Năm 2021, xe trong nước mất "đặc quyền" giảm 50% phí trước bạ

Nguyễn Tuyền

(Dân trí) - Năm 2021, có 29 lĩnh vực sẽ được giảm phí, lệ phí từ 10-50%, tuy nhiên phí trước bạ đối với xe trong nước đăng ký lần đầu sẽ không được tiếp tục gia hạn.

Sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 112/2020 về giảm phí, lệ phí 10-50% hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Đáng chú ý là năm 2021 sẽ không tiếp tục gia hạn giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô trong nước.

Năm 2021, xe trong nước mất đặc quyền giảm 50% phí trước bạ - 1

Năm 2021 sẽ không tiếp tục gia hạn giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô trong nước

Cụ thể, theo Thông tư 112/2020, có 29 loại phí, lệ phí sẽ được giảm phí, lệ phí sẽ được Bộ Tài chính gia hạn giảm, giãn đến hết 30/6/2021 thay vì cuối năm 2020.

Chỉ riêng đối với chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước đăng ký lần đầu sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2020 theo Nghị định 70 (thực hiện từ 28/6).

Trước đó, báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính đánh giá việc giảm 50% lệ phí trước bạ chỉ là "giải pháp ngắn hạn", tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sản xuất lắp ráp ô tô trong nước trước ảnh hưởng của đại dịch. Chính sách này đã giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 3.700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đại sứ quán một số nước đã phản ứng và cho rằng đây là vấn đề phân biệt đối xử giữa xe nhập khẩu và sản xuất trong nước.

Phí trước bạ đối với xe đăng ký lần đầu hiện nay là 10% đối với cả nước và 12% đối với riêng Hà Nội. Người mua xe lắp ráp trong nước có giá từ 700 triệu đồng đến 3 tỷ đồng sẽ được giảm giá từ 35 triệu đồng đến gần 200 triệu đồng/chiếc.

Việc không gia hạn giảm 50% phí trước bạ đối với xe trong nước có thể sẽ khiến nhiều người mua xe trong nước không được hưởng ưu đãi. Điều này có thể sẽ khiến các dòng xe trong nước có thể tăng giá trở lại, doanh thu bị tác động.

Trong khi đó, việc giảm 50% phí trước bạ đối với xe trong nước đối với xe nhập khẩu khiến các xe nhập bị cạnh tranh quyết liệt. Nhiều mẫu xe nhập đã được các hãng, đại lý giảm giá mạnh để loại bỏ lợi thế của xe trong nước nhờ giảm 50% phí trước bạ.

Tại Thông tư 112 một số loại phí, lệ phí tiếp tục được giảm mạnh, trong đó có phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán (trừ lệ phí cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận hành nghề cho cá nhân và phí giám sát hoạt động chứng khoán), phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế cơ sở, phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng...

Lệ phí cấp giấy phép thành lập ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và lệ phí cấp chứng chỉ năng lực xây dựng cho tổ chức và cá nhân cũng được giảm 50%. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng giảm 30% phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường, 30% phí khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn...

Ước tính ngân sách giảm khoảng 1.000 tỷ đồng khi giảm số phí, lệ phí trên trong năm 2020 nhưng Bộ Tài chính vấn đề xuất tiếp tục gia hạn đến 30/6/2021.