Sacombank nguy cơ "bốc hơi" 67% lợi nhuận vì sáp nhập Southern Bank
(Dân trí) - Bản Việt ước tính, Sacombank sẽ cần ghi nhận thêm chi phí dự phòng khoảng 1.589 tỷ đồng (tương đương 38% lợi nhuận hoạt động trước dự phòng trong năm 2014) để giải quyết vấn đề nợ xấu của Phương Nam.
Ngày 25/3, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã CK: STB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên với tâm điểm là kế hoạch sáp nhập với Ngân hang TMCP Phương Nam ( Southern Bank - PNB).
Ban đầu kế hoạch này gặp nhiều ý kiến phản đối nhưng cuối cùng, nội dung chính đã được các cổ đông thông qua về nguyên tắc với tỷ lệ tán thành cao ở mức 97% (so với mức hợp lệ là 65%). Trong năm nay, Sacombank sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường để xin ý kiến cổ đông về quyết định cuối cùng liên quan đến thương vụ này.
Việc quản lý rủi ro không hiệu quả và tình hình kinh doanh không tốt của PNB sẽ là gánh nặng cho Sacombank trong vài năm tới.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Tại báo cáo thị trường phát hành cho nhà đầu tư cuối ngày 25/3, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, do các cổ đông lớn của hai ngân hàng có quan hệ gia đình, tổng cộng nắm giữ 12% cổ phần ở Sacombank và 20% cổ phần ở PNB, nên Bản Việt xem động thái này của Sacombank là một giải pháp hợp lý trong kế hoạch chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hang giai đoạn 2011-2015 (nhằm giảm số lượng ngân hàng chủ yếu thông qua M&A, củng cố lại hoạt động của các ngân hàng, giảm tình trạng sở hữu chéo và tăng tính minh bạch).
Về mặt tích cực, Bản Việt tin rằng thương vụ M&A này sẽ giúp Sacombank có thêm nguồn lực vượt qua các ngân hàng khác trong khối ngân hàng tư nhân để trở thành ngân hàng dẫn đầu thị trường về tín dụng (thị phần đạt 5,2%), huy động (thị phần đạt 5,4%) và hệ thống các chi nhánh. Đây là những yếu tố chính giúp Sacombank thành công ở mảng ngân hàng bán lẻ đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, về mặt không tích cực, việc quản lý rủi ro không hiệu quả và tình hình kinh doanh không tốt của PNB sẽ là gánh nặng cho Sacombank trong vài năm tới.
Chi phí dự phòng dự báo gần 1.600 tỷ đồng, lãi ròng giảm 67%
Bản Việt ước tính, Sacombank sẽ cần ghi nhận thêm chi phí dự phòng khoảng 1.589 tỷ đồng (tương đương 38% lợi nhuận hoạt động trước dự phòng trong năm 2014 của ngân hàng) để giải quyết vấn đề nợ xấu của PNB, với 3 giả định được đặt ra.
Một là, 90% các khoản phải phu của PNB (25.700 tỷ đồng, tương đương 34% tổng tài sản) đáng lý ra phải được phân loại là tín dụng. Hai là lượng nợ xấu thực tế của PNB cao gấp đôi tỷ lệ báo cáo và ba là, tỷ lệ dự phòng trên nợ xấu là 50% cho các khoản nợ xấu.
Nếu quả là như vậy thì lợi nhuận ròng sau thuế năm 2014 của Sacombank sẽ giảm 67% so với năm 2013 (thay vì tăng 4% như Bản Việt ước tính trước khi sáp nhập với PNB).
Bản Việt cũng nhận định rằng, quyết định bán nợ xấu cho VAMC có thể giúp Sacombank giảm chi phí dự phòng phát sinh thêm xuống còn 172 tỷ đồng (tương đương 4% lợi nhuận hoạt động trước dự phòng của STB). Thêm vào đó, lợi nhuận ròng sau thuế năm 2014 của Sacombank sẽ giảm nhẹ 4% so với năm 2013. Tuy nhiên Sacombank sẽ phải trích lập dự phòng 283 tỷ đồng/năm (tương đương 9% lợi nhuận ròng sau thuế) trong giai đoạn năm 2015-2019 cho trái phiếu do VAMC phát hành.
Dự kiến tỷ lệ biên lãi ròng sẽ giảm 0,15%
Việc Sacombank có hoạt động kinh doanh tốt hơn dự phóng của Bản Việt trong năm 2013 (nhờ sử dụng chi phí hiệu quả) đã khiến Bản Việt xem xét lại dự báo lợi nhuận năm 2014.
Trong khi đó, tỷ lệ biên lãi ròng sẽ giảm 0,15% xuống mức 4,8%, theo Bản Việt, thứ nhất là do định hướng của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất và thứ đến là tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các ngân hàng trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ. Tuy nhiên, thu nhập ròng từ lãi có khả năng tăng 8,6% nhờ tín dụng tăng 13%.
Thu nhập từ phí hoạt động cũng sẽ tăng trưởng 15% nhờ hoạt động kinh tế cải thiện trong khi thu nhập ngoài lãi có thể tăng gấp 7 lần do không có khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh vàng và thu nhập từ trái phiếu tăng lên.
Nhìn chung, Bản Việt dự báo, lợi nhuận hoạt động trước dự phòng của Sacombank sẽ tăng 21% so với năm 2013 nhờ lợi nhuận tăng và việc quản lý chi phí hiệu quả hơn (tỷ lệ chi phí/thu nhập 51,5% trong năm 2014 so với 55,3% trong năm 2013).
Song, lợi nhuận ròng sau thuế sẽ bị ảnh hưởng do chi phí dự phòng tăng vọt 142% vì lượng nợ xấu tăng (2,5% trong năm 2014 so với 1,5% trong năm 2013) với việc Sacombank tăng cường việc cho vay đối với ngành xây dựng và bất động sản từ 10% trong năm 2011 lên hơn 20% trong năm 2012-2013.
Trong khi đó, ngân hàng phải tiếp tục xóa nợ xấu để chuẩn bị cho việc Thông tư 02 có hiệu lực một phần trong năm 2014 và trong năm 2015, và phải trích lập chi phí dự phòng 125 tỷ đồng/năm (tương đương 3% lợi nhuận hoạt động trước dự phòng trong năm 2014) trong vòng 5 năm dành cho các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trong năm 2013, các khoản nợ này có tổng giá trị là 628 tỷ đồng (chiếm 0,6% dư nợ tín dụng năm 2013).
Chưa tìm được đối tác ngoại là 1 điểm trừ
Việc chưa tìm được đối tác nước ngoài có thể là một điểm trừ đối với Sacombank trong ngắn hạn. Tuy nhiên, theo Bản Việt nhận định, việc mở lại 20% room nước ngoài trước đây bị khóa có thể cũng là một phần kế hoạch M&A với Ngân hàng Phương Nam.
Báo cáo của Bản Việt lưu ý, 20% cổ phần của UOB - một ngân hàng của Singapore - tại Ngân hàng Phương Nam sẽ được hoán đổi để lấy cổ phần tại Sacombank, làm tăng tỷ lệ sở hữu của nước ngoài tại Sacombank. Nếu thương vụ M&A này hoàn tất, theo Bản Việt, có thể Sacombank sẽ cần từ 1 đến 2 năm để tái cơ cấu trước khi bắt đầu tìm kiếm cơ hội mới với đối tác nước ngoài.
STB hiện đang giao dịch tại mức PB (giá/giá trị sổ sách) và PE (giá/thu nhập cổ phiếu) dự phóng 2014 lần lượt là 1,4 lần và 11,3 lần, theo giá đóng cửa phiên 25/3 (chưa tính việc hợp nhất với Ngân hàng Phương Nam).
Bích Diệp