Khu thương mại tự do: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng logistics ở Lạng Sơn

Thanh Thương

(Dân trí) - Bộ Công Thương cho rằng tỉnh Lạng Sơn - nơi có cửa khẩu đường bộ lớn nhất cả nước nên được cân nhắc thành lập khu thương mại tự do như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Báo cáo logistics Việt Nam vừa được Bộ Công Thương công bố, cơ quan quản lý cho rằng bên cạnh những khu vực trọng điểm về hàng hải như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, các khu vực khác như Lạng Sơn - nơi có cửa khẩu đường bộ lớn nhất nước cũng nên được cân nhắc thành lập khu thương mại tự do.

Về vị trí địa lý, Lạng Sơn là một tỉnh biên giới nằm ở phía Bắc Việt Nam, giáp Trung Quốc, với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là cửa khẩu đường bộ lớn nhất nước.

"Đây là đầu mối giao thương quan trọng trong tuyến đường sắt và đường bộ kết nối Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa", Bộ Công Thương đánh giá.

Tính đến hết tháng 10, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của tất cả loại hình qua tỉnh Lạng Sơn đạt khoảng 52,9 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng kim ngạch hàng hóa mở tờ khai tại Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đạt 4,47 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ.

Bộ Công Thương cho rằng với vị trí cửa khẩu quốc tế, Lạng Sơn có lợi thế lớn trong việc thu hút thương mại biên giới và xuất nhập khẩu hàng hóa. Việc hình thành khu thương mại tự do sẽ thúc đẩy hoạt động logistics, trung chuyển hàng hóa và phát triển kinh tế biên giới.

"Hạ tầng cửa khẩu được đầu tư mạnh về các máy soi chiếu, kết hợp với một số đối tác lớn về phần mềm, camera để quản lý, đặt vấn đề tự động hóa theo hướng trí tuệ nhân tạo", cơ quan quản lý nhìn nhận.

Hiện, hệ thống giao thông tại Lạng Sơn đã được đầu tư và nâng cấp, bao gồm các tuyến đường bộ cao tốc như dự án Chi Lăng - Hữu Nghị và các tuyến đường sắt, giúp kết nối nhanh chóng với các vùng kinh tế trọng điểm khác của Việt Nam.

Khu thương mại tự do: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng logistics ở Lạng Sơn - 1

Để phát triển thương mại biên giới, tỉnh Lạng Sơn đã và đang hoàn thiện hạ tầng khu vực cửa khẩu, xây dựng cửa khẩu kiểu mẫu (Ảnh: Hải Nam).

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi về thuế, đất đai và thủ tục hải quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Thời gian qua, để phát triển thương mại biên giới, tỉnh Lạng Sơn đã và đang triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là việc hoàn thiện hạ tầng khu vực cửa khẩu, xây dựng cửa khẩu kiểu mẫu, góp phần tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc… 

Chẳng hạn, từ năm 2022, tỉnh đã triển khai nền tảng cửa khẩu số và thường xuyên nâng cấp hệ thống này, góp phần hiện đại hóa khu vực cửa khẩu, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp logistics đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quản lý và vận hành chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn cũng tích cực đẩy nhanh tiến độ của các dự án logistics quan trọng như khu trung chuyển hàng hóa, khu chế xuất 1, hạ tầng kỹ thuật và nhà xưởng Phúc Khang thuộc khu phi thuế quan.

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung hoàn thiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).

Khu thương mại tự do: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng logistics ở Lạng Sơn - 2

Bộ Công Thương đánh giá tỉnh Lạng Sơn có nhiều tiềm năng để phát triển khu thương mại tự do (Ảnh: VGP).

Trong Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2024 vừa diễn ra, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết thời gian qua, Việt Nam đang tích cực nghiên cứu về các khu thương mại tự do trên thế giới. Đây là một loại hình khu kinh tế có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, góp phần thúc đẩy dịch vụ logistics.

"Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới thì việc nghiên cứu, đề xuất triển khai xây dựng, thành lập và phát triển mô hình các khu thương mại tự do nên được thực hiện sớm. Điều này nhằm tận dụng thời cơ, góp phần đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Diên nhấn mạnh.