1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Sản xuất lúa gạo, lợi ích dài hạn phải thuộc về nông dân”

(Dân trí) - Việt Nam không nên quá bận tâm với vị trí thứ nhất hay thứ hai trong xuất khẩu gạo thế giới mà nên dành sự quan tâm đến chính sách dài hạn của phát triển, lợi ích lâu dài của nông dân.

“Sản xuất lúa gạo, lợi ích dài hạn phải thuộc về nông dân” - 1
Mục tiêu sản xuất lúa gạo của Việt Nam phải nhắm đến an ninh lương thực là ưu tiên số một.
 
Đó là điều mà các đại biểu ngành lúa gạo tại Hội thảo “Định vị thương hiệu lúa gạo Việt Nam” diễn ra ngày 9/11 trong khuôn khổ Festival lúa gạo lần II đều nhất trí tán thành.

Đánh giá vị thế xuất khẩu gạo Việt Nam, ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhìn nhận, sẽ có những thách thức như diện tích gieo trồng sẽ sụt giảm do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa; hạn hán, xâm nhập mặn; nguồn nước bị ảnh hưởng bởi các công trình khu vực thượng lưu sông MêKông; xuất khẩu cạnh tranh từ các nguồn cung cấp tiềm năng, giá thị trường biến động thường xuyên và rủi ro ngày càng gia tăng.

Song, ông Huệ cũng cho rằng, Việt Nam cũng có nhiều cơ hội để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới nhưng số lượng xuất khẩu có hạn. Ngành lúa gạo Việt Nam sẽ tập trung nhiều hơn vào việc nâng cao chất lượng và tăng giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả xuất khẩu và bảo đảm lợi ích của người trồng lúa.

Theo ông Huệ, số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam dự kiến khoảng 6,5- 7 triệu tấn/năm trong vòng 5 năm tới. Do đó Việt Nam không thể vượt qua Thái Lan là nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới, dù có dự báo xuất khẩu Thái Lan giảm sút.

Trong khi đó, theo ông Võ Hùng Dũng - Giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt nam chi nhánh Cần Thơ, Việt Nam không nên quá bận tâm với vị trí thứ nhất hay thứ hai trong xuất khẩu gạo thế giới mà nên dành sự quan tâm đến chính sách dài hạn của phát triển, lợi ích lâu dài của nông dân.

“Vị trí thứ nhất hay nhì chưa chắc mang lại sự giàu có, sung túc. Đó có thể là cái bẫy với nhiều ảo tưởng và mang lại nhiều rủi ro. Vấn đề không phải là vị trí mà vấn đề ở chỗ lợi ích. Lợi ích trong dài hạn phải thuộc về nông dân, cái đảm bảo tốt nhất cho an ninh lương thực quốc gia. Đảm bảo được điều này, Việt Nam đã đóng góp vào an ninh lương thực thế giới và như thế cũng phần nào khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam”- ông Dũng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, ông Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam cho rằng, mục tiêu sản xuất lúa gạo của Việt Nam phải nhắm đến an ninh lương thực là ưu tiên số một; trong đó thu nhập của nông dân trồng lúa là động cơ để phát triển sản lượng thóc của cả nước.

Ông Bửu cũng nhấn mạnh, xuất khẩu chỉ là một trong những phương tiện tạo thuận lợi cho sản xuất phát triển bền vững, an toàn lương thực cho một đất nước có dân số sẽ đạt 100 triệu dân như Việt Nam. Điều kiện đặt ra là Việt Nam phải có chiến lược xuất khẩu gạo hợp lý, "không phải từ hạt gạo mà từ hạt lúa".

Triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những năm tới, theo ông Võ Hùng Dũng dự báo tình hình thị trường vẫn tốt cho đến năm 2015- 2016 bởi nhu cầu thế giới tăng cao, diễn biến thời tiết phức tạp và các nước sử dụng lúa gạo vẫn chưa có những thay đổi đáng kể về sản lượng.

 

"Với nhận định, giá cả tiếp tục chiều hướng thuận lợi sản xuất trong nước gia tăng và lượng gạo thương phẩm tiếp tục được cải thiện, dự báo vào năm 2015- 2016 Việt Nam có thể xuất khẩu 10 triệu tấn gạo. Tốc độ tăng trung bình là 7%/năm. Vấn đề mấu chốt trong xuất khẩu là thị trường, nhu cầu thị trường thế giới "- ông Dũng nói.

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm