1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sabeco bất ngờ rời nhóm doanh nghiệp vốn hóa 100.000 tỷ đồng

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Sau năm 2022 lập đỉnh về lợi nhuận tới gần 5.500 tỷ đồng, sang đến 2023, kết quả kinh doanh của Sabeco tụt dốc. Điều này khiến Sabeco vừa tạm rời khỏi nhóm doanh nghiệp vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu của Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán: SAB) hiện vẫn là một trong những cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn chứng khoán, duy trì giao dịch ở mức 3 chữ số. Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/7, SAB được giao dịch mức 153.500 đồng/cổ phiếu, giảm khoảng 9% kể từ đầu năm đến nay.

Giá cổ phiếu SAB đã liên tục biến động từ đầu năm. So với mức giá 196.000 đồng/cổ phiếu đạt được hồi tháng 2, giá SAB hiện đã giảm hơn 21%. Giá trị vốn hóa của Sabeco cũng "bốc hơi" hơn 27.000 tỷ đồng sau 5 tháng.

Với mức giảm này, vốn hóa thị trường của Sabeco đang quanh mức 98.400 tỷ đồng và rời khỏi nhóm doanh nghiệp vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân chính kéo cổ phiếu SAB giảm mạnh có thể đến từ kết quả kinh doanh. Quý I năm nay, doanh thu Sabeco đạt hơn 6.200 tỷ đồng, giảm gần 15% so với cùng kỳ. Sức mua giảm nên hàng tồn kho thành phẩm của hãng bia này tăng 18%, lên hơn 1.000 tỷ đồng,

Lợi nhuận gộp Sabeco cũng giảm 12% về còn 1.915 tỷ đồng. Doanh thu tài chính tăng 56%, lên 358 tỷ đồng. Lãi từ công ty liên doanh liên kết giảm 19% còn 44 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng gần gấp đôi, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đồng loạt tăng.

Sau khi trừ giá vốn và chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm gần 19% so với cùng kỳ còn 1.004 tỷ đồng và là mức lãi thấp nhất trong 6 quý gần đây.

Trước đó, năm 2022, Sabeco công bố mức lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2013 với lợi nhuận sau thuế đạt gần 5.500 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2021. Doanh thu thuần của công ty cũng tăng trưởng 33% so với cùng kỳ đạt 34.979 tỷ đồng.

Mức tăng trưởng cao kể trên ngoài nguyên nhân doanh nghiệp phục hồi nhanh, tiết giảm chi phí thì còn đến từ kết quả năm 2021 rất thấp trong bối cảnh tiêu thụ bia rơi xuống mức đáy nhiều năm vì đại dịch Covid-19.

Không chỉ vậy, năm 2022 cũng là thời điểm đánh dấu tròn 5 năm Sabeco từ một doanh nghiệp Nhà nước trở thành công ty con của ThaiBev. Tháng 12/2017, Tập đoàn Thai Beverage của Thái Lan mạnh tay chi 4,8 tỷ USD để mua lại gần 54% cổ phần Sabeco.

Hiện tại, cơ cấu cổ đông của Sabeco gồm Công ty TNHH Vietnam Beverage (thuộc Tập đoàn Thai Beverage) nắm hơn 343,6 triệu cổ phiếu (chiếm 53,59% vốn điều lệ), Bộ Công Thương nắm gần 231 triệu cổ phiếu (chiếm 36% vốn điều lệ), còn lại là cổ đông khác.

Trong 10 năm qua, thị trường bia Việt Nam được thống trị bởi 4 doanh nghiệp lớn gồm Heineken, Sabeco, Carlsberg và Habeco với trên 90% thị phần. Gần đây, Heineken sau nhiều năm đứng vị trí thứ 2 đã vượt Sabeco và giành 44% thị phần. Trong khi đó miếng bánh của 3 "ông lớn" còn lại đang thu hẹp dần.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm