“Cổ đông Sacombank không nên trả đồng nào để mua SouthernBank"

(Dân trí) - Theo chuyên viên phân tích của ACBS, tỉ lệ hoán đổi 1:10 giữa Sacombank và Phương Nam mới là mức tương đối hợp lý và có ý nghĩa hơn tỷ lệ 1:1,3 theo giá trị sổ sách đối với thương vụ sáp nhập quá chênh lệch và không tương xứng này.

 

Đại hội cổ đông 2014 của Sacombank được bắt đầu vào sáng nay và thương vụ Sacombank – Phương Nam sẽ là chủ đề nóng nhất sẽ được đưa vào thảo luận trong kỳ này.

 

Tuy nhiên, cổ đông Sacombank sẽ chỉ dừng lại ở việc bỏ phiếu chấp thuận hay không chấp thuận để HĐQT Sacombank bắt đầu tiến hành thương vụ. Riêng về đề án chi tiết (bao gồm tỷ lệ hoán đổi) sẽ được HĐQT xây dựng sau đó và sẽ trình ĐHĐCĐ xem xét, quyết định trong các kỳ họp sau.

 

Chuyên viên của Chứng khoán Ngân hàng TMCP Á Châu (ACBS) trong bản tin sáng ngày 25/3 với giả định là cổ đông của Sacombank đã cho rằng, "việc bỏ phiếu đồng ý hay không đồng ý sáp nhập Phương Nam vào Sacombank trong khi vẫn chưa đưa ra được tỷ lệ hoán đổi sẽ không đem lại ý nghĩa gì".

 

Theo chuyên viên phân tích này, giá cả hiển nhiên luôn là điều quan trọng trong bất kỳ một giao dịch nào - và trong trường hợp này, một thương vụ sáp nhập trong ngành ngân hàng, thì giá cả lại càng có vai trò đặc biệt quan trọng. Có thể nói hiện nay nhiều ngân hàng, có thể bao gồm luôn Phương Nam, đang mất khả năng chi trả về mặt kỹ thuật nếu cân nhắc đến khoản nợ xấu khổng lồ, lớn hơn cả vốn chủ sở hữu. Vì vậy, giá trị thực của Phương Nam (nếu không tính đến bất kỳ sự trợ giúp nào từ VAMC) có thể chỉ là một con số “không” tròn trĩnh. Và cổ đông của Sacombank có lẽ không nên trả một đồng nào để mua lại Phương Nam.

 

Chuyên viên của ACBS chỉ ra, ở Việt Nam kể từ năm 2011 đến nay đã chứng kiến 3 trường hợp sáp nhập trong ngành ngân hàng và trong cả 3 trường hợp, tỷ lệ hoán đổi đều được tính dựa trên giá trị sổ sách công bố. 2 trong số 3 trường hợp diễn ra giữa các ngân hàng chưa niêm yết (SCB / Đệ Nhất / Tín Nghĩa; HD / Đại Á). Trường hợp còn lại là giữa hai ngân hàng đã niêm yết (SHB / Habubank). Đểm chung ở cả 3 trường hợp này là không có quá nhiều khoảng cách giữa các ngân hàng trong một thương vụ sáp nhập, quy mô khá tương đồng, đều cùng là ngân hàng niêm yết hay cùng là ngân hàng chưa niêm yết. Cho nên tỷ lệ hoán đổi dựa trên giá trị sổ sách vì thế sẽ không gây ra nhiều tranh cãi.

 

Trường hợp giữa Sacombank/Phương Nam thì lại khác. Một bên là ngân hàng thành công nhất trong vài năm trở lại đây, có quy mô lớn và đã niêm yết nhưng lại đi chấp nhận về cùng nhà với một ngân hàng nhỏ hơn, chưa niêm yết, có chất lượng kinh doanh khá thất vọng.

 

Chuyên viên của ACBS cho rằng, có khả năng một số nhân vật có vai trò quan trọng trong thương vụ này sẽ đề nghị hoán đổi theo giá trị sổ sách. Và việc hai ngân hàng có chung dáng dấp một chủ sở hữu sẽ làm khả năng này bị đẩy lên rất cao.

 

Giá trị hợp lý của Phương Nam theo bản tin này nhận định sẽ không lớn hơn con số “không” là bao. Và mặc dù có một số lợi thế do gia tăng thêm được mạng lưới chi nhánh và cơ sở khách hàng nhưng Sacombank nên chấp nhận rằng giá trị hợp lý của Phương Nam là gần bằng “không” chứ không phải gần bằng giá trị sổ sách như công bố.

 

Tất nhiên việc Công ty quản lý tài sản (VAMC) mua bớt nợ xấu sẽ là yếu tố quan trọng khi tính toán tỷ lệ hoán đổi. Từ góc độ vĩ mô, nếu VAMC thực hiện đúng chức năng xử lý nợ xấu như các nhà làm chính sách đề ra thì giá trị hợp lý của Phương Nam có thể một con số dương (tức lớn hơn 0) nhưng vẫn còn cách xa so với mệnh giá.

 

Và theo nhận định của bản tin này, 1 cổ phần Sacombank đổi 10 cổ phần Phương Nam là tỷ lệ tương đối hợp lý và chắc chắn là hợp lý và có ý nghĩa hơn so với tỷ lệ 1:1,3 theo giá trị sổ sách.
 

 

Bích Diệp
  

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước