"Sân nhà" tràn ngập xế ngoại, áp lực "khủng" với ngành xe hơi Việt?

An Linh

(Dân trí) - Với việc mở cửa ngày càng mạnh, từ năm 2021 trở đi Việt Nam được hứa hẹn sẽ là "sân chơi" của nhiều hãng xe lớn trên thế giới, khiến áp lực giành thị phần đè nặng lên vai các "ông lớn" xe Việt.

Thuế xe nhập ngày càng giảm ở Việt Nam

Hai Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương quan trọng mà Việt Nam tham gia là EVFTA giữa Việt Nam với 28 nền kinh tế EU; rồi Hiệp định CPTPP, RCEP mà Việt Nam tham gia với tư cách thành viên, mới đây FTA song phương giữa Việt Nam với Anh cũng được ký kết... đều có điều khoản giảm, xóa bỏ thuế quan hàng hóa hai chiều, trong đó có ô tô.

Sân nhà tràn ngập xế ngoại, áp lực khủng với ngành xe hơi Việt? - 1

Xe nhập từ các nước châu Âu, Nhật, Úc, Anh hay Mexico sẽ vào Việt Nam với giá rẻ hơn

Với hai hiệp định EVFTA và CPTPP, các quy định về cắt giảm, tiến tới xóa bỏ thuế quan đã được xây dựng lộ trình, trong đó từ năm 2021 trở đi thuế suất thuế nhập khẩu đối với xe từ EU sẽ giảm tối đa 7,4%/năm, như vậy động lực giảm thuế này sẽ khiến nhiều mẫu xe sang trên thị trường có thể được giảm giá theo.

Thực tế, hiện trên thị trường một số mẫu BMW mà Trường Hải nhập từ EU đã được giảm giá, đáng nói nhất là BMW X7 được giảm giá từ 400 triệu đồng đến hơn 1,1 tỷ đồng cho bản cao cấp nhất.

Trong phân khúc xe nhập từ EU, đáng quan tâm nhất là xe nhập từ Đức, Pháp và Thụy Điển. Hiện, xe nhập từ Đức vẫn chủ yếu là các dòng như Audi, BMW hay Volkswagen, Mini Cooper, xe Volvo của Thụy Điển hay các thương hiệu Renault, Peugeot của Pháp...

Các mẫu xe Anh, Nhật hoặc Úc, Mexico cũng có điều kiện được giảm thuế mạnh tại Việt Nam do các Hiệp định FTAs. Hiện nay, xe nhập khẩu từ các thị trường trên đều chịu thuế suất từ 45% - 74% theo mức thuế suất tối huệ quốc MFN trong quy định của WTO. Chính vì vậy, việc giảm thuế nhập sẽ tác động cực lớn đối với giá thành bán xe tại Việt Nam.

Trong khi BMW có nhà nhập khẩu chính thức từ Thaco, các mẫu Volvo, Volkswagen hay Audi đều được nhà nhập khẩu phân phối riêng. Tuy nhiên, để xe nhập từ EU giảm thêm giá, cần rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là phải gia tăng nguồn cung, quảng bá sản phẩm và đặc việt là sản xuất xe theo đặc tính thị trường.

Hiện nay ở Việt Nam mỗi hãng xe vẫn chỉ có một nhà phân phối độc quyền, chính vì vậy hạn chế tự do cạnh tranh và khan hiếm nguồn cung, khiến giá xe vẫn neo cao. Trong khi đó, Việt Nam được xem là thánh địa của xe Đức nhưng Audi, BMW hay Mercedes quá thân quen, khiến các hãng xe châu Âu khác khó có khả năng cạnh tranh sòng phẳng, thậm chí sớm thất bại như Renault chẳng hạn.

Ngoài ra, hầu hết các dòng xe châu Âu đều có dung tích xy lanh cao, chính vì vậy xe vào Việt Nam có thể bị đánh Thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức rất cao từ 50% đến 90% cho các dòng xe có dung tích xy lanh 2.5L - 3.0L trở lên. Nếu các nhà nhập khẩu xe từ các nước phát triển đẩy mạnh xuất khẩu xe điện, hybrid vào Việt Nam có thể các loại thuế sẽ được giảm hoặc bãi bỏ nhiều hơn.

Áp lực đối với ngành xe hơi non trẻ trong nước

Theo các con số thống kê của Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan hay Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, lượng xe nhập đang tiêu thụ trên thị trường chiếm từ 20% - 40% trong các mẫu, dòng xe.

Sân nhà tràn ngập xế ngoại, áp lực khủng với ngành xe hơi Việt? - 2

Việc mở cửa đối với thị trường xe trong nước sẽ gây áp lực lớn, buộc các hãng xe nội phải thay đổi chiến lược

Nhóm tiêu thụ các dòng xe cao cấp giá từ 1,5 tỷ đồng trở lên thường nhắm đến các dòng xe nhập khẩu thay vì xe lắp ráp trong nước, điều này cho thấy nhiều người có tiền vẫn có chọn lựa xe theo xu hướng riêng của mình.

Trong khi đó, đối với ngành xe hơi non trẻ tại Việt Nam, thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là có thị trường ổn định, doanh số lớn. Muốn vậy, các mẫu xe nội địa phải tiêu thụ nhiều hơn mới giúp doanh nghiệp liên doanh, lắp ráp đảm bảo chi phí sản xuất, lãi doanh số.

Để vượt qua áp lực về giá xe nhập giảm mạnh ở Việt Nam khi bỏ thuế, điều kiện cần là các mẫu xe lắp ráp hoặc sản xuất trong nước phải giảm giá, mở rộng thị trường trước khi sân nhà tràn ngập xe ngoại.

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, thị trường xe hơi Việt Nam từ năm 2021 trở đi sẽ khốc liệt hơn khi thị trường mở cửa và áp lực doanh số. Các hãng xe sẽ phải tối đa hóa chi phí để giảm giá, chiếm được khách hàng. Chỉ có giảm giá bán mới có thể có thị phần lớn hơn, gia tăng khả năng cạnh tranh.

Ông Đồng cho biết, để cạnh tranh được với xe châu Âu, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và dịch vụ hậu mãi phải chuẩn chỉ, điều này tôi tin chắc các hãng xe Việt làm được, minh chứng là từ năm 2018, khi Việt Nam bỏ thuế xe từ ASEAN, xe trong nước vẫn đủ sức cạnh tranh so với xe nhập khẩu.