Sản xuất công nghiệp tỉnh Lạng Sơn bứt tốc

Mai Chi

(Dân trí) - So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp của Lạng Sơn tăng 9,99%. Nguyên nhân là các cơ sở sản xuất nhận thêm đơn hàng nên tăng sản lượng sản xuất.

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 trên địa bàn tăng 4,44% so với tháng trước.

Trong đó, mức tăng trưởng của ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện mạnh nhất, đạt 12,71%. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 10,79%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,35%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 0,16%.

Cơ quan thống kê cho hay, chỉ số sản xuất và phân phối điện tăng mạnh với điện sản xuất tăng 15,4% do tháng 11 bước vào mùa khô, sản lượng điện huy động từ các nhà máy thủy điện giảm, tăng huy động điện từ các nhà máy nhiệt điện nên Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV tăng sản lượng sản xuất.

Sản xuất công nghiệp tỉnh Lạng Sơn bứt tốc - 1

(Nguồn: Cục Thống kê Lạng Sơn).

Chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng cũng ở mức cao, trong đó, khai thác than tăng 19,45% do nhu cầu tiêu thụ than của Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV tăng.

So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp của Lạng Sơn tăng 9,99%. Nguyên nhân là các cơ sở sản xuất nhận thêm đơn hàng nên tăng sản lượng sản xuất.

Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 9,76% nhờ hoạt động khai thác than cứng và than non tăng 45,44%. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 18,25%, chủ yếu ở điện sản xuất tăng 20,4% do nhu cầu sử dụng điện trên thị trường tăng, lệnh huy động đối với các nhà máy nhiệt điện trên hệ thống sản xuất tăng so cùng kỳ. Điện thương phẩm tăng 7,4%.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ghi nhận mức tăng 7,13%. Cơ quan thống kê địa phương cho biết, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 85,71%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 36,27%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 54,07%... do các công ty chủ lực trên địa bàn nhận thêm nhiều đơn hàng mới.  

Tình hình sản xuất các ngành công nghiệp tỉnh Lạng Sơn từ đầu năm đến nay nhìn chung cải thiện so với năm 2023, trong đó, lũy kế 11 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,27%.

Sản phẩm chủ lực của tỉnh Lạng Sơn là gỗ lạng (có độ dày không quá 6mm) cộng dồn 11 tháng ước đạt 66.700 m3, tăng 145,8% so với cùng kỳ. Nguồn nguyên liệu địa phương đảm bảo cho nhu cầu sản xuất, đồng thời, tận thu gỗ sau ảnh hưởng bão số 3. Tháng 11 và 11 tháng sản lượng gỗ bóc tiếp tục đà tăng từ đầu năm.

Sản xuất công nghiệp tỉnh Lạng Sơn bứt tốc - 2

Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV tăng sản lượng sản xuất giai đoạn cuối năm (Ảnh: BCT).

Sản phẩm xi măng đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng cho hoạt động xây dựng chủ yếu trên địa bàn tỉnh và cung cấp cho một số tỉnh lân cận, tuy nhiên trong những tháng đầu năm, Công ty cổ phần xi măng Hồng Phong hoàn thiện thủ tục chuyển đổi chủ sở hữu cho Công ty cổ phần gạch ngói Hợp Thành nên nhà máy sản xuất cầm chừng. Bên cạnh đó, do việc cạnh tranh giữa các thương hiệu xi măng sản xuất trong nước, sản phẩm khó tiêu thụ nên doanh nghiệp giảm sản lượng sản xuất.

Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bành giảm sản xuất sản phẩm clanhke do lợi nhuận mang lại từ sản xuất không cao như cùng kỳ năm trước. Clanhke sản xuất chủ yếu phục vụ chế biến tiếp sản phẩm xi măng Portland, mặt khác, doanh nghiệp thay phiên dừng lò để bảo dưỡng máy móc nên sản xuất giảm.

Cũng theo Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 11 trên địa bàn ghi nhận tăng trưởng nhẹ, tăng 0,43% so với tháng trước và tăng 3,63% so với cùng kỳ.

Chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ năm trước tập trung chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do một số doanh nghiệp, cơ sở cá thể công nghiệp nhận được thêm đơn hàng, tăng sản xuất nên tuyển dụng thêm lao động nhằm đáp ứng đơn hàng mới, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất nên tuyển dụng thêm lao động.

Chia theo ngành công nghiệp, chỉ số sử dụng lao động ngành khai khoáng giảm 1,44% nhưng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,19%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,97%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,14%.

Theo loại hình sở hữu, chỉ số sử dụng lao động trong doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,8%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 6,39% còn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,07%.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm