở, xử lý.
Trung Kiên