Sabeco tính “bạo chi” thêm cả nghìn tỷ đồng chia cổ tức: Tỷ phú Thái gây “sốc”
(Dân trí) - Mặc dù năm 2018 Sabeco vẫn hoàn thành kế hoạch lợi nhuận song đây lại là năm đầu tiên kể từ 2013, “anh cả” ngành bia Việt bị đứt mạch tăng trưởng. Chính vì vậy, cổ đông ngỡ ngàng vì sau khi chia cổ tức với tỷ lệ cao 35%, đến nay Sabeco lại tính tăng tỷ lệ này lên tới 50%, tức ông chủ Thái sẽ nhận về thêm khoảng 515 tỷ đồng “tiền tươi” cổ tức.
Sau 5 phiên liên tục không hề tăng giá, cổ phiếu SAB của Tổng công ty CP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tiếp tục đứng giá trong phiên giao dịch sáng nay (3/4). Mã này đang được giao dịch với mức giá 246.000 đồng. Thanh khoản tại SAB hiện rất thấp, chỉ có khoảng hơn 500 cổ phiếu được giao dịch.
Mới đây, Sabeco đã công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên với nội dung đáng chú ý là sẽ tăng tỷ lệ chia cổ tức lên 50% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận 5.000 đồng). Tỷ lệ chia cổ tức trước đó đã được thống nhất là 35% và đã được Sabeco trả cho cổ đông vào tháng 10 và tháng 11/2018.
Nếu được thông qua, Sabeco sẽ phải chi thêm 960 tỷ đồng lên 3.200 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông. Trong đó, ông chủ Thái (ThaiBev) sẽ được nhận về khoảng 515 tỷ đồng cổ tức nữa sau khi đã nhận hơn 1.200 tỷ đồng cổ tức đã chia trước đó.
Nội dung tăng tỷ lệ chia cổ tức đương nhiên khiến không ít cổ đông của Sabeco hồ hởi vì được nhận thêm tiền, thế nhưng cũng đặt ra một số băn khoăn bởi “ông lớn” ngành bia vừa trải qua một năm kinh doanh chật vật, lần đầu tiên suy giảm lợi nhuận kể từ 2013 (giảm 11% còn 4.403 tỷ đồng). Dù hoàn thành kế hoạch song việc “anh cả” thị trường bia Việt bị đứt mạch tăng trưởng 6 năm liên là một kết quả ít nhiều gây thất vọng.
Trong khi đó, Sabeco vẫn đang đối mặt với khoản tiền cưỡng chế thuế truy thu và phạt thuế lên tới 3.140 tỷ đồng (hiện đã được Thủ tướng chỉ tạo dừng cưỡng chế).
Tại báo cáo tài chính quý I niên độ 2018-2019 của Thaibev, Ban lãnh đạo tập đoàn này cho biết, thời gian qua, trong khi sản lượng tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Á chậm lại thì Sabeco vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Tập đoàn này tin rằng việc mua lại Sabeco sẽ giúp mở rộng kinh doanh vào Việt Nam, nơi có dân số trẻ, mạng lưới phân phối rộng khắp và thị trường bia tăng trưởng mạnh nhất khu vực.
Nhóm công ty liên quan tới Sabeco trong quý I tài chính của Thaibev đã mang về gần 13.000 tỷ đồng doanh thu cho tập đoàn này, qua đó khiến tỷ lệ đóng góp doanh thu nội địa của Thaibev giảm từ 96% xuống còn 71% trong cơ cấu tổng doanh thu.
Thị trường đỏ rực trong phiên giao dịch sáng nay. Các chỉ số đều trải qua thời gian giằng co căng thẳng và hầu hết hoạt động dưới đường tham chiếu. VN-Index tạm thời đang mất 1,74 điểm tương ứng 0,18% còn 984,07 điểm và HNX-Index mất 0,03 điểm tương ứng 0,02% còn 107,46 điểm.
Số mã giảm đang áp đảo hoàn toàn so với số mã tăng trên quy mô thị trường. Có 303 mã giảm, 34 mã giảm sàn so với 227 mã tăng, 38 mã tăng trần.
Thanh khoản có dấu hiệu suy giảm so với trước. Khối lượng giao dịch trên HSX đạt 109 triệu cổ phiếu tương ứng 2.110,41 tỷ đồng và trên HNX là 17,78 triệu cổ phiếu tương ứng 306,72 tỷ đồng.
Tình trạng giảm giá tại các mã lớn như VIC, VNM, VCB, BVH… rõ ràng đang tác động tiêu cực đến biến động của VN-Index. VIC khiến VN-Index mất 0,78 điểm và VNM cũng lấy đi của chỉ số tới 0,53 điểm.
Nhóm dầu khí đang là nhóm ngành tăng giá tốt nhất trong sáng nay. Cụ thể, GAS tăng 500 đồng, PLX tăng 400 đồng, PVS tăng 700 đồng, PVD tăng 500 đồng, PVB tăng 1.000 đồng, PVC tăng 500 đồng…
VCBS nhận định, sau những phiên dao động lình xình với thanh khoản thấp, phiên giảm điểm hôm qua tuy chưa cho thấy dấu hiệu chắc chắn về một xu thế giảm mới có thể diễn ra nhưng cũng là một tín hiệu để nhà đầu tư lưu tâm nhiều hơn tới mức độ rủi ro của thị trường trong giai đoạn hiện tại khi mà chỉ số chung vẫn đang tương đối “chật vật” trước ngưỡng kháng cự 1.000 điểm.
Theo đó, nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ nên cân nhắc giải ngân với tỷ trọng nhỏ vào nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình cho mục tiêu “lướt sóng” ngắn hạn và chú ý nhiều hơn đến biến động của thị trường chung để có thể kịp thời cơ cấu lại danh mục nếu cần thiết.
Mai Chi